HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Chiến tranh thương mại thời Trump 2.0: Liệu Mỹ có để thua Trung Quốc chỉ sau 25 ngày?

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Nhiệm kỳ Trump 2.0 đã khuấy động thị trường toàn cầu, làm lung lay nhiều giá trị và tạo ra một làn sóng hỗn loạn trong chính sách đối ngoại của Mỹ - một bối cảnh mà Trung Quốc dường như là bên hưởng lợi lớn nhất.

Bài viết thể hiện quan điểm của Willam Pesek, nhà báo kỳ cựu chuyên nghiên cứu về châu Á, được đăng tải trên tờ Asia Times.

Trung Quốc đang âm thầm hưởng lợi từ những biến động ban đầu trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chỉ trong vòng 25 ngày kể từ khi nhậm chức, các chính sách của ông Trump liên tục làm xáo trộn thị trường toàn cầu và làm suy yếu vị thế ngoại giao của Mỹ dù đó là những thành quả tích lũy qua nhiều thập kỷ. 

Chiến tranh thương mại thời Trump 2.0: Liệu Mỹ có để thua Trung Quốc chỉ sau 25 ngày? - ảnh 1
Tỷ phú Elon Musk (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tình hình trở nên ngày càng phức tạp khi tỷ phú Elon Musk - người được ông Trump tín nhiệm giao cho sứ mệnh cắt giảm chi phí của bộ máy Chính phủ Liên bang - đang có những động thái gây tranh cãi trong việc quản lý dữ liệu nhạy cảm, làm dấy lên những lo ngại về niềm tin của công chúng đối với các thể chế nước Mỹ.

Trong lĩnh vực thương mại, chính sách của Trump cho thấy những dấu hiệu nhượng bộ đáng kể. Mặc dù đã áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc, mức này chỉ bằng một phần sáu so với mức 60% từng được đe dọa. Đồng thời, kế hoạch áp thuế 25% với Canada và Mexico cũng đã được hoãn lại.

Trước những biến động hàng giờ về thuế quan, các nhà đầu tư lớn trên phố Wall đã bắt đầu bán ra cổ phiếu Mỹ, với nhận định rằng những đe dọa về thuế quan của Trump có thể chỉ là biện pháp thương thuyết là hành động thực sự. 

Giới phân tích an ninh thì cẩn trọng hơn, cho rằng điều này xuất phát từ lo ngại về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và áp lực từ các nhà tài phiệt trong vòng tròn thân cận của ông Trump.

“Ngư ông đắc lợi”

Kể từ khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được công bố vào tháng 11/2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lẽ đã dự đoán được phần nào tình hình của nước Mỹ trong những ngày qua, và nhanh chóng định vị Trung Quốc như một điểm tựa ổn định trong bối cảnh thế giới đầy sự bất định. 

Bắc Kinh đã và đang tích cực xây dựng hình ảnh là người bảo vệ thương mại tự do và các thể chế tài chính đa phương, đồng thời cam kết bảo vệ toàn cầu hóa trước "những thách thức nghiêm trọng" trong giai đoạn được cho là đầy biến động này.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru tháng 1/2024, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Việc chia rẽ một thế giới phụ thuộc lẫn nhau đang đi ngược lại lịch sử". 

Tuyên bố này gợi nhớ về lập trường của ông tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos năm 2017, khi nhiệm kỳ đầu của ông Trump cũng gây chấn động thị trường toàn cầu. Khi đó, ông Tập đã cảnh báo về "thương tích và mất mát" mà chủ nghĩa bảo hộ có thể gây ra cho mọi bên trong cuộc thương chiến.

Stewart Patrick, chuyên gia cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, đánh giá tình hình Washington hiện nay như một "cơn cuồng phong về chính sách", với hàng loạt sắc lệnh hành pháp đang đe dọa đảo lộn 80 năm xây dựng hệ giá trị Mỹ trên trường quốc tế. 

Theo ông Patrick, giới phân tích chính sách toàn ngày nay là các nhà "săn bão" - dõi theo từng động thái gây tranh cãi để tìm hiểu mục đích thực sự của Nhà Trắng.

Chiến tranh thương mại thời Trump 2.0: Liệu Mỹ có để thua Trung Quốc chỉ sau 25 ngày? - ảnh 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các sắc lệnh hành pháp trong buổi lễ ký kết tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, DC, vào ngày 20/1/2025

Một trong những sự kiện gây sốc nhất phải kể đến việc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) bị ngừng hoạt động mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. 

Bước đi này đã vấp phải sự phản đối của nhiều chiến lược gia, bất kể đảng phái, tại Mỹ. Ông Stuart Stevens, chiến lược gia kỳ cựu của Đảng Cộng hòa và tác giả cuốn "Âm mưu chấm dứt nước Mỹ", cảnh báo về việc cường quốc hàng đầu thế giới đang tự thu hẹp tầm ảnh hưởng của mình. 

