Hệ sinh thái phía sau Giám đốc Công ty vàng Phú Quý trong đường dây buôn lậu 310kg vàng vừa bị truy tố
Ông Lê Xuân Tùng, Giám đốc Công ty vàng Phú Quý vừa bị truy tố, còn là người góp vốn, đại diện cho rất nhiều doanh nghiệp khác.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 25 bị can trong vụ án Buôn lậu và Trốn thuế xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Vụ án có liên quan đến CTCP Đầu tư Vàng Phú Quý, và nhiều chủ tiệm vàng cũng bị truy tố.
Hệ sinh thái liên quan Lê Xuân Tùng - Giám đốc Công ty Vàng Phú Quý
Liên quan vụ án, có 2 bị can bị truy tố về tội Trốn thuế là Lê Xuân Tùng (sinh năm 1980), Giám đốc Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý, và Lê Thúy Quỳnh (sinh năm 1979), Kế toán trưởng công ty.
Theo kết quả điều tra, để giảm số tiền thuế phải nộp, bị can Lê Xuân Tùng đã chỉ đạo Lê Thúy Quỳnh không hạch toán đầy đủ các khoản thu trên sổ kế toán và phần mềm quản lý tài chính. Điều này dẫn đến kê khai sai doanh thu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, Quỳnh đã chỉnh sửa, lược bỏ một số giao dịch mua bán vàng để giảm số thuế phải nộp, gây thiệt hại thêm 509 triệu đồng.
Ông Lê Xuân Tùng là một cái tên nổi bật trong lĩnh vực vàng trang sức tại Hà Nội, không chỉ giữ vai trò Giám đốc Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý mà còn tham gia quản lý và sở hữu nhiều doanh nghiệp khác:
- CTCP Đầu tư vàng Phú Quý, đơn vị liên quan mật thiết với hành vi trốn thuế trong vụ án, thành lập tháng 1/2008, do ông Lê Xuân Tùng, sinh năm 1980, làm người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc.
Công ty có vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng, trong đó ông Lê Xuân Tùng góp 60%; Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Phú Quý góp 30%; 2 cổ đông cá nhân còn lại là bà Lê Thị Bích Diệp (cùng địa chỉ với ông Tùng) góp 10% và ông Phạm Hải Âu đã chuyển nhượng.
Tháng 10/2014 công ty tăng vốn lên thành 250 tỷ đồng. Sau đó, đến tháng 9/2017 công ty cập nhật thông tin thay đổi cơ cấu sở hữu, ông Tùng nâng tỷ lệ sở hữu lên 80%; bà Bích Diệp giảm chuyển hết cổ phần và Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý còn 12%.
- Công ty TNHH Vàng Bạc Đá Quý Phú Quý, thành lập năm 2003, – ban đầu có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, do ông Tùng và bà Phạm Thùy Anh góp vốn, sau đó ông Tùng nâng tỷ lệ sở hữu lên 99% vào năm 2024. Đây là công ty góp vốn thành lập nên Công ty Đầu tư vàng Phú Quý liên quan vụ án.
Một năm trước, tháng 1/2024, ông Lê Xuân Tùng tăng tỷ lệ sở hữu lên 99%, 1% còn lại của bà Thùy Anh. Cuối năm 2024, ông Nguyễn Vũ Tùng, sinh năm 1979 làm Giám đốc.
- Công ty Cổ phần Kiểm định Vàng Bạc Đá Quý Việt Nam thành lập năm 2015 – nơi ông Tùng tiếp quản vị trí Tổng Giám đốc từ tháng 6/2024.
- Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Hinh (thành lập năm 2021) – ông Tùng là Chủ tịch HĐQT, sở hữu 33% vốn điều lệ.
- Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Quý và Công ty Cổ phần Xây dựng & Phát triển Bất động sản Đất Việt cũng do ông Tùng làm đại diện pháp luật.

Đường dây buôn lậu 310kg vàng khiến nhiều chủ tiệm vàng bị khởi tố
Trong kết luận điều tra, Cơ quan Công an xác định Nguyễn Thị Hóa (sinh năm 1972) và em chồng là Nguyễn Thị Gái (sinh năm 1970), là hai kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam.
Từ ngày 22/12/2022 đến 13/6/2024, nhóm đối tượng này đã buôn lậu 310kg vàng, với tổng trị giá hơn 454 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Thị Hóa là người điều hành việc nhập lậu vàng từ Lào về Việt Nam, sau đó bán lại cho nhiều tiệm vàng lớn ở Hà Nội. Còn Nguyễn Thị Gái trực tiếp theo dõi các giao dịch và nhận tiền thanh toán từ các chủ tiệm vàng.
Nhiều người quản lý, chủ tiệm vàng lớn cũng bị truy tố, trong đó có quản lý tiệm vàng Minh Hưng, Kim Linh và chủ các tiệm Minh Phúc, Nhật Vượng, Tuấn Quang, Tuân Đức. Lời khai của các bị can cho thấy, dù biết rõ vàng được nhập lậu, họ vẫn mua số lượng lớn để bán cho khách hàng và sử dụng làm nguyên liệu chế tác trang sức.