Các thương hiệu ngân hàng vang bóng một thời “thay tên đổi họ”, sáp nhập về chung nhà

Nhị Hà

(Thị trường tài chính) - Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng thay đổi mạnh mẽ khi nhiều thương hiệu ngân hàng quen thuộc đã đổi tên, sáp nhập hoặc được chuyển giao bắt buộc sang các ngân hàng lớn hơn. Đây là một phần trong quá trình tái cơ cấu nhằm củng cố sự ổn định của thị trường tài chính và xử lý các ngân hàng yếu kém.

Mới đây, Ngân hàng TNHH MTV Đông Á chính thức đổi tên thành Ngân hàng Số Vikki (Vikki Bank) theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó, ngân hàng này cũng thay đổi nhận diện thương hiệu, đặt trụ sở chính tại Hà Nội. HDBank đã tiếp nhận bắt buộc DongA Bank, đồng nghĩa với việc DongA Bank trở thành ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank sở hữu 100% vốn điều lệ.

Tương tự, Ngân hàng Xây dựng (CB) đã đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo) sau khi chuyển giao về Vietcombank. Trong khi đó, MB tiếp nhận OceanBank và đổi tên ngân hàng này thành Ngân hàng Thương mại TNHH Việt Nam Hiện Đại (MBV).

Các thương hiệu ngân hàng vang bóng một thời “thay tên đổi họ”, sáp nhập về chung nhà - ảnh 1

Hiện tại, trong số các ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc, GPBank vẫn chưa công bố tên mới sau khi về với VPBank. Như vậy, đến nay, 3/4 ngân hàng yếu kém đã hoàn thành việc đổi thương hiệu sau khi chuyển giao bắt buộc. Trường hợp duy nhất chưa đổi tên là GPBank, hiện do VPBank thực hiện tái cơ cấu. Trong khi đó, SCB vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước đặt trong diện kiểm soát đặc biệt.

Trong nhóm ngân hàng yếu kém, CBBank và OceanBank là hai nhà băng được thực hiện chuyển giao đầu tiên vào tháng 10/2024, với bên nhận chuyển giao lần lượt là Vietcombank và MB. Sau khi tiếp nhận, Vietcombank và MB trở thành ngân hàng mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ của CBBank và OceanBank. Các ngân hàng này cũng lên kế hoạch cải tổ toàn diện ngân hàng yếu kém, từ hệ thống quản trị, tài chính đến mô hình kinh doanh.

Đến đầu năm 2025, GPBank và DongABank chính thức được chuyển giao bắt buộc về VPBank và HDBank. Lãnh đạo VPBank cho biết sẽ hỗ trợ GPBank trong việc xử lý nợ xấu, cải thiện năng lực quản trị rủi ro và tái cơ cấu hoạt động kinh doanh để đảm bảo sự ổn định trong dài hạn. Trong khi đó, lãnh đạo HDBank cũng đưa ra lộ trình cụ thể để tái cơ cấu DongABank, bao gồm tăng cường vốn, cải tổ hệ thống vận hành và mở rộng dịch vụ ngân hàng số.

Làn sóng sáp nhập ngân hàng tại Việt Nam không phải là điều mới. Giai đoạn 2011-2015 chứng kiến hàng loạt thương vụ sáp nhập khi hệ thống ngân hàng phải tái cấu trúc sau thời kỳ tín dụng tăng trưởng nóng, khiến nợ xấu gia tăng.

Hàng loạt thương hiệu ngân hàng từng một thời gây dấu ấn đã biến mất khỏi thị trường: Ba ngân hàng SCB, TinNghiaBank và Ficombank sáp nhập thành một SCB như hiện nay; Habubank sáp nhập vào SHB; Western Bank hợp nhất cùng PVFC để trở thành PVcomBank; DaiABank sáp nhập vào HDBank; MHB sáp nhập vào BIDV; MDBank nhập vào MSB; Phương Nam Bank sáp nhập vào Sacombank.

Những thay đổi này không chỉ giúp hệ thống ngân hàng tinh gọn hơn mà còn đảm bảo an toàn tài chính, hạn chế rủi ro hệ thống. Tuy nhiên, việc một số thương hiệu ngân hàng từng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường bị "khai tử" cũng để lại không ít tiếc nuối.

Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng vẫn chưa dừng lại. Trong thời gian tới, dự báo sẽ còn những thương vụ sáp nhập, đổi tên mới nhằm hoàn thiện quá trình cải tổ ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.

Theo Ngân hàng Nhà nước, chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những giải pháp góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan để chỉ đạo các ngân hàng xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật.