Tận dụng lợi thế FTA để xuất khẩu nông sản
Thitruongtaichinh - Xuất khẩu nông sản năm 2023 đạt hơn 53 tỷ USD vẫn là con số khiêm tốn so với tổng dung lượng thị trường thế giới. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp cần mở rộng thị trường xuất khẩu hơn nữa, khẳng định vị thế Việt Nam trong bản đồ hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều rào cản, thách thức
Báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế cho thấy, trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra trên diện rộng, nhiều rào cản kỹ thuật đang được dựng lên tại các thị trường lớn.
Đáng chú ý, các nước lớn ưu tiên hợp tác song phương, do đó, vai trò của các định chế đa phương sẽ có phần mờ nhạt. Trên bình diện toàn cầu, các nước lớn ngày càng cạnh tranh quyết liệt, trong đó Mỹ và Trung Quốc có sự đối diện trực diện ở các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ.
Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế Phạm Trung Nghĩa đánh giá: lợi ích mang lại từ tiến trình hội nhập được thể hiện ở con số xuất nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Tham gia vào các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) như CPTPP, EVFTA là bước để các doanh nghiệp Việt Nam, nông sản Việt tập dượt và làm quen với các quy định mới.
Theo ông Phạm Trung Nghĩa, thực tế, trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã cố gắng mở cửa thị trường xuất khẩu, ký kết rất nhiều các FTA, tuy nhiên, khả năng tận dụng của các doanh nghiệp vẫn chưa được nhiều. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định, quy tắc chặt chẽ về tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT); các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS); quy tắc nguồn gốc xuất xứ; chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; dán nhãn, môi trường, sản phẩm xanh…
Do đó, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu, điều chỉnh quy trình sản xuất phù hợp để làm sao có thể tận dụng được tối đa cơ hội từ các FTA mang lại.
“Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng được cơ hội, nhưng trong tương lai khối EU ký kết FTA với Thái Lan thì đó là nỗi lo lớn về cạnh tranh. Đây là thị trường có các mặt hàng xuất khẩu tương tự như Việt Nam, khi đó, nông sản Việt sẽ không còn nhiều lợi thế trong xuất khẩu sang khối EU” - ông Phạm Trung Nghĩa nêu ví dụ.
Khơi thông dòng chảy thương mại
Liên quan đến công tác xuất khẩu nông sản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, hiện Việt Nam đang có lợi thế tương đối lớn đó là 16 FTA đã ký với hầu hết các đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khu vực thị trường mà Việt Nam chưa khai thác được nhiều, trong đó có khu vực Trung Đông, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh. Gần đây nhất, Bộ Công Thương đã tập trung vào khu vực Trung Đông, trong đó Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel được chính thức ký kết vào ngày 25/7/2023. Sắp tới đây, Việt Nam sẽ kết thúc đàm phán hiệp định với Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).
"Đây là 2 cửa ngõ quan trọng trong việc đưa hàng hóa vào khu vực Trung Đông. Với khu vực châu Phi và Mỹ Latinh, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để có được đề xuất thích hợp. Trong trường hợp chúng ta đàm phán với các đối tác lớn ở các thị trường này, sẽ xúc tiến, ký kết các FTA, qua đó Việt Nam bao phủ được gần như toàn bộ các thị trường quan trọng trên thế giới" - ông Trần Thanh Hải nhận định.
Hy vọng trong năm 2024, các doanh nghiệp có thể biến chuyển và đáp ứng tiêu chuẩn xanh hóa mà các thị trường đã đặt ra. Từ đó, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại các thị trường truyền thống và mở rộng tại các thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA.
TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI)
Phân tích về vấn đề này TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đánh giá: dù cánh cửa thị trường đã mở nhưng sau đó vẫn có những hàng rào kỹ thuật. Đơn cử như câu chuyện tiêu chuẩn xanh hay xanh hóa sản xuất là thông điệp mà các quốc gia nhập khẩu hàng hóa gửi tới doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam.
Với thị trường Trung Quốc, ông Phạm Trung Nghĩa nhận định, đây là thị trường đang và sẽ là thị trường quan trọng bậc nhất của Việt Nam không chỉ trong xuất khẩu mà cả trong nhập khẩu; không chỉ ở xuất khẩu chính ngạch mà còn cả hàng biên mậu; không chỉ đối với cả hàng hóa đúng chuẩn và phi chuẩn...
Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin các cam kết về hội nhập, tập trung tìm hiểu và nắm chắc những thông tin về lộ trình cắt giảm thuế liên quan đến các mặt hàng kinh doanh của doanh nghiệp mình. Từ đó, có chiến lược điều chỉnh sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh phù hợp nhằm tận dụng được cơ hội do các FTA mang lại.