‘Sát giờ G’ bầu cử Tổng thống Mỹ: So găng từ A đến Z chính sách của ông Donald Trump và bà Kamala Harris
(Thị trường tài chính) - Cuộc đối đầu giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris không chỉ đại diện cho hai phong cách lãnh đạo khác biệt mà còn thể hiện sự đối lập sâu sắc trong quan điểm về các vấn đề như chính sách đối nội, vai trò của Mỹ trên trường quốc tế và cách tiếp cận đối với các liên minh truyền thống.
“Sự trở lại của nước Mỹ sẽ bắt đầu ngay bây giờ”, ông Donald Trump tuyên bố mạnh mẽ trước hàng trăm người ủng hộ tại dinh thự Mar-a-Lago, bang Florida, tối ngày 15/11/2022. Lời khẳng định này chính thức mở đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống 2024 của ông với tư cách là ứng viên Đảng Cộng hòa.
Chỉ vài tháng trước, cuộc đua vào Nhà Trắng là một màn so găng đầy kịch tính giữa ông Trump và Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, tình hình đã hoàn toàn thay đổi khi ông Biden tuyên bố rút lui khỏi chiến dịch tranh cử.
Và vào tối ngày 22/8 (theo giờ Mỹ), Phó Tổng thống Kamala Harris đã có bài phát biểu nhận đề cử chính thức của Đảng Dân chủ, trở thành ứng viên Tổng thống của đảng. Đây là một bước ngoặt lịch sử, khi bà là người phụ nữ da màu, người Mỹ gốc Á đầu tiên được một chính đảng lớn đề cử tranh cử tại Nhà Trắng, mở màn cho một cuộc đua đầy cam go.
Ông Donald Trump đại diện cho phong cách lãnh đạo “America First”, tập trung vào các biện pháp bảo vệ nền kinh tế thông qua cắt giảm thuế và tăng cường sản xuất nội địa, đồng thời thúc đẩy các chính sách nhập cư cứng rắn và cải cách tư pháp hình sự.
Ngược lại, bà Kamala Harris nhấn mạnh tầm quan trọng của công bằng xã hội, nâng cao quyền lợi cho các nhóm thiệt thòi, cũng như tăng cường tài trợ cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Donald Trump
Trước đây, ông Trump thường xuyên chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell và yêu cầu các nhà hoạch định chính sách phải hạ lãi suất. Thậm chí, ông từng tuyên bố sẽ không giữ ông Powell sau khi nhiệm kỳ hiện tại của Chủ tịch Fed kết thúc vào năm 2026. Ông Trump nhấn mạnh Tổng thống nên có quyền đưa ra ý kiến đối với các quyết định về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kamala Harris
Ngược lại, bà Harris không bày tỏ mong muốn can thiệp vào tính độc lập của Fed. “Fed là một thực thể độc lập. Với tư cách là Tổng thống, tôi sẽ không bao giờ can thiệp vào các quyết định mà Fed đưa ra”, bà nói.
Donald Trump
Ông Donald Trump nhấn mạnh cam kết hủy bỏ các chính sách ủng hộ xe điện. Ông tuyên bố sẽ bãi bỏ các chính sách năng lượng bền vững của chính quyền Biden-Harris để quay lại sản xuất dầu trong nước.
Ông cũng sẽ cân nhắc chấm dứt khoản hỗ trợ 7.500 USD khi người dân mua xe điện nếu đắc cử.
Tuy nhiên, gần đây, trong một cuộc trò chuyện với CEO Tesla Elon Musk, ông Trump đã có phần dịu giọng khi khen ngợi sản phẩm của Musk, mặc dù vẫn giữ quan điểm rằng không phải ai cũng cần một chiếc xe điện.
Kamala Harris
Trái ngược, Phó Tổng thống Harris mạnh mẽ ủng hộ các nỗ lực của chính quyền nhằm mở rộng khả năng tiếp cận và sản xuất xe điện tại Mỹ. Bà nhấn mạnh mặc dù không có lệnh bắt buộc của liên bang về xe điện, chính quyền Biden-Harris đã triển khai nhiều quy định nhằm giảm lượng khí thải từ các phương tiện giao thông.
