HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ngành thủy sản cần gì để chinh phục mục tiêu 14-16 tỷ USD?

A.Vu

(Thị trường tài chính) - Ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao, và biến đổi khí hậu, trong khi mục tiêu xuất khẩu 14-16 tỷ USD vào năm 2030 đòi hỏi tăng trưởng 10-15% mỗi năm.

Chiều 27/12, tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và chỉ đạo. Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đã có bài tham luận quan trọng về việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp mới nhằm đưa kim ngạch xuất khẩu cán mốc 14-16 tỷ USD vào năm 2030.

Theo ông Nam, mặc dù ngành thủy sản đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu vẫn chỉ dao động từ 8-10 tỷ USD/năm trong vòng 5-6 năm qua, ngoại trừ năm 2022. Điều này đặt ra một thách thức lớn khi chiến lược phát triển ngành đến năm 2030 yêu cầu mức tăng trưởng 10-15% mỗi năm.

Ngành thủy sản cần gì để chinh phục mục tiêu 14-16 tỷ USD? - ảnh 1
Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu cán mốc 14-16 tỷ USD vào năm 2030.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định với lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao, cạnh tranh quốc tế và biến đổi khí hậu, ngành thủy sản Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới để giữ vững thị phần và đạt được các mục tiêu dài hạn.

Ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh rằng ngư dân và nông dân nuôi trồng thủy sản là lực lượng nòng cốt của ngành. Tuy nhiên, họ đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ chi phí đầu tư, quy định pháp lý phức tạp, đến việc tiếp cận tín dụng.

Để giải quyết các vấn đề này, ông Nam đề xuất:

Hỗ trợ ngư dân khai thác bền vững: Xây dựng chợ đấu giá nhằm đảm bảo giá tốt nhất và minh bạch dữ liệu truy xuất nguồn gốc; Rà soát quy định về vùng khai thác và kích thước khai thác tối thiểu.; Khai thông xuất khẩu các sản phẩm như ruốc sang EU để tăng thu nhập cho ngư dân; Thành lập các tập đoàn lớn hợp tác khai thác biển để mở rộng phạm vi hoạt động và tạo động lực mới.

 

Hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản: Rà soát quy định pháp luật để người dân có thể vay vốn bằng tài sản thế chấp; Cấp giấy phép sử dụng mặt nước (như “sổ đỏ”) để người dân dễ dàng tiếp cận các quỹ tín dụng; Kiểm soát chất lượng con giống, ưu tiên phát triển giống cá tra và tôm chất lượng cao; Tận dụng đất và mặt nước cho nuôi trồng thủy sản thay vì chuyển đổi mục đích sử dụng cho du lịch hoặc đô thị.

Tăng cường tín dụng và bảo hiểm: Tiếp tục các gói tín dụng xuất khẩu cho lâm-thủy sản; Đẩy mạnh bảo hiểm nông nghiệp để chia sẻ rủi ro với nông dân trong trường hợp thiên tai, biến đổi khí hậu; Hỗ trợ doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, ông Nam nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế.

Ngoại giao kinh tế và mở rộng thị trường: Đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc và EU để gỡ bỏ rào cản thuế quan và mở rộng thị phần; Tăng cường xúc tiến thương mại tại khu vực Trung Đông và ASEAN; Tổ chức ngày thủy sản Việt Nam tại các thị trường quốc tế như ASEAN, Nhật Bản, và Hàn Quốc.

Cải cách thủ tục hành chính: Đơn giản hóa các thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; Ứng dụng chuyển đổi số để tối ưu hóa quy trình xuất nhập khẩu, giảm thiểu thời gian và chi phí.

Ông Nam nhấn mạnh rằng ngành thủy sản cần chú trọng kiểm soát và trung hòa phát thải, đồng thời tập trung vào chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu mà còn là chìa khóa để ngành phát triển bền vững.