Xuất khẩu nông sản năm 2023 vượt mốc 53 tỷ USD
Thitruongtaichinh - Trong bức tranh khó khăn chung của xuất nhập khẩu hàng hoá, xuất khẩu nông sản đã trở thành điểm sáng đáng ghi nhận khi giá trị kim ngạch năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD. Nổi bật nhất là sự bứt phá mạnh mẽ của những mặt hàng thế mạnh là gạo và rau quả.
Xuất khẩu gạo và rau quả lập kỷ lục mới
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu sản ước đạt trên 53 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành năm 2023 đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Nhiều mặt hàng ghi nhận những kỷ lục mới, điển hình là gạo và rau quả.
Với mặt hàng gạo, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết nửa đầu tháng 12/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 7,9 triệu tấn gạo, trị giá hơn 4,5 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này đã cao hơn dự báo trước đó là cả năm xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo và gần đạt bằng mức sản lượng dự tính của Bộ Công Thương trước đó là cả năm xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD.
Với đà này, các chuyên gia dự báo, năm 2023, xuất khẩu gạo có thể lên tới 8,2 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,8 tỷ USD. Con số này đạt mức cao nhất từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay.
Đáng chú ý, gạo Việt Nam ngày càng chinh phục tốt các thị trường khó tính. Mới đây, theo công bố của Bộ NN&PTNT, ST25 – giống gạo từng đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới do tổ chức The Rice Trade tổ chức đã chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Cùng ST25, giống ST24 cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU.
Trước khi ST24 và ST25 được hưởng ưu đãi, 9 giống gạo của Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU, gồm: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào. Đây là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường đầy tiềm năng này.
Với mặt hàng rau quả, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả năm 2023 dự kiến đạt tới 5,6 tỷ USD, là mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay. Với kỷ lục đạt gần 5,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 bứt phá mạnh mẽ, vượt 40% kế hoạch đầu năm và tăng gần 66% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, mặt hàng này cũng có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu nhóm nông sản khi vượt qua các ngành chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê, sắn...
Đáng chú ý, sầu riêng đã trở thành "quán quân" trong nhóm hàng rau quả xuất khẩu khi đạt được con số tăng trưởng rất cao. Đây vừa là sự cố gắng rất lớn của doanh nghiệp, vừa là kết quả từ nỗ lực mở cửa thị trường Trung Quốc của các bộ, ngành cho mặt hàng sầu riêng của Việt Nam.
Xây dựng chuỗi sản xuất, bám sát yêu cầu thị trường nhập khẩu
Bên cạnh nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ghi nhận kỷ lục mới như gạo, rau quả, cà phê… có những mặt hàng sụt giảm khá mạnh như thủy sản, đồ gỗ, lâm sản... Phân tích về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, năm 2023 có nhiều biến động với xuất khẩu nông sản Việt Nam, nhiều khó khăn song cũng có những thuận lợi. Sự bù trừ trong kim ngạch xuất khẩu giúp ngành vẫn giữ được kết quả khả quan. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề về chất lượng, vùng nguyên liệu cần khắc phục để duy trì sự bền vững.
Ngành nông nghiệp tiếp tục cùng các địa phương, doanh nghiệp rà soát, đưa ra chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đây là giải pháp tháo gỡ cơ bản khó khăn, vướng mắc về chất lượng, tiêu chuẩn của nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý dự báo, năm 2024 vẫn có nhiều thuận lợi đối với nhóm ngành hàng lúa gạo, rau quả, cà phê và mặt hàng khác với những cơ hội mới mà nông sản Việt cần chủ động tận dụng đón nhận.
Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải khuyến cáo: để bảo đảm sự phát triển bền vững, thiết lập thị trường nhập khẩu ổn định, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chuỗi liên kết, thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn từ thị trường nhập khẩu để có đối sách trong xây dựng nguồn nguyên liệu cũng như chế biến, đóng gói xuất khẩu. Còn Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu các ngành hàng này cần chú trọng xây dựng chuỗi sản xuất, bám sát yêu cầu từ thị trường nhập khẩu, bảo đảm duy trì tăng trưởng bền vững.
Đối với mặt hàng về thủy sản, đồ gỗ, Bộ NN&PTNT bám sát triển khai quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cảng cá). Trong đó, tập trung xây dựng các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng, gỡ được "thẻ vàng" IUU cũng như giải quyết những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép…
Nhận định rõ tình hình thực tế, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.