Dồi dào hàng Việt phục vụ Tết Giáp Thìn 2024
(Thị trường tài chính) - Sở Công Thương Hà Nội cũng như nhiều doanh nghiệp lớn như Saigon Co.opmart, BRG Hapro… đang tập trung triển khai các giải pháp dự trữ, bình ổn nhằm bảo đảm nguồn cung hàng Việt an toàn, chất lượng với giá cả hợp lý phục vụ người tiêu dùng Thủ đô trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Chiều 6/12, báo Kinh tế và Đô thị tổ chức tọa đàm trực tuyến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chủ đề “Dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán”.
Kho hàng Việt khổng lồ phục vụ Tết
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp, thời điểm những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa trong nhân dân thường tăng cao. Vấn đề cung cầu, giá bán và chất lượng sản phẩm hàng hóa được Sở Công Thương đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Để chuẩn bị tốt nhất cho thị trường Tết 2024, ngay từ đầu năm, Sở đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết phục vụ nhân dân trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết 2024 (thời gian thực hiện từ tháng 7/2023 đến hết tháng 6/2024).
Đến nay, Sở Công Thương đã vận động được 27 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, TP tham gia, thực hiện cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường tới hơn 14.000 điểm bán trên toàn TP. Cùng với đó, tiếp tục chủ động theo dõi sát thông tin tình hình thị trường và xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm giám đốc marketing Saigon Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024, đơn vị đã triển khai công tác dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu ngay từ giữa năm 2023.
Theo đó, tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 của Saigon Co.opmart lên đến hơn 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20 - 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường.
Bà Đỗ Tuệ Tâm - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, để chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân dịp Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp đã tăng khối lượng hàng hóa dự trữ gấp 3 lần. 42 điểm bán hàng trên địa bàn Hà Nội sẽ được vận hành liên tục cho đến cuối ngày 30 Tết và bắt đầu trở lại phục vụ người dân từ mùng 3 Tết Giáp Thìn 2024.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa, phần lớn ngân sách của các đơn vị sẽ được ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường. Trong số này có: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, hải sản…
Kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa
Bên cạnh nguồn hàng dồi dào, việc bảo đảm chất lượng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng Thủ đô cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Ông Ngô Mạnh Hoàng - Phó trưởng phòng Thanh tra pháp chế (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ được thực hiện vào dịp Tết, mà được đơn vị triển khai thường xuyên trong năm.
“Hiện nay, Cục đã có văn bản chỉ đạo các Đội quản lý thị trường kiểm soát chặt các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, nhất là các sản phẩm thiết yếu, được dự báo có nhu cầu tiêu thụ tăng trong dịp Tết Giáp Thìn 2024. Cục cũng đã thành lập 2 đoàn liên ngành để thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm…” - ông ngô Mạnh Hoàng thông tin thêm.
Chia sẻ thêm về công tác quản lý chất lượng hàng Việt, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng phục vụ Tết, đơn vị tăng cường tần suất kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại hệ thống lên gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.
Các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là nhóm hàng phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, giò chả, rau củ qua, trái cây… được kiểm tra chất lượng ngày tại trung tâm phâp phối và test nhanh trước khi lên quầy kệ tại siêu thị. Các chỉ tiêu kiểm tra cũng rất đa dạng, bảo đảm không để phát sinh vấn đề về an toàn thực phẩm như: kháng sinh trong thủy hải sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiêu vi sinh, chất tăng trọng, hàn the, formal, chất tẩy trắng…
Được biết, hiện nay Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có số diện thoại hotline tiếp nhận thông tin phản ánh về chất lượng hàng hóa. Đơn vị này cũng đang phối hợp khá chặt chẽ với các doanh nghiệp và cơ quan thông tấn báo chí để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm. Thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng được biết, tránh không dùng sản phẩm.
Mặc dù vậy, để công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa được thực hiện hiệu quả hơn, ôg Ngô Mạnh Hoàng kiến nghị các cấp tiếp tục hoàn thiện văn quản dưới Luật. Thêm nữa, các cơ quan chức năng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình xử lý vi phạm về chất lượng hàng hóa, tránh để ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Lan tỏa ý nghĩa lớn của cuộc vận động
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn, trong những năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được triển khai có hiệu quả. Đông đảo người tiêu dùng đã biết đến cuộc vận động và ủng hộ, sử dụng hàng Việt có chất lượng cao.
Để thúc đẩy hiệu quả của cuộc vận động, theo ông Phạm Anh Tuấn, một trong những giải pháp cần được quan tâm là đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ tiêu thụ cho các doanh nghiệp. Đối với vấn đề này, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đặc biệt quan tâm thông qua việc duy trì triển khai Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.
“Qua mỗi năm, Ban tổ chức Cuộc vận động luôn cố gắng để có những điểm mới nhằm lựa chọn được những sản phẩm chất lượng. Qua đó, khích lệ, động viên doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng…” - ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
Bà Đỗ Tuệ Tâm - Phó Tổng giám đốc Hapro cho biết, doanh nghiệp đã nhiều năm liền tham gia Chương trình bình chọn và vinh dự nhiều lần được tôn vinh. “Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp được lan tỏa sức mạnh đến cộng đồng, qua đó giúp đem lại doanh thu tăng 15 - 20% trong 3 - 4 năm gần đây…” - bà Tâm chia sẻ thêm.
Theo Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi, thời gian qua, hàng Việt ngày càng khẳng định vai trò của mình trong nước và quốc tế. Trong nước, trên các kệ siêu thị hay các cửa hàng tạp hóa, các chợ dân sinh, hàng Việt đã chiếm ưu thế và được đa số người tiêu dùng Việt lựa chọn.
Trên các kệ hàng quốc tế, hàng Việt cũng ngày càng khẳng định vị thế của mình. Các sản phẩm Việt xuất khẩu từ nông sản, thực phẩm đến đồ gia dụng, dệt may, da giày, nội thất... đã chinh phục nhiều thị trường khó tính như Pháp, Nhật Bản, Italia…. Câu chuyện vải thiều Bắc Giang gây sốt tại Nhật với cái giá cực đắt 12 quả bán 1 triệu đồng mấy năm gần đây đã không còn xa lạ.
Có thể thấy, hàng Việt đã và đang ngày càng khẳng định vị thế của mình cả trong nước lẫn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, hàng Việt cũng đứng trước rất nhiều thách thức để giữ vững thị phần.Làm sao để hàng Việt được lòng người Việt nhiều hơn, làm sao để hàng Việt không chỉ vững chân trên sân nhà mà còn đứng tự hào trên các kệ hàng quốc tế là câu hỏi đặt ra.
Thông qua Tọa đàm trực tuyến tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chủ đề “Dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” trên địa bàn Hà Nội, báo Kinh tế và Đô thị hy vọng sẽ góp thêm tiếng nói tạo dựng sự đồng thuận trong xã hội về cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”, để người dân hiểu sâu hơn đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và TP Hà Nội cũng như những nỗ lực của doanh nghiệp.
“Thời gian tới, để người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt, Ban chỉ đạo Cuộc vận động TP Hà Nội xác định nhiệm vụ hàng đầu vẫn là công tác tuyên truyền. Cùng với đó, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác tuyên truyền về cuộc vận động; vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam” - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn.