HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Đấu nối các siêu dự án đường sắt Việt - Lào - Trung: Tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD, dự kiến có thể tiếp cận thị trường châu Âu

Đào Doãn

(Thị trường tài chính) - Siêu dự án đường sắt kết hợp giữa Vientiane (Lào) - Vũng Áng (Việt Nam) và Vientiane (Lào) - Côn Minh (Trung Quốc) được kỳ vọng giúp hướng tới tiếp cận các thị trường Trung Quốc, Đông Bắc Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả châu Âu trong tương lai.

Tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng 

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 - phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 6 trong năm 2024 tại Trụ sở Chính phủ. 

Được biết, các thành viên Chính phủ đã thảo luận một nội dung quan trọng là “Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam”. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên cần nghiên cứu các cơ chế để chuyển giao công nghệ, xây dựng ngành công nghiệp đường sắt theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị. 

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần sớm triển khai tuyến đường sắt Vientiane (Lào) - Vũng Áng (Hà Tĩnh) bên cạnh 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc. Hồi đầu năm, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã phát biểu rằng cần đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng, kết nối hai nền kinh tế, đặc biệt là dự án tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng để kết nối Lào ra biển, hợp tác hàng không, hạ tầng kết nối các cửa khẩu.

Cụ thể, tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng nằm trong tổng thể dự án đường sắt Việt - Lào và là một trong những ưu tiên của Chính phủ hai nước. 

Đấu nối các siêu dự án đường sắt Việt - Lào - Trung: Tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD, dự kiến có thể tiếp cận thị trường châu Âu - ảnh 1
Tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng nằm trong tổng thể dự án đường sắt Việt - Lào và là một trong những ưu tiên của Chính phủ hai nước. Ảnh minh họa

Sự hợp tác này được thể hiện trong quá trình triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng và được Liên doanh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Thương mại dầu khí Lào thực hiện theo hình thức PPP (hợp tác công tư).

Công ty Thương mại dầu khí Lào là doanh nghiệp xăng dầu hàng đầu tại Lào và cũng là đối tác chiến lược của Chính phủ Lào trong việc đầu tư, phát triển, xây dựng và quản lý các dự án hạ tầng - hậu cần quan trọng tại Lào. 

Chủ tịch công ty, ông Chanthone Sitthixay từng nói Chính phủ Lào mong muốn có sự kết nối, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, từ đó phát triển logistics và các dịch vụ khác. Đặc biệt, cảng Vũng Áng cũng là cảng biển gần Vientiane nhất, với vị trí thuận lợi, là cửa ngõ giao thông giữa miền Trung Việt Nam, miền Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan. 

Theo đó, tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 149.550 tỷ đồng (gần 6 tỷ USD). Chiều dài 554,7km, trải dài trên địa bàn 2 nước Lào và Việt Nam. Dự án có quy mô 2 ray với khổ ray 1.435mm và vận tốc 150km/h. 

Riêng đoạn Mụ Giạ - cảng Vũng Áng được đề xuất có tổng chiều dài khoảng 103km, 8 nhà ga và tổng mức đầu tư vào khoảng hơn 27 tỷ đồng.

Về tiềm năng, tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng được kỳ vọng giúp giao thương hàng hóa đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á được xếp dỡ nhanh hơn và thuận tiện hơn. Qua đó, tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao thương thương mại giữa Việt Nam với các nước láng giềng. 

Khi chính thức đi vào hoạt động, dự án cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Việt - Lào hợp tác phát triển đa dạng lĩnh vực. 

Đặc biệt, tuyến đường sắt dự kiến sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu tăng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai bên. Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh sẽ tận dụng cơ hội này để hình thành trung tâm logistics, kết nối hàng hóa đến cảng cửa ngõ.

Tuyến đường sắt Lào - Việt cũng có thể thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam khi các du khách Lào hay các quốc gia khác có thể dễ dàng đến các bãi biển ở miền Trung. 

Siêu dự án kết hợp giữa Vientiane - Vũng Áng và Vientiane - Côn Minh 

Đặc biệt, tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng sẽ tiếp tục đấu nối với tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc (kết nối trung tâm thương mại Tây Nam Trung Quốc - thành phố Côn Minh với thủ đô Vientiane của Lào). 

Được biết, tuyến đường sắt Lào - Trung (trị giá 6 tỷ USD) có phần đường sắt chạy trên lãnh thổ Lào dài khoảng 422km. Tuyến gồm có 75 đường hầm, 167 cầu và 10 ga. Tổng thời gian di chuyển quãng đường 1.000km (Vientiane - Côn Minh) sẽ vào khoảng 10 tiếng. 

Đấu nối các siêu dự án đường sắt Việt - Lào - Trung: Tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD, dự kiến có thể tiếp cận thị trường châu Âu - ảnh 2
Tuyến đường sắt Lào - Trung (trị giá 6 tỷ USD) có phần đường sắt chạy trên lãnh thổ Lào dài khoảng 422km

Tuyến đường sắt cao tốc này đã giúp tăng số lượng du khách Trung Quốc đến Lào. Nó cũng đem lại nhiều cơ hội hơn cho tiểu thương và doanh nghiệp Lào. 

Tính từ thời điểm chính thức vận hành đến tháng 9/2023, tuyến đường sắt cao tốc Vientiane - Côn Minh đã vận chuyển hơn 20 triệu hành khách và hơn 25 triệu tấn hàng hóa từ Trung Quốc sang Lào và ngược lại.

Đáng chú ý, siêu dự án kết hợp giữa Vientiane - Vũng Áng và Vientiane - Côn Minh được cho là sẽ tạo ra tuyến vận tải hàng hóa mở rộng đến Bắc Lào và Nam Trung Quốc. Đặc biệt, nó được kỳ vọng giúp hướng tới tiếp cận các thị trường Trung Quốc, Đông Bắc Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả châu Âu trong tương lai.