Cựu chiến binh lừng lẫy Việt Nam từng xây hầm giấu vàng, làm từ thiện hàng nghìn tỷ, 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Minh Tài

(Thị trường tài chính) - Ông và vợ là cặp vợ chồng đầu tiên tại Việt Nam cùng được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trong số những đại gia đời đầu của Việt Nam, Lê Văn Kiểm là một trong những cái tên không thể bỏ qua. Ông thuộc thế hệ doanh nhân đầu tiên khởi nghiệp sau năm 1975 và vẫn trụ vững trên thương trường cho đến nay. Theo Forbes Việt Nam, gia đình ông là một trong những gia đình kinh doanh gạo cội, đặt nền móng cho thế hệ doanh nhân kế tiếp.

Từ chiến sĩ đến doanh nhân thành đạt

LÊ VĂN KIỂM & GIA ĐÌNH - Forbes Việt Nam

Lê Văn Kiểm là một trong những cái tên không thể bỏ qua khi nhắc đến những đại gia đời đầu của Việt Nam (Ảnh: Forbes Việt Nam)

Ông Lê Văn Kiểm sinh năm 1945 tại Thừa Thiên - Huế, trong một gia đình có truyền thống yêu nước và tinh thần trung kiên. Năm 1946, khi mới tròn một tuổi, ông theo cha mẹ, là những người chiến sĩ cách mạng lên chiến khu Ba Lòng, Quảng Trị. Ba năm sau, cha ông hy sinh, từ đó, ông lớn lên trong tình yêu thương của người mẹ và sự đùm bọc, chở che từ những đồng đội từng sát cánh cùng cha mẹ.

Năm 1954, cùng với nhiều học sinh miền Nam khác, ông Lê Văn Kiểm được đưa ra miền Bắc để học tập và đào tạo. Đến năm 1964, ông trúng tuyển vào Trường Đại học Thủy Lợi, nơi đã đặt nền tảng tri thức và nuôi dưỡng trong ông những ước mơ, hoài bão lớn.

Năm 1965, trước lời kêu gọi của Tổ quốc, ông hăng hái gia nhập quân đội và được tuyển chọn vào quân chủng không quân. Sau thời gian bồi dưỡng, ông được đưa vào danh sách dự kiến sang Liên Xô học lái máy bay MIG-21. Tuy nhiên, do là con trai duy nhất của một liệt sĩ và thuộc diện chính sách, đơn vị đã quyết định đưa ông trở lại trường đại học để tiếp tục học tập.

Những năm tháng sau này, ông Kiểm có duyên gặp gỡ và yêu thương cô nữ sinh Trần Cẩm Nhung, cũng là con em miền Nam được tập kết ra Bắc học tập. Ngày 30/4/1970, hai người có một đám cưới giản dị ấm cúng.

Lê Văn Kiểm là ai? Tài sản khổng lồ của ông chủ Golf Long Thành

Vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm (Ảnh: Internet)

Với lòng yêu nước và khát khao cống hiến sức trẻ, năm 1971, chàng thanh niên Lê Văn Kiểm một lần nữa chích máu viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục viết đơn xung phong ra chiến trường miền Nam—nơi cuộc chiến đang diễn ra ác liệt nhất.

Vượt qua muôn vàn gian khổ, vào lúc 14 giờ ngày 30/4/1975 lịch sử, ông có mặt tại Sài Gòn trong đoàn quân giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn và công tác tại Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định.

Chiến sĩ trên “mặt trận” kinh tế

Khi hòa bình lập lại, dù chiến tranh đã qua, nhưng giặc đói và giặc nghèo vẫn còn hoành hành khắp nơi. Ông Lê Văn Kiểm lúc này đã gác lại khẩu súng chiến trường, bắt tay cùng vợ con tham gia vào một mặt trận khác - mặt trận kinh tế.

Theo VietnamFinance, ban ngày, hai vợ chồng ông hoàn thành nhiệm vụ công chức, tối đến lại miệt mài bên máy sản xuất thức ăn gia súc. Nhờ vào sự cần cù, chịu khó và tinh thần vượt khó, ông đã có những bước khởi đầu thuận lợi trong kinh doanh, mang lại nguồn thu nhập ổn định và khá lớn cho gia đình.

Vốn sở hữu bản tính sáng tạo và niềm đam mê khám phá, ông Lê Văn Kiểm đã tìm thấy cơ hội đổi đời trong một chuyến dã ngoại. Khi nướng khoai, những tia lửa và tiếng nổ phát ra đã khiến ông nhận ra một điều kỳ diệu - tinh dầu hạt cao su.

Sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, ông cùng vợ áp dụng dầu hạt cao su vào sản xuất sơn, đồng thời khai thác bã cao su sau khi ép tinh dầu để tạo ra phân bón hữu ích cho cây trồng. Nhờ những phát minh độc đáo này, cơ sở ép hạt cao su của gia đình ông phát triển nhanh chóng. Sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường mạnh mẽ, khiến ông không kịp cung ứng đủ cho khách hàng.

Cựu chiến binh lừng lẫy Việt Nam từng xây hầm giấu vàng, làm từ thiện hàng nghìn tỷ, 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - ảnh 3

Doanh nhân Lê Văn Kiểm (Ảnh: Vietnamnet)

Dấu ấn đất nước đổi mới năm 1986 đã giúp doanh nhân Lê văn Kiểm thành lập Công ty TNHH Huy Hoàng (sau là Công ty Cổ phần May và Xây dựng Huy Hoàng), một trong những công ty tư nhân ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Từ đó, với sự tập trung đầu tư vào dây chuyền và thiết bị hiện đại, Huy Hoàng đã trở thành doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc quy mô lớn và hiện đại nhất cả nước, đồng thời là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được phép xuất khẩu trực tiếp hàng may mặc ra thị trường quốc tế.

Theo thông tin trên Vietnamnet, khi có điều kiện tài chính vững vàng, ông đã không ngần ngại chi tiền để đầu tư cho cuộc sống gia đình. Ông mua thêm hai chiếc xe tải, một ngôi nhà mới ở số 9 Nơ Trang Long, Bình Thạnh, và bắt đầu tích trữ vàng. Để bảo vệ tài sản quý giá của mình, ông đã xây dựng một hầm trong nhà và xây dựng một chuồng gấu ngựa phía trên. Mỗi đêm, khi thợ về, ông cho chất vàng vào hầm để giấu, đồng thời nuôi hai con gấu ngựa như một cách bảo vệ tài sản của mình.

Giai đoạn 1987 – 1996, tên tuổi của doanh nghiệp Huy Hoàng và doanh nhân Lê Văn Kiểm đã trở thành hiện tượng, xây dựng được một thương hiệu uy tín không chỉ tại Việt Nam mà còn vươn ra khắp châu Âu.

Khi tên tuổi của doanh nhân Lê Văn Kiểm đã vững vàng trên thương trường, ông tiếp tục mở rộng hoạt động sang lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và xây dựng nhà cửa. Với tầm nhìn xa và chiến lược đầu tư mạnh mẽ, ông đã triển khai hàng chục dự án quy mô lớn, trong đó có những dự án có vốn đầu tư lên đến hàng chục triệu USD.

Theo VietnamFinance, năm 1993, ông Lê Văn Kiểm cùng một số cổ đông sáng lập Ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh Việt Nam (VPBank). Với số vốn góp lớn nhất, ông được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT của ngân hàng. Chưa dừng lại ở đó, năm 1994, ông tiếp tục tham gia thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Châu Á Thái Bình Dương (A P Bank), cũng với vai trò cổ đông lớn nhất và được bầu làm Chủ tịch HĐQT. 

Bất ngờ, cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Á vào năm 1996 – 1997 đã tàn phá nhiều doanh nghiệp, trong đó có Công ty Huy Hoàng. Hàng loạt hợp đồng xuất khẩu bị hủy, hàng chục triệu USD tiền hàng không được thanh toán, khiến toàn bộ tài sản của ông và gia đình rơi vào tình trạng đóng băng.

Trước nguy cơ phá sản, ông Lê Văn Kiểm đã không chịu khuất phục. Ông quyết định gửi một bức tâm thư đến các lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, đề xuất những giải pháp khả thi để xử lý các khoản nợ.

Từ đó, ánh sáng cho một hành trình mới đã mở ra, giúp Công ty Huy Hoàng vượt qua cơn khủng hoảng và phục hồi mạnh mẽ. Việc cho phép thí điểm giãn nợ để củng cố sản xuất, đồng thời không hình sự hóa những khó khăn của doanh nghiệp bởi hoàn cảnh khách quan trong quá trình sản xuất kinh doanh, đã giúp Công ty Huy Hoàng trả hết số nợ đọng, cả gốc và lãi, chỉ sau 3 năm, duy trì ổn định công ăn việc làm cho hơn 2.000 công nhân công ty.

