Ông Trump ký sắc lệnh thúc đẩy tiền số, 'Mỹ sẽ lấy lại vị trí dẫn đầu đổi mới thế giới'
(Thị trường tài chính) - Mới đây, ngày 23/1, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của tiền số tại Mỹ và hướng tới việc phát triển Kho dự trữ tài sản số quốc gia.
Nhà đầu tư mạo hiểm David Sacks, người được ông Trump bổ nhiệm làm người đứng đầu bộ phận tiền số và trí tuệ nhân tạo (AI), đã có mặt tại Phòng Bầu dục trong lễ ký sắc lệnh.
"Ngành công nghiệp tài sản số đóng vai trò then chốt trong đổi mới và phát triển kinh tế tại Mỹ, cũng như vai trò lãnh đạo quốc tế của quốc gia chúng ta", sắc lệnh hành pháp viết.
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng chỉ trích tiền số trong nhiệm kỳ đầu tiên hiện đã thay đổi quan điểm trong chiến dịch tranh cử và thu hút được những khoản đóng góp lớn từ ngành công nghiệp này sau bốn năm đầy biến động dưới thời ông Joe Biden.
Các nhà đầu tư, công ty và Giám đốc điều hành trong lĩnh vực tiền số chiếm gần một nửa số tiền đóng góp doanh nghiệp trong chu kỳ bầu cử 2024, một số đã đóng góp hàng chục triệu USD để giúp ông Trump giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai.
Phần lớn sắc lệnh tập trung vào việc thiết lập công nghệ và quy tắc xung quanh tiền số và sự phát triển của nó tại Mỹ. Một trong những điểm quan trọng là việc thành lập nhóm công tác để xem xét Kho dự trữ tài sản số quốc gia, "có khả năng được tạo ra từ các loại tiền số mà Chính phủ Liên bang thu giữ hợp pháp thông qua nỗ lực thực thi pháp luật".
Theo truyền thống, Cơ quan Marshals Mỹ sẽ đấu giá Bitcoin bị tịch thu, cùng với các loại tiền số khác như Ether và Litecoin.
Ông Trump đã cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng nếu trở lại Nhà Trắng, ông sẽ đảm bảo Chính phủ liên bang không bao giờ bán các khoản đầu tư Bitcoin của mình, mặc dù sắc lệnh ngày 23/1 không đề cập đến Bitcoin.
"Nếu tôi được bầu, chính sách của chính quyền Mỹ sẽ là giữ lại 100% số Bitcoin mà Chính phủ Mỹ hiện đang nắm giữ hoặc có được trong tương lai", ông Trump khẳng định tại Hội nghị Bitcoin ở Nashville, Tennessee hồi tháng 7.
Sắc lệnh cũng nêu ra các ưu tiên quan trọng khác cho ngành công nghiệp tài sản số, bao gồm bảo vệ các cá nhân và công ty khu vực tư nhân sử dụng mạng lưới Blockchain.
Văn bản đưa ra một số biện pháp bảo vệ cho các nhà phát triển và ‘thợ đào’ tiền số, nhấn mạnh rằng họ nên được tự do "phát triển và triển khai phần mềm" cũng như "tham gia khai thác và xác thực".
Tổng thống cũng cam kết bảo vệ quyền của những người chọn tự lưu ký tài sản số của họ. Điều này có nghĩa là người dùng không phụ thuộc vào một tổ chức tập trung như Coinbase để lưu giữ token mà thay vào đó sử dụng ví tiền ảo cá nhân, mặc dù đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của Sở Thuế vụ.
Sắc lệnh đặc biệt nhấn mạnh việc thúc đẩy chủ quyền của đồng USD bằng cách hỗ trợ sự phát triển của stablecoin được đảm bảo bằng USD trên toàn cầu.
Thêm nữa, kể từ chiến thắng vào tháng 11, ông Trump đã tập trung bổ nhiệm các nhà lãnh đạo Chính phủ ủng hộ lĩnh vực tiền số.
Cụ thể, Paul Atkins đã được đề cử làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC). Atkins, cựu Ủy viên SEC, được biết đến với việc ủng hộ các chính sách thân thiện với thị trường và phản đối quy định quá khắt khe. Nếu được xác nhận, ông sẽ kế nhiệm Gary Gensler.
Đầu tuần này, SEC đã thông báo thành lập "lực lượng đặc nhiệm tiền số" mới, do Ủy viên Hester Peirce dẫn đầu. Ông Peirce từ lâu đã ủng hộ một khung pháp lý thúc đẩy đổi mới hơn là cản trở nó.
Còn Scott Bessent, một nhà quản lý quỹ phòng hộ ủng hộ tiền số là lựa chọn của Trump để dẫn dắt Bộ Tài chính. Vào ngày 18/1, Bessent đã tham dự Dạ tiệc Tiền số tại Washington, một sự kiện quy tụ các nhà lập pháp, người được bổ nhiệm Nội các và lãnh đạo ngành công nghiệp. Tại đây, ông nhấn mạnh kế hoạch của chính quyền trong việc đưa Mỹ trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về đổi mới tài sản số.
Tại Hội trường Mellon ngày 18/1, Sacks đã phát biểu trước đám đông rằng "cuộc chiến chống tiền số đã kết thúc. Đây chỉ là khởi đầu của việc Mỹ lấy lại vị trí dẫn đầu đổi mới thế giới".
Theo CNBC