HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

'Vạn Thịnh Phát là vụ án lớn nhất trong lịch sử thi hành án'

Huy Hoàng

Tổng số tiền cả hai giai đoạn mà Cơ quan Thi hành án TP. HCM phải thực hiện là trên 50.000 tỷ đồng, tương đương 1/3 tổng số tiền thi hành án trong năm 2024.

Chiều 11/12, tại TP. HCM, Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tư pháp và thi hành án dân sự trên địa bàn. Buổi làm việc có sự đồng chủ trì của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nhận định, vụ Vạn Thịnh Phát là vụ việc lớn nhất trong lịch sử thi hành án tại Việt Nam. Theo bản án giai đoạn 1, bà Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 673.000 tỷ đồng, đồng thời giao SCB tiếp tục quản lý và xử lý 1.121 mã tài sản để đảm bảo cho 1.243 khoản vay. Cơ quan Thi hành án TP. HCM phải tổ chức thi hành số tiền 22.742 tỷ đồng, xử lý 1.084 bất động sản, hơn 1 tỷ cổ phần và các tài khoản đã phong tỏa.

'Vạn Thịnh Phát là vụ án lớn nhất trong lịch sử thi hành án' - ảnh 1
Vụ án Vạn Thịnh Phát là vụ việc lớn nhất trong lịch sử thi hành án tại Việt Nam

Ở giai đoạn 2, tổng nghĩa vụ thi hành án là 31.139 tỷ đồng, với số người được thi hành án lên đến 43.000 người.

Như vậy, tổng số tiền cả hai giai đoạn mà Cơ quan Thi hành án TP.HCM phải thực hiện là trên 50.000 tỷ đồng, tương đương 1/3 tổng số tiền thi hành án trong năm 2024. Đây là khối lượng công việc và tài sản khổng lồ, đặt ra thách thức rất lớn cho công tác thi hành án dân sự.

Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, tòa án và viện kiểm sát để rà soát kỹ lưỡng vật chứng, tài sản, cũng như đảm bảo hồ sơ thi hành án chính xác theo phán quyết của tòa. Điều này nhằm tránh việc phải bổ sung hoặc giải thích lại trong quá trình thi hành án.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng chủ động nghiên cứu, giải quyết các vướng mắc pháp lý phát sinh trong các giai đoạn từ thụ lý, ra quyết định, thông báo, đến thanh toán thi hành án, đảm bảo quá trình diễn ra kịp thời và hiệu quả. Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã xin chủ trương và nhận được sự đồng ý từ Ban Chỉ đạo Trung ương và Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành để tổ chức thi hành án và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong vụ án.

Về vụ án Vạn Thịnh Phát, ngày 3/12 vừa qua, TAND Cấp cao tại TP. HCM đã tuyên bố bản án với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 đồng phạm. Theo phán quyết, Tòa tuyên y án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan về tội Tham ô tài sản, 16 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, 20 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt là tử hình.


Ý kiến bạn đọc