Lỗ hổng nhỏ trên cửa sổ máy bay tưởng ‘vô thưởng vô phạt’ nhưng lại đảm bảo an toàn cho hành khách cùng phi hành đoàn
(Thị trường tài chính) - Nhiều người tự thắc mắc lỗ hổng nhỏ xíu trên cửa sổ máy bay có tác dụng gì?
Những người đi máy bay có lẽ không còn lạ gì với lỗ hổng nhỏ trên cửa sổ máy bay. Tuy nhiên hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng lỗ hổng này không có tác dụng gì, chủ yếu là để trang trí. Thế nhưng trên thực tế, chúng được sản xuất ra với tác dụng ít người biết.
Thực chất, trước khi cho ra đời 1 chiếc máy bay, các nhà sản xuất đã phải tính toán nhiều phương diện để có thể đưa ra thiết kế hoàn hảo nhất, không có lỗi khi bay gây mất an toàn. Kể cả những chi tiết nhỏ xíu như lỗ nhỏ trên cửa sổ máy bay cũng có công dụng riêng. Chúng thường được gọi là "lỗ thở" của máy bay. Khi máy bay được điều khiển lên cao, áp suất không khí giảm đi. Lúc này, áp suất không khí bên ngoài và trong máy bay có sự chênh lệch không hề nhỏ. Chiếc lỗ tròn nhỏ xíu phát huy tác dụng, giúp cân bằng áp suất trong cabin ở mức an toàn.
Không chỉ vậy, chiếc lỗ nhỏ xíu trên cửa sổ máy bay còn giúp thoát hơi nước, tránh để cửa sổ bị mờ. Chia sẻ trên TikTok, tiếp viên hàng không hãng hàng không Cebu Pacific - Henny Lim gọi đây là những "chiếc lỗ thoát nước". Bên cạnh việc cân bằng áp suất, tiếp viên hàng không này còn khẳng định đây là thứ có thể giải phóng độ ẩm, ngăn chặn sương giá, tránh cản trở tầm nhìn của hành khách. Điều này giúp cho các hành khách có thể ngắm nhìn bầu trời, quang cảnh bên ngoài ngay cả khi thời tiết chuyển biến khác nhau hay máy bay bay trong đêm.
Nhiều hành khách mong muốn ngắm cảnh nên đã bỏ ra nhiều tiền hơn để mua những chiếc ghế cạnh cửa sổ. Bởi vậy, chiếc lỗ nhỏ xíu trên cửa máy bay giúp họ có thể ngắm cảnh dễ dàng, trọn vẹn hơn.
Hầu hết cửa sổ của những chiếc máy bay thương mại đều có cấu tạo 3 lớp: lớp trong cùng, giữa và ngoài cùng, được làm bằng vật liệu acrylic. Lớp acrylic trong cùng thường có nhiệm vụ bảo vệ cho những lớp ngoài. Lớp giữa (lớp được đục "lỗ thoát nước") có nhiệm vụ quan trọng nhất là cân bằng áp suất ngoài trời và trong cabin.
Trong trường hợp lớp ngoài cùng không thể chịu tải được và nứt vỡ, tấm giữa sẽ thay thế vai trò này. Lúc này, tấm giữa (chứa lỗ nhỏ) sẽ giữ được áp suất, giúp phi công có thêm thời gian để hạ độ cao xuống dần dần. Dù trường hợp này dường như không bao giờ xảy ra nhưng các nhà nghiên cứu, chế tạo máy bay vẫn phải lường trước.
Những tưởng chỉ là chiếc lỗ nhỏ vô tri nhưng thực chất chúng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ an toàn cho hành khách, phục vụ mục đích kỹ thuật quan trọng. Vì vậy trên mọi máy bay, những chiếc lỗ nhỏ này luôn hiện diện trên cửa sổ. Không chỉ vậy, chúng còn giúp các hành khách có những bức ảnh đẹp, có thể ngắm cảnh mà không bị sương mù, hơi nước cản trở.