Elon Musk: 'Gã điên' ôm giấc mộng đưa loài người lên sao Hỏa

Lục Cố
Chia sẻ

(Thị trường tài chính) - Với khởi đầu 100 triệu USD, Elon Musk cùng đội ngũ SpaceX đã không ngừng theo đuổi giấc mơ chinh phục vũ trụ suốt 22 năm qua. Họ đã gặt hái nhiều thành tựu ấn tượng và thiết lập không ít cột mốc lịch sử. Tuy nhiên, câu chuyện của vị tỷ phú này vẫn còn tiếp tục, khi giấc mơ chinh phục Sao Hỏa vẫn đang chờ đợi những bước tiến lớn hơn nữa.

Elon Musk: 'Gã điên' ôm giấc mộng đưa loài người lên sao Hỏa - ảnh 1

"Chúng ta cần đưa Starship lên bệ phóng để chứng tỏ tên lửa đã sẵn sàng bay", Elon Musk bất ngờ tuyên bố trước hàng trăm nhân viên của SpaceX. 

Đó là một ngày nắng gắt tháng 7 năm 2021, khi Musk đang nỗ lực xin Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) chấp thuận cho Starship cất cánh. "Điều này sẽ buộc các cơ quan quản lý phải hành động. Áp lực từ công chúng sẽ khiến họ phải phê duyệt", ông nói với sự kiên quyết.

Khi Elon Musk quay trở lại tòa nhà chính của Starbase sau khi kiểm tra bệ phóng, màn hình video tại cửa đã được lập trình lại. Nó hiển thị dòng chữ: "Tàu+Tên lửa đã xếp chồng. T-196 giờ 44 phút 23 giây" và đang đếm ngược từng giây một. Đó là một khoảnh khắc quan trọng, tượng trưng cho sự quyết tâm không ngừng nghỉ của SpaceX trong hành trình chinh phục không gian.

"Chúng ta cần lên Sao Hỏa trước khi tôi chết. Ngoài SpaceX, không điều gì có thể thôi thúc con người lên Sao Hỏa”, Musk nhấn mạnh.

Đối với ông, hành trình này không chỉ là cuộc đua về công nghệ hay sự tiên phong trong ngành hàng không vũ trụ, mà còn là niềm khát khao vượt qua những giới hạn ở Trái Đất. 

Mỗi bước tiến của SpaceX, từ việc phát triển các tên lửa tái sử dụng cho đến những kế hoạch định cư trên Sao Hỏa, đều chứa đựng tinh thần đổi mới mạnh mẽ và niềm tin vào khả năng vô hạn của con người.

Elon Musk: 'Gã điên' ôm giấc mộng đưa loài người lên sao Hỏa - ảnh 2

Dù được yêu thích hay chỉ trích, không thể phủ nhận Elon Musk là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong thời đại hiện nay. Ông là người sáng lập, CEO của SpaceX, Tesla và ông chủ của mạng xã hội X (trước đây gọi là Twitter) cùng nhiều công ty khác. 

Vị tỷ phú luôn ấp ủ giấc mơ thay đổi cách thế giới khám phá vũ trụ. Và không ai nghĩ rằng cái tên SpaceX - được Musk thành lập ngày 14/3/2002 lại có thể làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp vũ trụ như hiện tại.

SpaceX có số vốn ban đầu khoảng 100 triệu USD. Công ty ra đời với một tầm nhìn táo bạo: phát triển các tên lửa giá rẻ hơn, có khả năng tái sử dụng và cuối cùng là đưa con người lên các hành tinh ngoài Trái Đất. Khởi đầu đầy tham vọng của SpaceX đã đối mặt với rất nhiều hoài nghi từ cộng đồng khoa học, và hành trình của công ty từ những ngày đầu không hề dễ dàng.

Elon Musk: 'Gã điên' ôm giấc mộng đưa loài người lên sao Hỏa - ảnh 3

SpaceX bắt đầu bằng việc phát triển Falcon 1, tên lửa cao 21m và hoạt động nhờ một động cơ, sử dụng oxy lỏng và kerosene. Tên lửa có thể chở 670kg hàng hóa lên quỹ đạo thấp của Trái Đất.

Đáng chú ý, Falcon 1 được thiết kế nhằm mục tiêu giảm chi phí phóng và sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài. SpaceX đã thực hiện điều này bằng cách tự phát triển nhiều linh kiện nội bộ và sử dụng các phương pháp sản xuất sáng tạo. Đây là một trong những bước đi quan trọng giúp SpaceX khác biệt so với các công ty vũ trụ truyền thống.

Tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu của SpaceX đã gặp nhiều khó khăn. Ba lần phóng thử đầu tiên của Falcon 1 từ năm 2006 đến 2008 đều thất bại do rò rỉ nhiên liệu hoặc va chạm với tầng tên lửa, làm dấy lên lo ngại về tương lai của công ty.

Vào tháng 9/2008, SpaceX đã có một bước ngoặt quan trọng. Lần phóng thứ tư của Falcon 1 đã thành công, khiến nó trở thành tên lửa đầu tiên do một công ty tư nhân phát triển đạt được quỹ đạo. 

Elon Musk: 'Gã điên' ôm giấc mộng đưa loài người lên sao Hỏa - ảnh 4

Thành công này không chỉ cứu SpaceX khỏi bờ vực phá sản, mà còn mở ra cánh cửa cho những hợp đồng thương mại và quân sự tiềm năng với Chính phủ Mỹ và các khách hàng quốc tế.

 
Elon Musk: 'Gã điên' ôm giấc mộng đưa loài người lên sao Hỏa - ảnh 5

SpaceX từng xem xét phát triển một tên lửa trung gian gọi là Falcon 5, nhưng đã bỏ qua và tiến thẳng tới phát triển Falcon 9. 

Tên lửa này có thể đưa hàng hóa nặng 13.150kg lên quỹ đạo thấp của Trái Đất. Nó là tên lửa 2 tầng, cao 70m và rộng 3,7m. Falcon 9 cất cánh lần đầu hôm 7/6/2010 từ Trạm không quân Cape Canaveral ở Florida (Mỹ). Cột mốc này đã đưa SpaceX lên một tầm cao mới trong ngành công nghiệp vũ trụ.

Lần hạ cánh thành công trên mặt đất đầu tiên của Falcon 9 diễn ra vào ngày 21/12/2015 ở Landing Zone 1, bãi đáp của SpaceX. Cùng thời điểm đó, công ty cũng bắt đầu phát triển tàu vũ trụ Dragon, một phương tiện vận chuyển hàng hóa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). 

Năm 2012, Dragon trở thành tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên gửi hàng hóa lên ISS trong khuôn khổ hợp đồng với NASA. Đây là một thành tựu lịch sử, đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho không gian thương mại và củng cố vị thế của SpaceX trong ngành công nghiệp vũ trụ.

Elon Musk: 'Gã điên' ôm giấc mộng đưa loài người lên sao Hỏa - ảnh 6

SpaceX đã phát triển Crew Dragon (Dragon 2) với mục tiêu vận chuyển phi hành gia đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và quay về an toàn. 

Crew Dragon có thể chở tối đa bảy phi hành gia và được trang bị hệ thống sống còn hiện đại, bao gồm cả môi trường làm việc thoải mái và các thiết bị cứu hộ trong tình huống khẩn cấp. Tàu có khả năng tự động tiếp cận ISS mà không cần sự can thiệp của phi hành gia.

Một trong những tính năng nổi bật của Crew Dragon là có hệ thống phóng khẩn cấp (Launch Escape System), cho phép tàu tách ra khỏi tên lửa trong trường hợp xảy ra sự cố ngay từ giai đoạn đầu của chuyến bay. Điều này đảm bảo an toàn tối đa cho phi hành đoàn.

Chuyến bay chở người đầu tiên của Crew Dragon, mang tên Demo-2, diễn ra vào ngày 30/5/2020. Đây là một cột mốc lịch sử, đánh dấu lần đầu tiên một tàu vũ trụ tư nhân đưa phi hành gia lên ISS. 

Demo-2 đã thành công rực rỡ, với Crew Dragon hạ cánh an toàn tại vịnh Mexico vào ngày 2/8/2020, sau 64 ngày lưu lại ISS. Chuyến bay không chỉ chứng minh khả năng vận chuyển của Crew Dragon mà còn đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2011, NASA đưa các phi hành gia vào vũ trụ trên đất Mỹ. 

Elon Musk: 'Gã điên' ôm giấc mộng đưa loài người lên sao Hỏa - ảnh 7

Sau thành công của Demo-2, SpaceX đã tiếp tục thực hiện các chuyến bay chở người lên ISS theo định kỳ, trong khuôn khổ hợp đồng với NASA. 