Bà Harris cũng đã công bố khoản tài trợ 100 triệu USD cho các nhà sản xuất ô tô vừa và nhỏ để nâng cấp cơ sở sản xuất xe điện.
Nếu được bầu lại, bà dự kiến sẽ tiếp tục ủng hộ các tiêu chuẩn về nhiên liệu và khí thải thân thiện với môi trường, tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ xe điện, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp này.
Donald Trump
Chương trình của Đảng Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của ông Trump tập trung vào việc hạ lãi suất thế chấp. Kế hoạch của ông bao gồm cắt giảm "các quy định không cần thiết" mà đảng Cộng hòa cho là khiến chi phí nhà ở tăng lên, cũng như tăng cường quyền sở hữu nhà thông qua các ưu đãi thuế.
Ông cũng đề xuất kế hoạch mở một số khu đất liên bang để xây dựng nhà ở quy mô lớn. Ông nhấn mạnh "những khu vực này sẽ có mức thuế và quy định rất thấp". Mục tiêu của kế hoạch này là khuyến khích các nhà phát triển bất động sản xây dựng nhiều dự án nhà ở hơn, từ đó tăng nguồn cung nhà và giảm áp lực lên giá cả.
Kamala Harris
Phó Tổng thống Harris kêu gọi xây dựng 3 triệu đơn vị nhà ở mới trong vòng bốn năm tới và cung cấp các ưu đãi thuế cho người mua nhà lần đầu.
Bà cũng đề xuất chính sách hỗ trợ 25.000 USD cho người trả tiền thuê nhà đúng hạn trong 2 năm, khi họ mua nhà lần đầu. Mức này gấp 2,5 lần so với đề xuất giảm trừ thuế (10.000 USD) mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trong Thông điệp Liên bang hồi tháng 3.
Một số quan chức cũng nói Phó Tổng thống sẽ đề xuất lập một quỹ đổi mới trị giá 40 tỷ USD - giúp chính quyền địa phương cấp tài chính cho các giải pháp về xây nhà và hỗ trợ việc cấp vốn xây dựng. Một số khu đất liên bang đủ điều kiện cũng được tái thiết cho các dự án nhà ở mới.
Donald Trump
Đối với thuế thu nhập cá nhân, ông Trump muốn gia hạn vô thời hạn chương trình giảm thuế mà ông từng ban hành năm 2017, duy trì mức thuế suất thấp hơn và khấu trừ tín dụng thuế trẻ em nhiều hơn.
Ông cũng đưa ra một loạt các khoản miễn giảm thuế mới như miễn thuế tiền boa - điều này có thể tăng thu nhập của những người làm trong ngành dịch vụ. Đồng thời, triển khai thêm một số biện pháp mới với mục tiêu giúp người Mỹ tiết kiệm khoảng 4.000 tỷ USD tiền thuế trong một thập kỷ tới.
Về thuế doanh nghiệp, sau khi hạ xuống 21%, ông Trump có ý định giảm thuế nhiều hơn nữa nhưng chưa công bố con số cụ thể. Nếu đắc cử, chính quyền của ông cũng có thể thiết lập mức thuế 10% với hàng hóa nhập khẩu và 60% với hàng từ riêng Trung Quốc.
Kamala Harris
Về thuế thu nhập cá nhân, bà Harris khẳng định rằng sẽ không tăng thuế đối với các hộ gia đình có thu nhập dưới 400.000 USD. Bà cam kết gia hạn các khoản cắt giảm thuế sắp hết hạn cho khoảng 97% người Mỹ. Các khoản cắt giảm này được áp dụng cho những người có thu nhập thấp và trung bình.
Bà cũng nói sẽ tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, giúp Chính phủ thu hơn 1.300 tỷ USD trong một thập kỷ tới. Ngoài ra, bà sẽ tăng gấp 4 lần mức thuế 1% đối với các thỏa thuận mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp.
Phó Tổng thống đã bày tỏ ý định tăng khấu trừ thuế cho chi phí khởi nghiệp từ 5.000 USD lên 50.000 USD, đồng thời giúp các chủ doanh nghiệp nhỏ dễ dàng hơn trong việc nộp thuế và hoạt động kinh doanh xuyên tiểu bang. Bà cũng cam kết rằng 1/3 số tiền hợp đồng liên bang sẽ được chuyển giao cho các doanh nghiệp nhỏ.
