Mua vàng cầu may, lỗ ngay tiền triệu
Thitruongtaichinh - Đúng ngày vía Thần Tài năm nay (mùng 10 tháng Giêng), giá vàng giảm gần nửa triệu đồng mỗi lượng khiến nhiều người lỗ nặng. Chênh lệch giá vàng mua - bán lớn và biến động giá mạnh tiềm ẩn rủi ro cho người mua vàng.
Tâm lý mua vàng cầu may
Ngày 19/2, tại các cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên địa bàn Hà Nội dù không chen chúc như những năm trước nhưng vẫn có cảnh người dân xếp hàng từ mờ sáng, chờ mua vàng cầu may mắn cho cả năm. Một số khách hàng cho biết, ngày Vía Thần Tài năm nay vào thứ Hai, vì vậy đã đến từ sớm để kịp giờ đi làm. Anh Nguyễn Quốc Hùng (Hàng Than, Hoàn Kiếm) - khách mua hàng tại đường Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Tôi thấy mua vàng ngày này để giải tỏa tâm lý lấy may mắn, vừa là tích lũy góp vốn sau này”.
Năm nay, dù kinh tế khó khăn nhưng lượng khách mua vàng đến thời điểm này ước tăng từ 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, không chỉ trong ngày Vía Thần Tài mà ngay từ ngày mùng 6 Tết, tại các “nhà vàng” lớn trên phố Trần Nhân Tông đã bắt đầu tấp nập đón khách tới mua hàng. Nhiều người đặt tiền lấy số trước, đợi đến đúng ngày Vía Thần Tài lấy hàng. “Khách đến mua từ 6 giờ sáng đến 22 giờ. Mọi người thường chọn sản phẩm mình thích, ít ai hỏi tới giá vì mua để cầu may” - Tổng Giám đốc Công ty CP Ancarat Bùi Hồng Tâm cho hay.
Người dân mua vàng ngày Vía Thần Tài theo tâm lý, truyền thống, phong tục. Mua vàng SJC sẽ khá rủi ro nếu Ngân hàng Nhà nước can thiệp, rút ngắn khoảng cách giữa giá trong nước và giá thế giới. Thậm chí, dù giá thế giới có lên thì chưa chắc giá vàng SJC đã tăng do giá vàng SJC chênh lệch quá nhiều.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam
Huỳnh Trung Khánh
Đại diện Phòng Kinh doanh vàng Bảo Tín Minh Châu cho biết, sở dĩ ngày Vía Thần Tài năm nay lượng khách đến giao dịch tại cửa hàng vắng hơn là do nhiều khách hàng ưu tiên sử dụng dịch vụ đặt hàng và lựa chọn hình thức giao hàng tận nơi vào đúng ngày Vía Thần Tài. “Sáng ngày Vía Thần Tài, tại hệ thống cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu chủ yếu là những giao dịch nhỏ lẻ, người dân mua từ 1 - 2 chỉ vàng để cầu may. Dù khách hàng có tăng đột biến ngay từ đầu giờ sáng, song các nhân viên của công ty đã tổ chức và bố trí ghế ngồi cho khách hàng chờ đến lượt. Đồng thời DN cũng đã bố trí chỗ gửi xe tại nhiều địa điểm, tạo thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch, không để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự công cộng hay ùn tắc giao thông” - vị này nói.
Đại diện Công ty Vàng Phú Quý cũng cho biết, một số sản phẩm đặc biệt đắt khách như nhẫn tròn trơn loại 0,5 chỉ và 1 - 2 chỉ. Đặc biệt, nhiều loại vàng tài lộc khác, nhất là vàng có in hình chữ “Lộc”, vàng tạo hình rồng mệnh giá 1 chỉ cũng “cháy hàng" thu hút người mua trong ngày.
Lỗ từ 500.000 đến vài triệu đồng
Năm nay, giá vàng bất ngờ giảm trong ngày Vía Thần Tài. Đầu ngày 19/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 75,4 triệu đồng/lượng, bán ra 78,4 triệu đồng/lượng. Giá bán được giữ nguyên, còn giá mua vào giảm 400.000 đồng/lượng so với giá cuối ngày 18/2. Đến 10 giờ, giá vàng miếng SJC mua vào 74,8 triệu đồng/lượng, bán ra 77,8 triệu đồng/lượng, giảm hơn nửa triệu đồng mỗi lượng so với mức giá đầu ngày. Đến trưa đầu giờ chiều, giá vàng SJC giảm mạnh từ 900.000 đến 1,3 triệu đồng mỗi lượng, trong đó giá mua vào của các đơn vị kinh doanh có tốc độ xuống nhanh hơn.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới tăng 3,2 USD so với kết phiên trước đó, đứng ở mức 2.016,4 USD/ounce. Giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn so với giá thế giới tới 19 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, chênh lệch mua vào bán ra tiếp tục được nới rộng tới 3 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia nhận định, đây là hiện tượng vẫn tồn tại ở thị trường vàng trong nước. Khi nhu cầu mua vàng tăng cao thì ngay lập tức các nhà kinh doanh vàng tăng giá chiều bán ra và ngược lại nếu lực bán vàng mạnh thì các nhà kinh doanh vàng giảm mạnh giá ở chiều mua vào.