Trong khi đó, theo Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, mọi sự suy giảm trong vai trò lãnh đạo và uy tín của Mỹ đều sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng toàn cầu.

Trong khi ông Trump liên tục chỉ trích sự thống trị của Trung Quốc, việc từ bỏ “biểu tượng của lòng hảo tâm từ nước Mỹ” lại vô tình tạo điều kiện cho Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng, đặc biệt thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) tại các nước đang phát triển.

Ảnh hưởng lên thị trường tài chính

Trong bối cảnh bất ổn từ Washington, giới đầu tư đang đặc biệt quan ngại về quyết định của Bộ Tài chính Mỹ cho phép Elon Musk tiếp cận hệ thống thanh toán liên bang - một động thái gây nhiều tranh cãi về tính minh bạch và an toàn tài chính.

Các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương châu Á, những người đang nắm giữ khối lượng lớn trái phiếu Kho bạc Mỹ, đã có đủ lý do để lo lắng về gánh nặng nợ 36 nghìn tỷ USD của Washington và tình trạng lạm phát dai dẳng. Giờ đây, họ còn phải đối mặt với mối quan ngại mới khi các doanh nhân công nghệ được trao quyền can thiệp vào hệ thống tài chính liên bang với những mục đích chưa rõ ràng.

Tình hình càng trở nên nhạy cảm khi xét đến quy mô đầu tư của các đối tác châu Á. Nhật Bản, với danh mục đầu tư trái phiếu Kho bạc trị giá hơn 1,1 nghìn tỷ USD, và Trung Quốc, nắm giữ 770 tỷ USD, có thể sẽ phản ứng mạnh nếu niềm tin vào đồng USD với tư cách đồng tiền dự trữ bị lung lay. Một đợt bán tháo trái phiếu quy mô lớn có thể đẩy lãi suất tăng đột biến.

Mặc dù những biến động tài chính trong năm 2025 có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trung Quốc, Bắc Kinh dường như đang nhìn thấy cơ hội trong thách thức. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tận dụng tình hình này để thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ - một mục tiêu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã theo đuổi trong suốt thập kỷ qua nhằm nâng cao vai trò của đồng tiền này trong thương mại và tài chính toàn cầu.

Thêm vào đó, những động thái chính sách gần đây của chính quyền Trump càng làm gia tăng mối lo ngại về ổn định tài chính của Mỹ. Tổng thống không chỉ theo đuổi một chiến lược tập trung quyền lực mạnh mẽ, mà còn đề xuất một gói cắt giảm thuế mới trị giá hàng nghìn tỷ USD. Đáng chú ý hơn là những nỗ lực can thiệp vào thẩm quyền của Cục Dự trữ Liên bang và khả năng thực hiện chính sách phá giá đồng USD.

Trước những diễn biến này, các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế đang đứng trước áp lực ngày càng lớn về việc phải xem xét lại mức xếp hạng nợ của Mỹ. Khả năng duy trì nguyên trạng xếp hạng tín dụng hiện tại đang trở nên khó khăn hơn khi các chính sách tài khóa và tiền tệ của Mỹ tiếp tục theo hướng gây tranh cãi.

Liệu vị thế của nước Mỹ có suy yếu?

Tổng thanh tra Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), ông Paul Martin, đã bị Nhà Trắng sa thải vào ngày 11/2, chỉ một ngày sau khi văn phòng của ông công bố báo cáo đánh giá tác động tiêu cực từ việc chính quyền Tổng thống Donald Trump cắt giảm mạnh quy mô hoạt động của cơ quan này.

Phó Chủ tịch cấp cao Trung tâm Nghiên cứu Tiến bộ Mỹ Alan Yu nhận định, kế hoạch MAGA đề xuất cắt giảm các chương trình viện trợ nước ngoài của chính quyền Trump sẽ tác động nghiêm trọng đến vị thế của Mỹ trên trường quốc tế và an ninh trong nước.

Theo ông Yu, mặc dù được sự ủng hộ của một số doanh nhân như Elon Musk, những động thái cắt giảm viện trợ này đã gây ra lo ngại trong giới đồng minh - vốn đóng vai trò then chốt trong việc duy trì an ninh toàn cầu. Các chương trình bị đình chỉ vốn giúp tăng cường năng lực quốc phòng cho các nước đối tác và hạn chế nguy cơ can thiệp quân sự trực tiếp.

Đáng chú ý, viện trợ cho Ukraine - yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống Nga - hiện đang rơi vào tình trạng bất định. Tương tự, chương trình hỗ trợ quân sự cho Đài Loan nhằm răn đe sự xâm lược từ Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều bất ổn.

