'Cha đẻ' BRICS bất ngờ cảnh báo về mâu thuẫn giữa 2 thành viên chủ chốt, tham vọng phi USD hóa khó thành hiện thực
(Thị trường tài chính) - Cha đẻ của BRIC hoài nghi tham vọng phi đô la hóa và thay đổi trật tự thế giới khó thành hiện thực do mâu thuẫn nội bộ Trung - Ấn hơn 60 năm qua.
Dù quy tụ các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, khối BRICS vẫn chưa thể hiện được sức mạnh thực sự sau gần hai thập kỷ thành lập, theo nhận định của người đặt nền móng khái niệm cho tổ chức này.
Theo Reuters, cựu chuyên gia kinh tế Goldman Sachs, ông Jim O'Neill là người đã đặt ra khái niệm BRIC - cho rằng tham vọng thách thức đồng USD của khối BRICS khó thành hiện thực khi Trung Quốc và Ấn Độ - hai thành viên chủ chốt vẫn tồn tại bất đồng sâu sắc và chưa sẵn sàng hợp tác thương mại.
Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS đang diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nỗ lực chứng minh các biện pháp trừng phạt của phương Tây không thành công trong việc cô lập Moscow liên quan đến cuộc xung đột Ukraine. Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định vị thế của nước này trong quan hệ với các cường quốc mới nổi châu Á.
Jim O'Neill, nguyên Kinh tế trưởng Goldman Sachs, là người đề xuất thuật ngữ BRIC trong một nghiên cứu năm 2001. Khi đó, ông nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của bốn nền kinh tế Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như sự cần thiết cải tổ quản trị toàn cầu để ghi nhận vai trò ngày càng quan trọng của các quốc gia này.
"Viễn cảnh BRICS trở thành một tổ chức kinh tế toàn cầu tương tự G7 là không khả thi", Kinh tế gia O'Neill chia sẻ với Reuters.
Theo vị chuyên gia này, các cuộc họp thường niên của BRICS chủ yếu mang tính biểu tượng, là diễn đàn để các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, bày tỏ quan điểm về một trật tự thế giới không phụ thuộc vào Mỹ và phản đối cơ chế quản trị toàn cầu hiện tại.
O'Neill, người không giấu giếm lòng tự hào và muốn "đóng dấu luôn danh hiệu 'Ngài BRICS' lên trán mình mãi mãi, thẳng thắn cho rằng khối này đạt rất ít thành tựu đáng kể trong 15 năm qua.
Từ những cuộc họp ban đầu giữa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, BRICS dần phát triển thành một tổ chức chính thức với sự tham gia của Brazil và Nam Phi. Gần đây, khối này tiếp tục mở rộng với các thành viên mới như Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE. Ả Rập Saudi được kỳ vọng sẽ sớm chính thức gia nhập.
Hiện BRICS chiếm 45% dân số và 35% GDP toàn cầu (theo sức mua tương đương), trong đó riêng Trung Quốc đóng góp hơn một nửa sức mạnh kinh tế của khối. Tuy nhiên, theo O'Neill, "không thể giải quyết các vấn đề toàn cầu nếu thiếu sự tham gia của Mỹ và châu Âu, cũng như phương Tây không thể đơn phương xử lý các thách thức chung mà không có Trung Quốc, Ấn Độ và ở mức độ thấp hơn là Nga, Brazil".
Tại phiên khai mạc hôm 23/10, Tổng thống Putin tiết lộ hơn 30 quốc gia đã bày tỏ quan tâm gia nhập BRICS, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì cân bằng trong quá trình mở rộng thành viên. Tuy nhiên, theo O'Neill, việc kết nạp thêm thành viên có thể khiến khối này càng khó đạt được các mục tiêu đề ra.
Đẩy nhanh tiến trình phi đô la hóa
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang tại nhiều khu vực, Nga đang tích cực vận động các nước BRICS thiết lập một nền tảng thanh toán quốc tế độc lập, nhằm giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
"Suốt nhiều thập kỷ qua, giới chuyên gia không ngừng bàn luận về các giải pháp thay thế đồng USD. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có quốc gia nào thực sự hành động để thách thức vị thế của đồng tiền này", O'Neill - nhà kinh tế nay đã 67 tuổi - nhận định.
Theo chuyên gia này, bất kỳ đồng tiền chung nào của BRICS cũng sẽ phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc, trong khi Nga và Brazil khó có vai trò quyết định.
"Nếu thực sự nghiêm túc về hợp tác kinh tế, tại sao các nước thành viên không bắt đầu bằng việc cắt giảm thuế quan trong thương mại nội khối?", O'Neill đặt vấn đề. Ông nhấn mạnh: "BRICS chỉ có thể được xem xét nghiêm túc khi hai cường quốc hàng đầu - Trung Quốc và Ấn Độ - thể hiện nỗ lực đồng thuận thay vì đối đầu".
Căng thẳng biên giới bùng phát năm 2020 khiến Ấn Độ siết chặt đầu tư từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc đàm phán chính thức đầu tiên sau 5 năm diễn ra hôm thứ Tư, hai nước đã cam kết tăng cường hợp tác.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Putin, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định mối quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga là động lực ổn định trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có những biến động lớn nhất trong một thế kỷ qua.
Jim O'Neill cho rằng G20 đã không thể trở thành trụ cột quản trị toàn cầu do cả Mỹ và Trung Quốc đều có xu hướng nội địa hóa từ giữa thập kỷ trước. Ông đề xuất BRICS nên tập trung vào các mục tiêu thiết thực như phát triển vaccine, thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm hay ứng phó với biến đổi khí hậu, thay vì theo đuổi những tham vọng thiếu tính khả thi.
Theo Reuters