Giải quyết dứt điểm quyền lợi của hơn 200.000 lao động bị nợ BHXH
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thời điểm cuối năm 2021, có khoảng 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu… Điều này dẫn đến việc họ bị treo quyền lợi về BHXH.
Bị “treo” quyền lợi bảo hiểm xã hội
Đối với 200.000 trường hợp trên, hiện nay, mới xử lý tạm thời đóng BHXH đến đâu được hưởng đến đó; còn quyền lợi tiếp theo do người lao động bị ngắt quãng đóng BHXH là rất khó khăn.
Hơn 200 người từng làm tại Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG (tỉnh Bắc Giang) đang là những trường hợp bị “treo” quyền lợi BHXH do chủ bỏ trốn. Những công nhân này bị nợ lương, BHXH hàng tỉ đồng sau khi tổng giám đốc người Hàn Quốc của công ty về nước tháng 8.2023 nhưng sau đó không trở lại.
Ngày 11.7, gần 1 năm sau khi vụ việc xảy ra, chị Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1975, nguyên là công nhân Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG) cho biết, trường hợp của chị và các công nhân khác vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Chị vẫn bị “treo” 8 tháng nợ BHXH.
Trước khi giám đốc công ty về Hàn Quốc rồi không thấy quay lại, chị Huyền có 11 năm, 4 tháng đóng BHXH. Vừa qua, Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua có quy định từ ngày 1.7.2025 giảm số năm đóng BHXH tối thiểu được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. “Năm nay tôi 50 tuổi. Nếu không giải quyết dứt điểm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết lương hưu sau này” - chị Huyền nói.
“Tôi từng có mong muốn tự bỏ tiền ra để đóng nốt 8 tháng nợ BHXH trên, nhưng cơ quan BHXH không chấp nhận vì không đúng quy định. Bây giờ tôi không biết hướng giải quyết như thế nào” - nữ công nhân chia sẻ.
Mới đây, chị Huyền đã đi làm công nhân vệ sinh cho một công ty, được ký hợp đồng lao động, được đóng BHXH. Khi nghe thông tin về hướng giải quyết dùng nguồn tiền từ nguồn thu xử lý chậm đóng, trốn đóng để giải quyết những trường hợp bị nợ BHXH như chị, chị rất mừng và hy vọng. “Nếu được như vậy, những trường hợp như của tôi sẽ được giải quyết dứt điểm để có quá trình đóng BHXH liên tục, không còn vướng mắc gì mà sẽ yên tâm làm việc để tiếp tục đóng BHXH cho đến khi đủ điều kiện được nghỉ hưu” - chị Huyền cho hay.
Mong giải quyết sớm để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho NLĐ
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Mạnh Cường - Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) - cho biết, cho đến thời điểm này, hầu hết các công nhân của Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG đã đi làm ở nơi khác. Theo ông Cường, công nhân đã được “chốt” đóng BHXH đến tháng 2.2023 và trả 1 phần lương bị nợ.
“Tuy nhiên, công nhân lao động vẫn bị nợ đóng BHXH. Hiện công ty không còn tài sản, giám đốc đã bỏ trốn về Hàn Quốc nên chưa có hướng giải quyết quãng thời gian bị nợ này” - Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Việt Yên thông tin.
Khi nghe hướng xử lý lấy nguồn kinh phí từ nguồn thu xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH để đóng BHXH cho NLĐ trong những trường hợp như trên, ông Cường bày tỏ ủng hộ, cho rằng, có tính khả thi, có thể thực hiện được. “Nếu triển khai sẽ giúp đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động, như những trường hợp tại Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG” - ông Cường chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch CĐCS công ty về lĩnh vực điện tử thuộc huyện Mê Linh (Hà Nội) cho hay, hiện nay tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp vẫn diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến tâm lý và quyền lợi của người lao động.
“Nhiều lần tôi đã phản ánh nên có chế tài xử lý mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp nợ đọng, chậm đóng BHXH, vì tôi hiểu vấn đề này ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động như các chế độ, chính sách ốm đau, thai sản” - ông Nhân nói và cho biết thêm, nhiều năm làm cán bộ công đoàn, ông thấy có nhiều trường hợp công ty cũ nợ BHXH, công nhân không chốt được sổ. Sau đó, người lao động đến công ty ông tiếp tục công việc, các chế độ thai sản hoặc chốt sổ BHXH gặp rất nhiều khó khăn, họ không thể nhận được đầy đủ quyền lợi của mình.
Với hướng xử lý dùng nguồn thu xử lý chậm đóng, trốn đóng để đóng phần BHXH bị nợ trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH, ông Nhân tin tưởng quyền lợi của người lao động sẽ được đảm bảo hơn.
Đồng thời, theo vị cán bộ công đoàn, Luật BHXH (sửa đổi) vừa được thông qua lần này đã có những biện pháp đủ sức răn đe, song cần sớm có hướng dẫn chi tiết để Luật được truyền thông cụ thể đến mỗi người lao động, nhất là với doanh nghiệp.
* Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội giao Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trước ngày 1.7.2024.
Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn thu xử lý chậm đóng, trốn đóng quy định tại Khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 và số tiền 0,03%/ngày thu được theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 và Khoản 1 Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người sử dụng lao động vẫn còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì thực hiện truy thu, truy đóng vào Quỹ BHXH và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
* Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông BHXH TP Hà Nội - cho biết, việc doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khiến cuộc sống của người lao động khó khăn hơn rất nhiều.
Đó là người lao động không dược hưởng các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản tai nạn lao động nghề nghiệp. Hoặc việc đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng tiền BHYT từ 30 ngày trở lên thì thẻ BHYT của người lao động sẽ hết giá trị sử dụng. Khi đó, người lao động sẽ không được hưởng các quyền lợi về BHYT khi đi khám, chữa bệnh.
Mặt khác, việc chậm, trốn đóng BHXH cũng sẽ ảnh hưởng đến xác nhận quá trình tham gia BHXH.