Về thương mại và thuế quan, bà có thể sẽ tiếp tục chính sách thương mại của ông Biden.
Donald Trump
Ông Trump đã công bố kế hoạch đóng cửa Bộ Giáo dục Mỹ để trả lại “công tác giáo dục về cho các tiểu bang”. Hồi năm 2023, cựu Tổng thống nhấn mạnh sẽ ưu tiên tài trợ những trường học cho phép phụ huynh bầu hiệu trưởng; bãi bỏ cơ chế nhiệm kỳ đối với giáo viên hệ K-12; sử dụng cơ chế lương hiệu quả công việc để thúc đẩy chất lượng giảng dạy, đồng thời giảm số lượng vị trí quản lý trong trường học.
Kamala Harris
Bà Kamala Harris nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng ngân sách cho giáo dục công; đề xuất tăng ngân sách lên đến hàng tỷ USD nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng trường học, hỗ trợ giáo viên với mức lương cao hơn và cung cấp các chương trình hỗ trợ học sinh.
Bà cũng tích cực ủng hộ 21st Century Community Learning Centers (tạm dịch: Trung tâm học tập cộng đồng Thế kỷ 21) – nơi tổ chức các chương trình học cho học sinh tại các trường có tỷ lệ nghèo cao và kết quả học tập thấp. Bà còn đề xuất cung cấp các khoản trợ cấp kéo dài nhiều năm cho các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có tỷ lệ nghèo cao.
Donald Trump
Donald Trump đã chỉ trích kế hoạch xóa nợ vay sinh viên của Tổng thống Joe Biden, gọi đây là chính sách "tồi tệ". Ông Trump đánh giá việc này có thể tạo tiền lệ không phù hợp và ảnh hưởng đến quản lý tài chính quốc gia cũng như các chương trình hỗ trợ khác.
Ông quy trách nhiệm rằng chương trình xóa nợ vay sinh viên là nguyên nhân dẫn đến thâm hụt ngân sách liên bang ngày càng gia tăng.
Kamala Harris
Tính đến nay, chính quyền Tổng thống Biden đã phê duyệt 175 tỷ USD để xóa nợ sinh viên cho gần 5 triệu người vay. Từ lâu, bà Harris cũng luôn quảng bá, nhấn mạnh rằng chính quyền sẽ “làm nhiều hơn nữa” để phát triển các chính sách này.
Kế hoạch xóa nợ cho sinh viên được Tổng thống Biden đưa ra năm 2022 với chi phí ước tính khoảng 430 tỷ USD. Theo kế hoạch này, chính phủ sẽ xóa nợ lên tới 20.000 USD cho những người có mức thu nhập dưới 125.000 USD/năm.
Donald Trump
Đối với ông Trump, trục xuất hàng loạt là nỗ lực lớn và cần thiết. Ông cho rằng Mỹ cần cải tổ cơ quan hành pháp cấp liên bang và thực thi các quy định quản lý nhập cư chặt chẽ hơn.
Thậm chí, ông Trump tuyên bố nếu đắc cử, một trong những động thái đầu tiên của ông sẽ là ban hành sắc lệnh hành pháp chấm dứt quyền được công nhận là công dân Mỹ khi sinh ra trên đất Mỹ. Quyền này được quy định trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, quy định mọi người sinh ra ở Mỹ đều là công dân nước này, ngay cả khi bố mẹ là người nhập cư bất hợp pháp.
Kamala Harris
Bà Harris nhấn mạnh nếu được bầu làm Tổng thống Mỹ, chính quyền của bà sẽ không chỉ đơn thuần tiếp tục các chính sách hiện tại. Bà sẽ thúc đẩy một dự luật toàn diện về biên giới, nhằm thắt chặt việc nhập cư vào Mỹ và cam kết thực thi luật pháp đối với các trường hợp vượt biên trái phép.
Bà cũng muốn hồi sinh dự luật kiểm soát nhập cư từng không được thông qua đầu năm 2024.
Donald Trump
Ông Trump luôn có quan điểm cứng rắn về vấn đề chuyển giới. Một trong những chính sách gây tranh cãi của ông là quyết định cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội Mỹ. Quyết định này đã bị chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều tổ chức bảo vệ quyền LGBT và các cựu quân nhân.
