Trực Tết, người lao động được hưởng lương, phụ cấp thế nào?
(Thị trường tài chính) - Lương trực Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới đang là mối quan tâm lớn của người lao động, với mức cao nhất lên đến 490% lương ngày thường. Các doanh nghiệp nếu không thực hiện theo đúng quy định sẽ phải đối mặt với mức phạt lên đến 100 triệu đồng.
Chế độ lương trực Tết và làm thêm giờ trong dịp Tết Nguyên đán đã được quy định đầy đủ trong Bộ luật Lao động 2019. Theo điểm b khoản 1 Điều 112, người lao động được nghỉ làm, hưởng nguyên lương trong 5 ngày Tết Âm lịch.
Trường hợp ngày Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần, người lao động được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp. Tuy nhiên, trong những trường hợp tính chất công việc bắt buộc có người trực Tết, doanh nghiệp phải trả lương theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019.
Theo đó, người lao động đi làm vào ban ngày sẽ được hưởng ít nhất 300% lương của ngày làm việc bình thường. Nếu đi làm vào ban đêm, sẽ được hưởng ít nhất là bằng 390% lương của ngày làm việc bình thường. Trong đó 300% là tiền lương làm thêm giờ ngày lễ, tết; 30% là tiền làm việc vào ban đêm và 20% số tiền lương thực trả theo công việc làm vào ban ngày của ngày lễ, tết.
Do đó, nếu người lao động làm thêm giờ trong ngày Tết Âm lịch sắp tới, tính cả tiền lương của ngày hôm đó thì người lao động làm việc ban ngày sẽ được hưởng 400% tiền lương của ngày làm việc bình thường. Đồng thời, đối với người làm thêm vào ban đêm vào ngày Tết Âm lịch, người lao động sẽ được hưởng 490% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
Trong một số trường hợp đặc biệt, người lao động không được từ chối làm thêm giờ ngay cả trong dịp Tết. Theo quy định tại Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, điều này áp dụng trong các trường hợp thực hiện lệnh huy động quốc phòng, an ninh, phòng ngừa hoạn nạn, thảm họa hoặc khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn. Trong những trường hợp này, người lao động bắt buộc phải tuân thủ lệnh làm việc.
Đối với doanh nghiệp không trả đủ hoặc trễ lương làm thêm giờ trong dịp Tết, mức phạt đã được quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Các mức phạt giao động từ 5.000.000 đến 50.000.000 đồng tùy thuộc vào số lượng lao động bị vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ được nhân đôi.