Chung cư C7 Giảng Võ (Hà Nội): Nhiều quy định mới liên quan đến phí dịch vụ bị cư dân phản ứng
(Thị trường tài chính) - Một số cư dân sống tại chung cư C7 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội đã bày tỏ bức xúc về loạt quy định mới liên quan đến phí dịch vụ mà Ban Quản trị ban hành. Một số người không chấp hành thì bị cắt nước, khoá xe khiến mâu thuẫn thêm lên cao.
Phân hạng cư dân, áp phí gửi xe theo phân hạng
Chung cư C7 Giảng Võ nằm trên đường Trần Huy Liệu, được đưa vào sử dụng từ năm 2016 sau khi xây dựng lại từ nền móng của khu tập thể cũ xuống cấp trầm trọng. Với 18 tầng và hai tầng hầm, tòa nhà gồm 125 căn hộ được hưởng lợi từ không gian cho thuê thương mại ở tầng trệt và bãi đỗ xe.
Nhờ các khoản thu nhập ổn định này, từ khi hoàn thành đến hết tháng 8/2024, cư dân không phải đóng phí quản lý, và mức phí gửi xe cũng hợp lý: 90.000 đồng/xe máy/tháng và 1,5 triệu đồng/ôtô/tháng.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 9/2024, Ban Quản trị tòa nhà phát hành một bản Nội quy quản lý mới. Theo đó, cư dân bị chia thành các nhóm khác nhau với mức phí gửi xe phân biệt rõ rệt.
Chủ sở hữu căn hộ chính chủ (nhóm 1) được giữ nguyên mức phí cũ: 90.000 đồng/xe máy/tháng và 1,5 triệu đồng/ôtô/tháng. Trong khi đó, những người thuê nhà hoặc người không sở hữu chính chủ (nhóm 2) bị áp phí cao hơn: 200.000 đồng/xe máy/tháng và 2 triệu đồng/ôtô/tháng, với điều kiện "còn chỗ trống". Người không có hợp đồng thuê rõ ràng hoặc không chính chủ (nhóm 3) phải chịu mức phí 250.000 đồng/xe máy và 2,5 triệu đồng/ôtô mỗi tháng.
Anh T., một người mới chuyển đến vào cuối tháng 9/2024, cho biết: “Gia đình tôi không được chủ nhà cũ thông báo về mức phí mới. Ban Quản trị cũng không có phương thức nào để phổ biến nội quy đến những người mới. Việc này khiến chi phí sinh hoạt của gia đình tôi tăng thêm hơn 1 triệu đồng/tháng. Nếu biết có sự phân biệt như vậy, tôi đã không chọn thuê ở đây”.
Không chỉ người thuê nhà bị ảnh hưởng, ngay cả chủ sở hữu cũng đối mặt với tình huống “dở khóc dở cười”. Nhiều người mua ô tô hoặc xe máy nhưng chưa sang tên chính chủ, giờ phải trả mức phí cao. Một cặp vợ chồng già, chủ sở hữu một căn hộ, cho cháu họ là sinh viên đến ở nhờ, giờ phải gửi xe máy với giá 250.000 đồng/tháng. Người khác chỉ muốn gửi xe đạp cho con đi học cũng phải chịu mức phí cao tương tự. Trong khi đó, thực tế tầng hầm của tòa nhà vẫn còn dư chỗ để xe như trước, càng làm tăng sự bức xúc.
Một số cư dân đã không chấp nhận đóng mức phí mới, chỉ đóng theo mức cũ là 90.000 đồng/xe máy/tháng, dẫn đến những biện pháp cưỡng chế từ Ban Quản trị và đơn vị quản lý. Một số gia đình đã bị cắt nước lúc nửa đêm hoặc bị dọa khóa bánh xe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc. Xô xát giữa cư dân và người của Ban Quản lý đã xảy ra, làm không khí tại chung cư trở nên căng thẳng.
Sự căng thẳng còn gia tăng khi từ tháng 9/2024, Ban Quản trị ký hợp đồng thuê đơn vị quản lý vận hành mới là Công ty TNHH VVC Green. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ tiếp nhận công việc từ giữa tháng 9, dẫn đến những rắc rối trong quá trình thu phí.
Theo thỏa thuận giữa cư dân và Ban Quản trị, những người đã đóng phí gửi xe cho đơn vị quản lý cũ không phải đóng thêm trong tháng 9. Nhưng vì thông tin này không được phổ biến rộng rãi, nhiều người đã bị yêu cầu đóng phí hai lần, một cho đơn vị cũ và một cho đơn vị mới.
Có dấu hiệu trái luật?
Chị H., người thuê nhà từ năm 2019 cho biết, gia đình chị đã sống tại đây ổn định suốt 5 năm qua mà không gặp vấn đề gì cho đến khi Ban Quản trị mới đưa ra quy định phân biệt đối xử. Khi chị không chấp nhận mức phí gửi xe chênh lệch và không đóng khoản tiền phát sinh, chị bị Ban Quản trị gây khó dễ, như cắt nước sinh hoạt và khóa phương tiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và công việc của gia đình chị.
Theo Thông tư của Bộ Xây dựng, việc quyết định các khoản phí dịch vụ nhà chung cư phải được Hội nghị nhà chung cư thông qua và cần ít nhất 50% đại diện chủ sở hữu đồng ý sau khi bỏ phiếu.
Thông tin từ Tổ tư vấn giám sát chung cư C7 cho biết, Hội nghị nhà chung cư thường niên vào quý II/2024 không hề bàn luận hay biểu quyết về phí gửi xe. Họ chỉ biểu quyết thông qua phí quản lý chung cư. Việc Ban Quản trị tự ý đưa ra bản nội quy phân biệt cư dân mà không tổ chức thảo luận hay bỏ phiếu được cho là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Điều 44 của Thông tư cũng quy định rằng, nếu Ban Quản trị vi phạm, họ có thể bị bãi miễn hoặc xử lý hành chính. Những quy định trái luật phải được hủy bỏ, và hội nghị nhà chung cư cần được tổ chức lại để quyết định lại các vấn đề này. Chị H. cho biết, gia đình chị cùng nhiều cư dân đã gửi đơn phản ánh lên UBND phường Giảng Võ và quận Ba Đình, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra và giải quyết tình trạng bất cập.