Kamala Harris
Phó Tổng thống Harris ủng hộ cộng đồng LGBT. Bà thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quyền kết hôn đồng giới. Khi là Thượng nghị sĩ bang California, bà đã tham gia vào các nỗ lực pháp lý nhằm bảo vệ quyền kết hôn cho các cặp đôi đồng giới và công khai ủng hộ phán quyết của Tòa án Tối cao về việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới hồi năm 2015.
Donald Trump
Ông Trump tuyên bố rằng mình có thể rút khỏi Hiệp định Paris một lần nữa và sẽ đảo ngược nhiều chính sách năng lượng xanh mà chính quyền Biden đã thực hiện. Ông ủng hộ việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch, bao gồm dầu khí và than đá. Đồng thời ông chỉ trích các quy định về khí thải và các sáng kiến năng lượng tái tạo của chính quyền Biden, cho rằng chúng gây hại cho nền kinh tế và việc làm trong ngành năng lượng truyền thống.
Kamala Harris
Bà Harris đã công khai ủng hộ Green New Deal như một phần trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu. Bà coi đây là một cách cần thiết để tạo ra một nền kinh tế bền vững và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Bà cũng kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp xanh, bao gồm năng lượng tái tạo, giao thông vận tải sạch và cải thiện hạ tầng. Bà tin rằng điều này không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra hàng triệu việc làm mới.
Là Phó Tổng thống, bà cũng thể hiện cam kết của mình trong việc tham gia các cuộc họp quốc tế về biến đổi khí hậu và làm việc với các quốc gia khác để đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Ngoài ra, bà Harris ủng hộ việc Mỹ trở lại Hiệp định Paris về khí hậu vào năm 2021.
Donald Trump
Trong thời gian tại nhiệm, ông Trump đã chỉ trích và đề xuất thay đổi Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Affordable Care Act - ACA), một trong những chương trình chăm sóc sức khỏe quan trọng nhất của chính quyền Obama.
Ông cho rằng Đạo luật ACA là "cơn ác mộng" trong chính sách y tế; làm tăng chi phí bảo hiểm y tế, giảm lựa chọn cho người tiêu dùng và tạo ra những vấn đề lớn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Kamala Harris
Bà Harris thì nhất quán khẳng định mình không ủng hộ cắt giảm phúc lợi y tế cho người dân.
Bà cũng nhấn mạnh Chính phủ cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực y tế. Bà kêu gọi các chính sách giúp kiểm soát chi phí thuốc men và ủng hộ các kế hoạch dài hạn như xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Ông Donald Trump có xu hướng tập trung vào chủ nghĩa dân tộc và bảo vệ lợi ích quốc gia, còn bà Harris, với vai trò Phó Tổng thống, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương, phục hồi mối quan hệ với các đồng minh truyền thống và giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và an ninh con người.
Donald Trump
Nếu ông Trump tái đắc cử, chính sách đối ngoại của ông với Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục thể hiện những yếu tố quyết đoán và cứng rắn như trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Để ứng phó, phía Trung Quốc có thể sẽ phải chuyển sang tập trung vào thị trường tiêu dùng nội địa, đồng thời tăng cường quan hệ với các thị trường khác.
Ông Trump cũng có thể cho dừng hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc trong những ngành quan trọng như thép, dược phẩm, điện tử…; lập kế hoạch thúc đẩy sản xuất tại Mỹ để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc với hàng hóa thiết yếu.
Kamala Harris
Bà Harris bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của chính quyền Biden, bao gồm thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ bán dẫn quan trọng.
Vào tháng 9, ông Biden đã hoàn tất việc tăng thuế đối với một số sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, với mức thuế lên tới 100% đối với xe điện. Liên minh châu Âu cũng đã áp dụng các mức thuế tương tự, dẫn đến sự phản đối từ Bắc Kinh.
Bà Harris được cho là sẽ tìm cách giảm rủi ro thay vì cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đồng thời chỉ trích chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, vị Phó Tổng thống cũng ủng hộ tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực để ứng phó với tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.