Hai kịch bản chính

Các nhà phân tích dự báo việc áp dụng thuế quan mới là điều khó tránh khỏi, xét theo những tuyên bố trước đó của chính quyền Trump về vai trò của các biện pháp hạn chế thương mại trong chiến lược "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại". Thái độ đối đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là có thể tác động mạnh đến quyết định của nhóm cố vấn chống Trung Quốc, trong đó có Peter Navarro.

Dominique Dwor-Frecaut, Nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Macro Hive, chỉ ra hai kịch bản chính. Kịch bản dài hạn là áp dụng thuế quan với phạm vi rộng, theo lộ trình từng bước, nhằm tăng nguồn thu và khuyến khích doanh nghiệp đưa sản xuất về Mỹ. Kịch bản thứ hai mang tính "cơ hội", nhắm vào từng quốc gia cụ thể với các biện pháp mạnh để tạo đòn bẩy trong đàm phán thương mại.

Tại phiên điều trần, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã xác nhận ba mục tiêu chính của chính sách thuế quan: tăng nguồn thu ngân sách, thu hút sản xuất về nước và tạo lợi thế đàm phán thương mại. Tuy nhiên, theo Dwor-Frecaut, việc tăng thuế quan liên tục để đạt các mục tiêu dài hạn có thể gây áp lực lên giá cả, thúc đẩy lạm phát và kìm hãm tăng trưởng.

Đáp lại, Trung Quốc đã có động thái trả đũa bằng cách áp thuế lên các mặt hàng năng lượng, sản xuất và khoáng sản của Mỹ, đồng thời mở cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Google.

Nhìn chung, các nhà kinh tế và nhà phân tích cho biết, đây là một phản ứng hợp lý và tương xứng, mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán trong tương lai. 

Tuy nhiên, ông Ian Bremmer, Giám đốc điều hành của Eurasia Group, lại nhận định quan hệ Mỹ - Trung mang tính đối đầu và thiếu lòng tin. Ông cho rằng sự ổn định tạm thời năm 2024 là nhờ chính quyền Biden đã duy trì 25 kênh đối thoại cấp cao. Ngược lại, chính quyền Trump không chú trọng ngoại giao, khiến nguy cơ khủng hoảng gia tăng.

Chuyên gia Bremmer bác bỏ khả năng Trump có thể ép Bắc Kinh nhượng bộ như cách ông đã làm với các quốc gia yếu hơn. "Trung Quốc có đủ quy mô và đòn bẩy để đáp trả Mỹ, và họ sẽ làm vậy," ông nói.

Nhà kinh tế Alicia Garcia Herrero tại Natixis cho rằng nếu ông tRUMP đẩy mạnh biện pháp trừng phạt, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, chuyên gia Agatha Kratz của Rhodium Group nhận định Bắc Kinh không đủ sức áp đặt các biện pháp thương mại quá mạnh trong bối cảnh kinh tế suy yếu.

Trong khi đó, Yung-Yu Ma, giám đốc đầu tư tại BMO Wealth Management, khuyến nghị Mỹ nên linh hoạt. "Có lúc cần hành động quyết liệt, nhưng thời điểm đó chưa đến," ông nói.

Các chuyên gia của Morgan Stanley dự báo Mỹ sẽ áp thuế bổ sung với Trung Quốc trong năm nay, dẫn đến các động thái trả đũa. Diana Choyleva từ Enodo Economics cảnh báo các hạn chế công nghệ của Mỹ có thể phản tác dụng, thúc đẩy Trung Quốc tự lực và đổi mới.

Ngoài ra, thuế quan Trump 2.0 có thể gây tổn thất lớn cho đồng minh Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á, vô tình tạo điều kiện để Trung Quốc củng cố vị thế trong khu vực.

Sự lạc quan rằng Washington và Bắc Kinh có thể tránh được một cuộc đụng độ phá hủy thị trường về cơ bản là hiểu sai cả giới hạn trong cách tiếp cận của Trump và bản chất của quan hệ Mỹ-Trung Quốc trong thời đại của Tập. 

Căng thẳng giữa Washington và các đồng minh dân chủ châu Á có thể làm gia tăng sự ngờ vực, tạo điều kiện để Trung Quốc củng cố ảnh hưởng. Bắc Kinh cũng tiếp tục hưởng lợi từ việc Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khiến Mỹ mất cơ hội định hình trật tự thương mại khu vực. Trong khi đó, chính quyền Trump 2.0 vẫn tập trung vào các thỏa thuận song phương, bỏ qua chiến lược xây dựng liên minh chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Theo Stewart Patrick, chuyên gia cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, việc USAID suy yếu là một thắng lợi lớn cho Bắc Kinh. Nếu cơ quan này sụp đổ, hàng triệu người trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Quan trọng hơn, ông cảnh báo, "hình ảnh của Mỹ như một quốc gia dẫn đầu trong việc bảo vệ lợi ích toàn cầu cũng sẽ tan vỡ”. 

Tham khảo Asia Times