Elon Musk: 'Gã điên' ôm giấc mộng đưa loài người lên sao Hỏa - ảnh 8

Musk năm 10 tuổi từng say mê tiểu thuyết Foundation - cuốn sách kể về câu chuyện một nhóm người cố gắng bảo tồn kiến thức và văn minh nhân loại bằng cách xây dựng các thuộc địa trên khắp thiên hà, trong bối cảnh một đế chế liên sao đang trên bờ sụp đổ.

Và Musk khi trưởng thành đã thực sự tạo nên “cuốn tiểu thuyết” của riêng mình. Trong cuộc phỏng vấn năm 2013, Musk đã nhắc đến Foundation, liên hệ với việc xây dựng các thuộc địa trên sao Hỏa như một cách để bảo vệ và duy trì nền văn minh nhân loại. Niềm cảm hứng này đóng vai trò lớn trong việc ông phát triển SpaceX với sứ mệnh dài hạn là đưa con người lên sao Hỏa.

Để thực hiện điều này, SpaceX đã phát triển một hệ thống tên lửa hoàn toàn mới mang tên Starship. Starship gồm phương tiện phóng Super Heavy và tàu vũ trụ Starship ở bên trên. 

Tầng đầu tiên có tên lửa đẩy và tầng hai gồm tàu vũ trụ chở người cùng hàng hóa. Đáng chú ý, Starship được thiết kế để có khả năng tái sử dụng hoàn toàn, nghĩa là cả phần tàu và bộ đẩy đều có thể quay trở lại Trái Đất và được sử dụng cho các chuyến bay tiếp theo.

Vào năm 2021, SpaceX đã thực hiện một loạt các thử nghiệm bay của Starship và thành công trong việc hạ cánh một phiên bản thử nghiệm của tàu, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình chinh phục vũ trụ.

Theo kế hoạch của chuyến bay thử nghiệm Starship đầu tiên vào tháng 4/2023, tàu Starship sẽ tách ra khỏi tên lửa đẩy Super Heavy sau khoảng 3 phút bay và tiếp tục hành trình bằng động cơ của chính nó. 

Dự kiến, Starship sẽ hạ cánh xuống biển ngoài khơi Hawaii sau khoảng 1,5 giờ. Tuy nhiên, trong thực tế, hệ thống đã gặp sự cố không lâu sau khi tên lửa đẩy Super Heavy hoàn thành nhiệm vụ, và vụ nổ đã xảy ra do việc tách giữa hai tầng không thành công.

Mặc dù kết quả của chuyến bay không như mong đợi, SpaceX coi đây là một bước tiến lớn, vì những dữ liệu thu thập được từ nhiệm vụ đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng để cải thiện thiết kế của Starship. 

Sau thử nghiệm này, SpaceX thông báo đã thực hiện hơn 1.000 thay đổi đối với thiết kế của tên lửa Starship và Super Heavy, nhằm cải thiện độ ổn định, hiệu suất, và độ tin cậy cho các chuyến bay thử nghiệm và sứ mệnh tương lai.

Các thay đổi bao gồm cải tiến hệ thống động cơ, thiết kế cấu trúc, và các công nghệ tách tầng giữa Super Heavy và Starship để tăng cường an toàn và thành công trong các chuyến bay tiếp theo. 

Cuối cùng, đến lần thử nghiệm thứ năm (13/10), Elon Musk cùng SpaceX đã làm điều không tưởng và tạo nên lịch sử mới cho công nghệ tên lửa. 

Chuyến bay thử nghiệm bắt đầu lúc 7h25 sáng (giờ miền Trung Mỹ) từ Starbase, Texas. Tên lửa Starship đã được phóng lên không trung với lực đẩy mạnh mẽ 74,3 Meganewton, gấp đôi so với tên lửa Saturn V trong các sứ mệnh Apollo. 

Sau khi đạt độ cao tối đa, Starship đã kích hoạt động cơ riêng để tiếp tục bay, trong khi Super Heavy hạ cánh an toàn nhờ vào một loạt động cơ đốt phanh. 

Đây là lần đầu tiên, SpaceX sử dụng cánh tay robot của tháp phóng Mechazilla để "gắp" tầng đẩy Super Heavy ngay trên bệ phóng, chỉ 7 phút sau khi phóng.