Donald Trump
Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống từ 2017 đến 2021, ông Donald Trump đã nhiều lần cho rằng các đồng minh NATO không đóng góp đủ cho ngân sách quốc phòng của liên minh.
Ông dọa sẽ rút mỹ khỏi NATO nếu các quốc gia không tăng cường chi tiêu quốc phòng, điều này có thể dẫn đến sự suy yếu đáng kể của liên minh, vốn đã giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh cho châu Âu kể từ Thế chiến II.
Ông Trump cho rằng, để đạt được điều này, cần có các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan, bao gồm Ukraine và Nga. Về vấn đề viện trợ cho Ukraine, cựu Tổng thống không ủng hộ việc cấp phát vô điều kiện và kêu gọi một cách tiếp cận thận trọng hơn.
Kamala Harris
Phía bà Harris, trong vai trò là Phó Tổng thống Mỹ, bà nhấn mạnh cam kết củng cố quan hệ đồng minh và bảo vệ NATO. Bà có nhiều lần phát biểu nhằm trấn an các đồng minh về cam kết của Mỹ đối với sự an toàn và ổn định của châu Âu.
Bà cũng cam kết hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga; đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự, tài chính cho Ukraine và sự hỗ trợ này sẽ không có giới hạn.
Donald Trump
Hiện ông Trump chưa công bố kế hoạch cụ thể liên quan đến cuộc xung đột Israel-Hamas nếu tái đắc cử vào năm nay. Tuy nhiên, trong thời gian làm Tổng thống, ông đã thể hiện sự ủng hộ đối với Israel và kêu gọi sớm kết thúc các xung đột tại khu vực này.
Được biết, dưới thời Trump, Mỹ đã cung cấp hỗ trợ quân sự cho Israel, với khoản viện trợ hàng năm vào khoảng 3,8 tỷ USD, theo thỏa thuận viện trợ quân sự kéo dài 10 năm được ký kết dưới thời Tổng thống Obama.
Ông đã bày tỏ cam kết về việc Mỹ cần bảo vệ Israel, đồng minh thân cận nhưng bất đồng với chiến lược hiện tại của giới lãnh đạo Tel Aviv liên quan tới cuộc xung đột.
Kamala Harris
Bà Harris ủng hộ Israel nhưng cũng chỉ trích một phần các chiến dịch đáp trả của Israel đối với Hamas ở Gaza. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền con người và kêu gọi Israel cần hạn chế thương vong dân sự trong các cuộc xung đột.
Bà cũng thúc đẩy giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine, nhấn mạnh rằng cả Israel và Palestine đều có quyền tự quyết và cần phải tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình lâu dài. Phó Tổng thống kêu gọi nỗ lực hướng tới một nền hòa bình bền vững, nơi hai quốc gia có thể tồn tại hòa bình và an toàn.
Sự khác biệt giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris trong chính sách đối nội và đối ngoại không chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của từng ứng cử viên mà còn định hình hướng đi của nước Mỹ trong tương lai.
Ông Trump theo đuổi một chiến lược đối nội dựa trên tư tưởng dân túy, nhấn mạnh việc bảo vệ lợi ích kinh tế của người Mỹ và giảm thiểu sự can thiệp của Chính phủ; đồng thời khẳng định sự cứng rắn trong quan hệ quốc tế, đặc biệt với Trung Quốc và Iran.
Ngược lại, bà Harris hướng tới việc xây dựng một xã hội công bằng hơn thông qua các chính sách xã hội và môi trường mạnh mẽ, đồng thời thúc đẩy một chính sách đối ngoại đa phương và hợp tác với các đồng minh truyền thống.
Sự khác biệt này không chỉ có ý nghĩa trong khuôn khổ nước Mỹ mà còn có thể ảnh hưởng sâu rộng đến ổn định và hợp tác toàn cầu.
Đến nay, dù gần đến “giờ G”, các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ giữa hai bên vẫn rất sít sao. Hai ứng viên, Donald Trump và Kamala Harris đều có những quan điểm chính sách hoàn toàn khác biệt. Khi cử tri đi bỏ phiếu vào ngày 5/11, họ sẽ không chỉ chọn một ứng viên mà còn xác định hướng đi cho một đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu.
Nội Dung: Thùy Trang
Thiết kế: Nhật Vũ