Không chỉ giảm mà giá tại nhiều DN vàng cũng khác nhau. Đơn cử, lúc 9 giờ 45 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 75,4 triệu đồng/lượng, bán ra 78,4 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá bán được giữ nguyên, còn giá mua vào giảm 400.000 đồng/lượng so với giá cuối ngày 18/2. Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng miếng SJC còn 75,40 triệu đồng/lượng mua vào, 77,90 triệu đồng/lượng bán ra. Giá mua và bán vàng SJC giảm 150.000 đồng/lượng. Tập đoàn Doji tính đến 14 giờ ngày 19/2 giảm mạnh giá mua vàng miếng SJC 1,25 triệu đồng/lượng, xuống còn 74,5 triệu đồng; giá bán ra giảm 850.000 đồng, còn 77,5 triệu đồng…
Giới kinh doanh vàng cho biết do nhu cầu của khách hàng có nơi đông đúc, có nơi thưa thớt nên giá vàng SJC và vàng nhẫn tại mỗi điểm bán hàng biến động tùy vào sức mua của khách hàng. Từ đó, giá vàng của các DN có sự khác biệt khá lớn.
Giá vàng lao dốc, kết hợp với chênh lệch mua - bán vàng rất cao vào tuần trước khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng nề chỉ sau vài ngày khi mua vào. Nếu mua vàng tại Tập đoàn DOJI vào phiên 11/2 với giá 78,85 triệu đồng/lượng và bán ra vào phiên 19/2, nhà đầu tư phải chịu khoản lỗ 2,8 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, người mua vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC cũng lỗ 2,9 triệu đồng/lượng. Thậm chí mua vào, bán ra ngay trong ngày cũng lỗ nặng.
Tiềm ẩn rủi ro
Ngày 15/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trong tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đáng chú ý, cùng với nhiều nội dung chỉ đạo khác, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I/2024.
Trước đó, vào tháng 12/2023, khi giá vàng miếng SJC tăng lên mức giá 80,3 triệu đồng/lượng, mức giá cao nhất lịch sử của ngành kim hoàn Việt Nam, vào ngày 27/12/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 1426/CĐ-TTg; trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Thủ tướng yêu cầu phải khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới như thời gian qua (có thời điểm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên tới 20 triệu đồng/lượng).
Ngay sau khi Công điện của Thủ tướng được ban hành, giá vàng miếng trong nước quay đầu giảm giá “sốc” nhiều phiên liên tiếp. Thậm chí, có phiên, giá vàng miếng giảm đến 5 triệu đồng/lượng chỉ sau vài giờ giao dịch.
Nhắc tới việc thay đổi chính sách, chuẩn bị sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng gây ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong mua vàng đầu tư, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng phân tích: "Mua vàng đầu tư hiện nay chủ yếu là mua vàng SJC, ngoài ra có vàng nhẫn nhưng giá hiện nay vẫn hơi cao. Người mua sẽ phải tính toán, bối cảnh này đầu tư nhiều nếu sau này có sự thay đổi về mặt chính sách sẽ dẫn tới rủi ro".
Trước sự “nhảy múa” của giá vàng trong nước dịp ngày Vía Thần Tài, theo các chuyên gia, người dân cần thận trọng trong giao dịch mua bán trên thị trường. Theo các chuyên gia, may mắn, tài lộc đến từ rất nhiều yếu tố, không chỉ mua vàng tích lũy. Đơn cử, sự chăm chỉ cần cù, nỗ lực cố gắng không ngừng trong công việc, trong cuộc sống cũng có thể tạo ra may mắn.
Nguyên nhân của giá vàng trong nước đi xuống, ngược chiều so với kim loại quý trên thị trường quốc tế đến từ việc lực mua vàng ngày Vía Thần Tài xuất hiện ở vàng nhẫn, những sản phẩm khác liên quan đến Thần Tài, còn vàng miếng SJC giao dịch thấp. Giá vàng thế giới và trong nước được dự báo sẽ còn biến động mạnh trong thời gian tới. Vì vậy, người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương