HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Xuất khẩu năm 2024 đối mặt muôn vàn khó khăn

Ánh Ngọc

Thitruongtaichinh - Để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm nội địa) của đất nước năm 2024 ở mức 6 - 6,5%, kim ngạch xuất khẩu phải đạt tăng trưởng 6% và cán cân thương mại phải duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD trong năm 2024.

Đây là một thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, lạm phát vẫn ở mức cao.

Xuất siêu 8 năm liên tiếp, nhiều mặt hàng đạt tỷ USD

Thông tin từ Bộ Công Thương, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022. Đáng chú ý, năm nay

Việt Nam có tới 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD như: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ…
Đơn cử như mặt hàng rau quả, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, dự kiến năm nay xuất khẩu toàn ngành rau quả là 3,5 tỷ USD, vượt con số 1,5 tỷ USD của năm 2022.

Với xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự kiến, đến hết năm 2023, Việt Nam chắc chắn cán mốc xuất khẩu 8 triệu tấn gạo, đem về giá trị 4,6 tỷ USD.

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, nhóm các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD chiếm 66,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Càng về cuối năm, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam phục hồi càng rõ nét. Tuy chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm tiếp tục được thu hẹp từ thực tế giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 4,6% trong cả năm 2023. Đáng chú ý, nhiều DN nội địa đã tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) cùng với thực hiện đa dạng hóa thị trường. Nhờ vậy kim ngạch sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng, mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Công Thương, quy mô xuất khẩu năm nay chưa thực sự phục hồi khi kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 ước đạt 354,5 tỷ USD, giảm khoảng 4,6% so với năm 2022. Cán cân thương mại xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu, cho thấy những khó khăn trong sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

“Năm 2024, bối cảnh thế giới dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng phi toàn cầu hóa đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước với nhiều hình thức khác nhau. Làm thế nào để Việt Nam giữ vững các thị trường xuất khẩu và đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm tới là câu hỏi lớn, cần các giải pháp hiệu quả, kịp thời” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương ngày 20/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý, việc xuất khẩu phụ thuộc khối vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là quá rõ và cần phải khắc phục. Để xuất khẩu tăng trưởng bền vững và đóng góp nhiều hơn cho đất nước, trong chọn lựa các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tới đây, người Việt Nam cần vươn lên nắm bắt được công nghệ trong chuỗi để có thêm giá trị gia tăng, chứ không chỉ là gia công như sản xuất giày dép và may mặc.

Khó khởi sắc do nhiều yếu tố khách quan

Dự báo về xuất khẩu năm 2024, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thực tế, sự tăng - giảm của xuất khẩu rất phụ thuộc vào sức cầu của các thị trường bên ngoài, trong khi yếu tố này còn rất nhiều bất định. Đơn cử, Mỹ và EU là những thị trường đối tác nhập khẩu lớn và Việt Nam thường xuyên có mức xuất siêu cao nhưng các dự báo và phân tích cho đến nay cho thấy, tình hình khó khăn ở các thị trường này có thể còn kéo dài qua năm 2024.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân), sự phục hồi của kinh tế trong nước gắn chặt với kinh tế thế giới. Trong thời gian tới, dự báo nhu cầu tín dụng cho sản xuất sẽ vẫn thấp cho đến khi đầu ra của DN, trong đó đặc biệt là xuất khẩu, khởi sắc trở lại. Vì vậy, về mặt thị trường, để thúc đẩy xuất khẩu bên cạnh nỗ lực khai thác các thị trường lớn và truyền thống, việc mở thêm được các thị trường xuất khẩu mới là rất quan trọng, nhất là trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam.

Quan tâm về vấn đề sản xuất xanh, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang phân tích: Thỏa thuận Xanh EU - một chương trình tổng thể của EU nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến 2050 được thông qua ngày 15/1/2020 đã và đang có những tác động không nhỏ tới xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, nỗ lực xanh hóa sản xuất, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.

“Đơn cử như, theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2030, lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp sẽ chiếm hơn 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh, tạo đà thúc đẩy thương mại lúa gạo quốc gia theo hướng bền vững” - bà Nguyễn Thị Thu Trang dẫn chứng.

Đề cập về các nhóm giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, bộ sẽ chủ động tham mưu để hỗ trợ nắm bắt cơ hội mới từ làn sóng dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu và lợi thế như: công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới, chip và chất bán dẫn. Đồng thời, bộ tăng cường thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa DN FDI với DN trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt. Cùng với đó,

Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy các nỗ lực mở rộng, đa dạng hóa thị trường, khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Thay vì quan tâm đến tăng trưởng xuất khẩu phải đạt 5% hay 10%, ngành Công Thương cần quan tâm đến chất lượng đạt được bên trong phần tăng trưởng ấy như thế nào. Làm sao để mỗi 100 USD xuất khẩu trong đó có nhiều giá trị gia tăng hơn. Muốn vậy, ngành công nghiệp phụ trợ phải được ưu tiên hơn, cùng với đó cần hướng đến xuất khẩu xanh, bền vững.
 
TS Nguyễn Trí Hiếu

Dài hạn hơn, một trong các mục tiêu đặt ra tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của Việt Nam là xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, khai mở các thị trường có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mục tiêu này cũng rất phù hợp với đòi hỏi ngày càng chặt chẽ của các thị trường khi tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trở thành yêu cầu tất yếu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho mặt hàng rau quả khác của Việt Nam; chú trọng việc điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực cửa khẩu thuộc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nhất là nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ, chuyển nhanh và mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng dẫn DN cách ứng phó với vụ kiện.