Hòa Phát nói gì về các ý kiến phản đối yêu cầu khởi xướng điều tra thép cuộn cán nóng?
(Thị trường tài chính) - “Không một nước nào chấp nhận lượng thép nhập khẩu nhiều hơn nội địa”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 khi vấn đề điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc đã được đưa ra.
Thông tin thêm về câu chuyện Hòa Phát và Formasa gửi đơn yêu cầu khởi xướng điều tra thép cuộn cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc, ông Trần Đình Long khẳng định, “đây là điều rất thông thường”.
Chúng ta nên có quan điểm ủng hộ ngành sản xuất trong nước, không thể chấp nhận hàng hóa nước ngoài nhiều hơn sản xuất trong nước. Không một nước nào chấp nhận lượng thép nhập khẩu nhiều hơn nội địa. 30 năm trước chúng ta chưa có tên trên bản đồ thép thế giới nhưng hiện tại đã lớn nhất Đông Nam Á. Do đó, cần có nhìn nhận ủng hộ thép trong nước”, Chủ tịch Hòa Phát nêu quan điểm.
Thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra ngày mới đây, ông Trần Đình Long cho biết, tính riêng quý 1/2024, Tập đoàn Hòa Phát và Formosa sản xuất 2 triệu tấn thép HRC, trong khi đó, có tới 3 triệu tấn thép HRC nhập khẩu. Riêng nhập từ Trung Quốc khoảng 2,3 triệu tấn, khoảng 70%.
Nói về việc nhóm các doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam lo lắng, gửi đơn đề nghị phản đối việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, ông Long cho rằng, hành động của họ là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, việc quá lo lắng cho vấn đề này khiến họ có thể suy nghĩ chưa thấu đáo.
Phân tích về vấn đề này, Chủ tịch Hòa Phát cho biết, việc khởi xướng điều tra không có nghĩa là giá nguyên liệu sẽ tăng lên. Hơn nữa, nếu có áp thuế chống bán phá giá cũng không có nghĩa sẽ khiến giá bán bị đẩy lên cao. Chưa biết chừng, nếu có thuế chống bán phá giá, ngành tôn mạ của Việt Nam sẽ tốt hơn, giá cả ổn định hơn.
Chủ tịch Hòa Phát cũng cho biết thêm, hiện DN này và Formosa chỉ khởi kiện một vài công ty Trung Quốc bán phá giá chứ không phải tất cả. Nếu khởi xướng điều tra thấy có dấu hiệu thì xung quanh Việt Nam có rất nhiều quốc gia như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,… cũng bán HRC.
Nói thêm về điều này, ông Long cho biết, việc khởi xướng điều tra thường kéo dài 12-18 tháng, tức tới năm 2026 mới hoàn tất. Năm 2026, khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động, tổng công suất HRC của Hòa Phát sẽ tăng lên 8,6 triệu tấn mỗi năm. Năng lực hiện tại của Formosa là 5 triệu tấn/năm, tức tổng sản xuất HRC trong nước tới năm 2026 đạt gần 14 triệu tấn. Trong khi năm 2023, nhu cầu thép HRC là hơn 11 triệu tấn.
Trước đó, trong buổi gặp mặt các nhà đầu tư tại Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng thông tin, doanh nghiệp này cùng Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) đã nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Sau đó không lâu, 09 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam gồm Tập đoàn Hoa Sen, Thép TVP, Tôn Đông Á, Thép Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Pomina, Thép Vina One, Thép Việt Nhật và Kim khí Nam Hưng đã đồng thuận gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Thép Việt Nam lên tiếng phản đối và cho rằng, không có căn cứ pháp lý và không phù hợp với diễn biến thị trường khi đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.