 

Elon Musk: 'Gã điên' ôm giấc mộng đưa loài người lên sao Hỏa - ảnh 9

Sự xuất hiện của SpaceX không chỉ tạo ra một cuộc cách mạng trong công nghệ vũ trụ mà còn thay đổi cách mà ngành công nghiệp này hoạt động. Trước khi SpaceX ra đời, các cơ quan vũ trụ lớn như NASA và Roscosmos thống trị ngành công nghiệp này, với chi phí lớn và không có sự cạnh tranh.

Vào giữa những năm 1970, các kỹ sư NASA đã chế tạo tàu con thoi - một phương tiện vận chuyển vũ trụ hoàn toàn mới. Trong suốt ba thập kỷ, đội tàu con thoi của NASA đã thực hiện 135 nhiệm vụ, gồm phóng và sửa chữa các vệ tinh, tham gia xây dựng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), phóng Kính viễn vọng Không gian Hubble.

Theo nghiên cứu năm 2018, mỗi lần phóng tàu con thoi tiêu tốn trung bình khoảng 450-800 triệu USD. Chi phí của lần phóng cuối cùng vào năm 2011 là 1,5 tỷ USD và toàn bộ dự án đã tiêu tốn hoàng gần 30 tỷ USD. Tổng chi phí để gửi 1kg hàng hóa lên quỹ đạo Trái Đất sẽ rơi vào khoảng 54.000 USD.

Elon Musk: 'Gã điên' ôm giấc mộng đưa loài người lên sao Hỏa - ảnh 10

Hay Roscosmos, cơ quan vũ trụ quốc gia của Nga đã liên tục duy trì vị trí tiên phong trong các hoạt động không gian. Roscosmos đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì hoạt động của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Được biết, Nga đã cung cấp các mô-đun chính như Zarya và Zvezda, làm nền tảng trong việc cung cấp năng lượng, hỗ trợ cuộc sống, cũng như kết nối các mô-đun khác của ISS. 

Đáng chú ý, sau khi tàu con thoi của NASA ngừng hoạt động vào năm 2011, Roscosmos trở thành tổ chức duy nhất trên thế giới có thể vận chuyển phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bằng hệ thống tên lửa Soyuz. Mỗi ghế trên tàu Soyuz có giá lên đến hàng chục triệu USD. 

Tuy nhiên, SpaceX đã mở đường cho sự phát triển của không gian thương mại, với các chuyến bay vũ trụ có thể rẻ hơn, nhanh hơn và dễ tiếp cận hơn.

Sau khi chứng minh cả Starship và tên lửa đẩy Super Heavy có thể phóng vào vũ trụ và bay về Trái Đất nguyên vẹn, SpaceX đang nỗ lực tiến tới thực hiện mục tiêu khiến chi phí phóng tên lửa rẻ hơn ước tính tới 10 lần.

Không chỉ dừng lại ở việc giảm chi phí, SpaceX còn tạo ra sự đổi mới trong cách tiếp cận các sứ mệnh vũ trụ. Các thành tựu của công ty đã khuyến khích các cơ quan vũ trụ quốc gia và các công ty tư nhân khác cũng phải sáng tạo hơn và cạnh tranh với những gì SpaceX đạt được.

Trong tương lai, SpaceX có kế hoạch tiếp tục mở rộng các dịch vụ không gian. Công ty cũng dự tính phóng nhiều nhiệm vụ Starship lên quỹ đạo Trái Đất. Ví dụ để tiếp tục xây dựng mạng lưới vệ tinh băng thông rộng Starlink khổng lồ và tiếp nhiên liệu cho các tàu Starship khác hướng tới các hành tinh xa xôi. 

Ngoài ra, sau thành công của Super Heavy, Elon Musk cho biết công ty cũng đặt mục tiêu thực hiện tương tự với tầng trên Starship trong những tháng tới. 

Tham vọng đưa con người lên Sao Hỏa của Elon Musk không chỉ phản ánh khát vọng chinh phục vũ trụ, mà còn thể hiện tầm nhìn xa của một "gã điên" quyết tâm thay đổi tương lai nhân loại. 

Musk không ngừng nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ này thông qua SpaceX, với mục tiêu biến hành tinh đỏ thành điểm đến mới cho sự sống. Hành trình của ông không chỉ là về công nghệ, mà còn là nguồn cảm hứng thúc đẩy thế hệ mới khám phá những điều chưa biết, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành hàng không vũ trụ.

Elon Musk: 'Gã điên' ôm giấc mộng đưa loài người lên sao Hỏa - ảnh 11