HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Nhà chống bão ở siêu cường số 1 thế giới: ‘Bất khả chiến bại’ trước bão cấp 5, chịu được sức gió lên tới 257km/h

Diệp Thảo

(Thị trường tài chính) - Deltec cho biết trong số 1.400 ngôi nhà mà công ty đã xây dựng trong ba thập kỷ qua, chỉ có một ngôi nhà bị hư hại về mặt kết cấu do gió mạnh.

Khoảng 6 năm trước, cơn bão Michael đã tấn công bang Florida, Mỹ với sức gió khủng khiếp lên tới 257km/h, sóng biển dâng cao tới 4,2m.

Hầu như mọi tòa nhà ở bãi biển Mexico, Florida, đều bị hư hại do cơn bão năm 2018. Theo đó, 800 tòa nhà trong số đó đã bị phá hủy, bao gồm hầu hết các ngôi nhà trong khu phố của bà Bonny Paulson. Tuy nhiên, ngôi nhà của người phụ nữ này thì không.

Trước đó, bà đã nhận được cảnh báo sơ tán của chính quyền. Sau cơn bão, ngôi nhà của bà chỉ mất vài tấm ván lợp, gần như nguyên vẹn giữa đống đổ nát xung quanh.

Ngôi nhà hình tròn của bà đã vượt qua được cơn bão cấp 5.

Tại những nơi dễ xảy ra bão, một số nhà phát triển đang xây dựng những ngôi nhà được thiết kế để chống chọi tốt hơn với điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.

"Tôi biết rằng Trái đất đang thay đổi, các bạn biết đấy, và chúng ta cần phải thích nghi với điều đó. Và tôi nghĩ rằng về mặt môi trường, các kiến trúc sư sẽ phải bắt đầu suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ", Paulson nói.

Nhà chống bão ở siêu cường số 1 thế giới: ‘Bất khả chiến bại’ trước bão cấp 5, chịu được sức gió lên tới 257km/h - ảnh 1
Mô hình nhà chống bão tại Mỹ. Ảnh: AP
 

Deltec Homes cho biết những ngôi nhà mà họ xây dựng như nhà của Paulson được thiết kế theo cấu trúc khí động học, giúp giảm thiểu lực cản của gió. Hình dáng tròn giúp phân tán lực gió đều khắp ngôi nhà, thay vì tập trung vào một điểm như các ngôi nhà hình chữ nhật truyền thống. Do các dầm mái và sàn nhà trải rộng ra ngoài từ trung tâm của ngôi nhà nên năng lượng gió được phân tán trong các cơn bão.

Ngoài ra, thiết kế này là một phần của phương pháp tiếp cận xanh hơn đối với việc xây dựng nhà ở. Các tấm pin mặt trời được lắp đặt vừa khít trên mái nhà đến mức gió không thể lọt qua và chúng còn đảm bảo nguồn năng lượng cho gia đình sau khi cơn bão đã tàn phá hệ thống điện lưới. 

Bà Paulson cho biết, ngoài sự an tâm, nay bà chỉ phải chi 32 USD/tháng cho nhu cầu năng lượng, thấp hơn nhiều so với mức 250 USD trước đây.

Deltec cho biết trong số 1.400 ngôi nhà mà công ty đã xây dựng trong ba thập kỷ qua, chỉ có một ngôi nhà bị hư hại về mặt kết cấu do gió mạnh.

Các công ty khác xây dựng nhà chống bão bằng các vật liệu như kính uốn cong và bê tông siêu bền.

Một công ty của Bahamas có tên  Offsite CLT Construction cho biết gỗ ép chéo của họ, trong đó các tấm gỗ được dán lại với nhau, có thể chịu được sức gió lên tới 297km/h.

Quy định xây dựng đã được thắt chặt ở một số nơi tại Mỹ sau những cơn bão cường độ cao. Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của công ty bảo hiểm  Swiss Re  cho biết cần phải làm nhiều hơn và nhanh chóng hơn.

Báo cáo chỉ ra rằng 60 triệu người Mỹ đang sống trong các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi bão và nhấn mạnh "nhu cầu thực tế về việc đẩy nhanh các nỗ lực thích ứng”.

Đối với Paulson, việc ngôi nhà của bà ở Florida vẫn tồn tại sau cơn bão Michael là một lời cảnh báo cho những người khác.

"Tôi thực sự không cảm thấy rằng người dân đang nghiêm túc quan tâm đến những thảm họa môi trường và điều chỉnh để đối phó. Chúng ta vẫn đang xây dựng những thứ cũ kỹ dễ bị cuốn đi, những thứ không hề chắc chắn và an toàn", Paulson nói.

Theo Scripps News