Khi đất nước dần bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, doanh nhân Lê Văn Kiểm đã tiếp tục khẳng định tài năng và kinh nghiệm của mình bằng một quyết định táo bạo: kinh doanh sân golf. Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành ra đời, được xem là bước đột phá của ông trong lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ.

Với diện tích rộng tới 1.200ha, sân golf Long Thành không chỉ đơn thuần là một sân chơi thể thao. Ông đã phát triển nơi đây thành một khu đô thị nghỉ dưỡng thể thao – du lịch sinh thái, quy tụ hàng nghìn biệt thự, các siêu thị, trường học, bệnh viện quốc tế và khu nghỉ dưỡng cao cấp, tạo thành một điểm đến lý tưởng cho cộng đồng và du khách trong và ngoài nước.

Chủ sân Golf Long Thành và doanh nghiệp trong hệ sinh thái KN Investment Group đang làm ăn ra sao?

Sân golf Long Thành có diện tích rộng tới 1.200ha (Ảnh: Sưu tầm)

Trải qua vô vàn khó khăn, tập đoàn của gia đình ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung đã vươn lên trở thành một doanh nghiệp đa ngành lớn mạnh. Với tầm nhìn chiến lược và sự tiên phong trong nhiều lĩnh vực, cả trong và ngoài nước, họ đã xây dựng được dấu ấn vững chắc trong các ngành như sân golf, bất động sản, nghỉ dưỡng, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và khu công nghiệp thế hệ mới.

"Lọt top" anh hùng từ thiện hào phóng nhất khu vực

Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước loạn lạc, chiến tranh và nghèo khó, ông Lê Văn Kiểm cùng người vợ thân yêu - bà Trần Cẩm Nhung, thấu hiểu sâu sắc nỗi vất vả và thiếu thốn. Lớn lên nhờ sự nghĩa tình của đất nước và nhân dân, ông bà luôn canh cánh trong lòng mong muốn được trao đi và chia sẻ những gì có thể với những mảnh đời bất hạnh, thiệt thòi.

Không chỉ thành lập và điều hành các quỹ từ thiện, quỹ khuyến học của gia đình, vợ chồng ông bà còn luôn tích cực tham gia vào các dự án thiện nguyện do Đảng, Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ phát động. Một số quỹ từ thiện tiêu biểu mà họ tham gia có thể kể đến như: Quỹ khuyến học cho con cháu cựu chiến binh Việt Nam, Quỹ học bổng “Trần Cẩm Nhung - Chắp cánh ước mơ”, Chương trình “sữa học đường”…

Là một cựu chiến binh, doanh nhân Lê Văn Kiểm đã không ngừng cống hiến cho cộng đồng. Từ đầu năm 2018 đến tháng 4/2019, ông đã quyên góp gần 116 tỷ đồng để hỗ trợ các cựu chiến binh. Bên cạnh đó, ông cũng đã trao tặng hơn 464 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Nhật Bản.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành của ông đã quyên góp 500 tỷ đồng cho Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19. 

Đại gia Việt là cựu chiến binh, hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động: Tiền nhiều không đếm xuể, phải xây hầm giấu vàng

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thànhđã quyên góp 500 tỷ đồng (Ảnh sưu tầm)

 

Tính đến nay, vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm đã ủng hộ các chương trình đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội trong và ngoài nước với tổng số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Theo thông tin trên Báo điện tử VTV, với những cống hiến và đóng góp không ngừng nghỉ cho cộng đồng, ông Lê Văn Kiểm và gia đình đã nhận được sự ghi nhận xứng đáng từ Nhà nước và các tổ chức xã hội uy tín trong và ngoài nước. Ông đã vinh dự được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có "Gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".

Năm 2019, ông và bà Trần Cẩm Nhung được Tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách 30 Anh hùng từ thiện Châu Á – Thái Bình Dương. Trong danh sách này, ông đứng thứ 7 trong số những anh hùng từ thiện hào phóng nhất khu vực.

Ông Lê Văn Kiểm đã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2008 và 2020. Đặc biệt, lần phong tặng thứ hai càng thêm ý nghĩa khi bà Trần Cẩm Nhung, vợ ông, cũng được trao tặng danh hiệu cao quý này.

Đại gia Việt là cựu chiến binh, hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động: Tiền nhiều không đếm xuể, phải xây hầm giấu vàng

Vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm là cặp vợ chồng đầu tiên cùng được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. (Ảnh: Internet)

Ông bà trở thành cặp vợ chồng đầu tiên trong lịch sử cùng được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, một dấu mốc đặc biệt trong sự nghiệp và cuộc đời họ.