Lừa đổi tiền mới, chiếm đoạt hơn 13,5 tỷ đồng của các bị hại
Thị trường tài chính- Do nợ nần, cần tiền để tiêu xài và trả nợ cá nhân, Phương đưa ra các thông tin gian dối, giới thiệu bố mẹ và người nhà của Phương hiện đang làm việc tại Nhà máy in tiền Quốc gia, có quan hệ với cán bộ của nhà máy in tiền, có thể đổi được các loại tiền mới, không mất phí.
Bị cáo tại tòa. Ảnh: N.N |
TAND TP Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử bị cáo Hoàng Như Phương, SN 1988, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng, Phương có bố mẹ từng công tác ở Nhà máy in tiền Quốc gia nhưng đã nghỉ hưu. Qua mạng xã hội, Phương quen biết anh T.Đ.T, SN 1990, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Anh T chuyên dịch vụ đổi tiền cũ lấy tiền mới.
Do nợ nần, cần tiền để tiêu xài và trả nợ cá nhân, Phương đưa ra các thông tin gian dối, giới thiệu bố mẹ và người nhà của Phương hiện đang làm việc tại Nhà máy in tiền Quốc gia, có quan hệ với cán bộ của nhà máy in tiền, có thể đổi được các loại tiền mới, không mất phí. Anh T và một số người đã tin tưởng, chuyển tiền cho Phương. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Phương chỉ sử dụng một phần để đổi tiền mới để trả cho những người bị hại nhằm tạo sự tin tưởng, để bị hại chuyển thêm tiền cho Phương, rồi chiếm đoạt.
CQCA làm rõ, từ ngày 9/9/2020 đến tháng 1/2022, Phương gây ra 7 vụ chiếm đoạt của các bị hại hơn 13,7 tỷ đồng. Cụ thể, từ năm 2013 đến năm 2015, chị L.T.T.H, SN 1985, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, với Hoàng Như Phương là đồng nghiệp. Khoảng cuối năm 2021, Phương nói với chị H, có bạn làm ở nhà máy in tiền, cần chạy chỉ tiêu đổi tiền mới, không mất phí nên nhờ mọi người đổi giúp. Do đó, chị H đã nhờ Phương đổi tiền. Chị H còn giới thiệu anh N.V.T, SN 1981, trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội; chị N.T.T.Ng, SN 1991, quê Thanh Hóa, cùng nhờ Phương đổi tiền mới.
Từ ngày 22/1/2022 đến ngày 25/1/2022, chị H chuyển cho Phương hơn 90 triệu đồng để đổi tiền mới. Sau đó, Phương đổi tiền mới cho chị H với số tiền hơn 20 triệu đồng, còn lại 73 triệu đồng, Phương chiếm đoạt. Ngoài ra, Phương còn rủ chị H đầu tư kinh doanh dịch vụ đổi tiền mới lấy lãi. Tưởng Phương kinh doanh dịch vụ đổi tiền mới, chị H đã chuyển gần 800 triệu đồng cho Phương. Thực tế, sau khi nhận tiền, Phương không kinh doanh như đã hứa mà sử dụng vào việc trả nợ cá nhân.
Quá trình điều tra, xác định số tiền Hoàng Như Phương chiếm đoạt của chị H là hơn 870 triệu đồng. Chị H yêu cầu Phương bồi thường số tiền trên. Phương còn lừa đảo, chiếm đoạt tiền của bạn học thông qua việc rủ đầu tư kinh doanh dịch vụ đổi tiền mới lấy lãi.
CQCA kết luận, Hoàng Như Phương và anh N.T.T, SN 1987, là bạn bè học cùng phổ thông, chơi thân với nhau. Phương nói có bố mẹ làm công nhân nhà máy in tiền, có quan hệ với kế toán nhà máy, có thể đổi được tiền mới và có khách đổi tiền mới nên rủ anh T góp vốn làm ăn, có trả lãi 3.000 đồng/triệu/ngày trong vòng một tuần. Nghe Phương nói, anh T đồng ý.
Từ ngày 19/9/2020 đến ngày 10/9/2021, anh T đã chuyển cho Phương hơn 38,7 tỷ đồng. Sau đó, Phương đã chuyển lại cho anh T tổng số hơn 35,6 tỷ đồng. Ngoài ra, bố mẹ Phương còn trực tiếp đưa cho anh T số tiền 1 tỷ đồng để trả thay cho con gái. Quá trình điều tra, xác định số tiền Phương chiếm đoạt của anh T là gần 2 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Phương thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bởi vậy, HĐXX của TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Chỉ có Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới có thẩm quyền đổi tiền. Như vậy, hành vi đổi tiền lẻ, tiền mới lì xì để kiếm lời của cá nhân, tổ chức sẽ vi phạm pháp luật. Căn cứ vào khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, việc đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch, đổi tiền để có phí,... là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt đến từ 20 đến 40 triệu đồng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với hành vi trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân còn mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. |