Thuế carbon mới của EU - thách thức với thương mại toàn cầu
Thitruongtaichinh - Liên minh châu Âu (EU) đã là nơi đầu tiên trên thế giới áp thuế đối với lượng khí thải từ các hoạt động nhập khẩu sử dụng nhiều carbon, bắt đầu từ xi-măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, điện và hydro. Thuế có hiệu lực vào năm 2026, nhưng quá trình chuyển đổi đã được tiến hành
Tác động lớn
Đối với châu Âu, việc áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) đã được báo trước là một công cụ cân bằng rất cần thiết cho các công ty châu Âu, trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng khó khăn. Nhưng đây cũng là một bước quan trọng hướng tới việc phát triển định giá carbon - một biện pháp mà các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia môi trường cho là cần thiết để cắt giảm lượng khí thải nhằm nỗ lực giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5oC - mục tiêu lý tưởng của Thỏa thuận Paris 2015.
Khi CBAM lần đầu tiên được đề xuất, mối quan ngại hàng đầu của một số nhà lập pháp EU là nó sẽ vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và dẫn đến một loạt tranh chấp. Tuy nhiên, trước khi các khoản thanh toán đầu tiên được thực hiện, người ta lo ngại liệu khoản thuế này có hiệu quả hay không?
Đối với thép - chiếm 22% lượng khí thải carbon công nghiệp của EU và là ngành phải chi trả CBAM lớn nhất - nguy cơ lách luật hay “xáo trộn tài nguyên” là đặc biệt nghiêm trọng.
“Ngành thép đặt ra mức độ phức tạp cao đối với CBAM” - Hiệp hội Thép châu Âu (Eurofer) cảnh báo trong một bài xã luận về chủ đề này. Tổ chức cho biết, thép không chỉ bao gồm nhiều danh mục sản phẩm với hơn 100 mã tùy chỉnh, mà còn liên quan đến các tuyến sản xuất và lượng khí thải khác nhau được tạo ra trong quá trình sản xuất cũng như các luồng thương mại lớn.
Adolfo Aiello, Phó Tổng Giám đốc Eurofer, nói rằng các nhà sản xuất thép châu Âu có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh trên nhiều mặt trận: không chỉ từ “thép bẩn rẻ hơn”, mà còn từ “thép xanh hơn từ các nước thứ ba”. Ông cảnh báo thêm rủi ro là EU sẽ trở thành nơi có nhu cầu đặc biệt cao về “thép xanh”, đẩy “thép bẩn” sang những nơi khác, và kết quả là “sẽ tác động tiêu cực đến khí hậu”.
Một số nhà sản xuất trong EU, bao gồm tập đoàn đa quốc gia ArcelorMittal có trụ sở tại Luxembourg, hoan nghênh CBAM nhưng tin rằng kế hoạch hiện tại “có một số thiếu sót”. Các giám đốc điều hành của ArcelorMittal cho rằng khoản thuế này nên được mở rộng để bao trùm phạm vi rộng hơn các sản phẩm được sản xuất bằng một lượng lớn thép, chẳng hạn như các bộ phận được sử dụng trong máy móc.
Bỏ qua điều này được cho sẽ có nguy cơ đẩy các nhà sản xuất ở châu Âu - với nhiều công ty xây dựng cơ sở hạ tầng xanh quan trọng như tấm pin mặt trời và dây cáp điện - phải chuyển sản xuất ra ngoài EU.
Ngành năng lượng gió, vốn đòi hỏi những tấm thép lớn cho tua-bin, cũng đã lưu ý về những lo ngại này. Cơ quan công nghiệp Wind Europe cảnh báo trong một bài xã luận rằng chỉ đánh thuế nguyên liệu thô “có thể làm biến dạng chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp gió EU”.
Jose Noldin, giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp GravitHy - dự định xây dựng nhà máy “sắt xanh” đầu tiên ở Pháp sử dụng hydro làm từ các nguồn tái tạo, cảnh báo CBAM có “nguy cơ các nhà sản xuất châu Âu không chấp nhận thay đổi và bị các nhà sản xuất ở các nước khác vượt mặt”.
Nhìn chung, nhiều nhà sản xuất châu Âu lo ngại rằng CBAM có thể dẫn đến chi phí cao hơn, làm xói mòn sức hấp dẫn của khu vực và của chính họ. Xa hơn, các quan chức và giám đốc điều hành ở các quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil lo ngại rằng CBAM sẽ làm gián đoạn dòng chảy thương mại và tạo ra một hệ thống phân tầng - giữa các sản phẩm được sản xuất bằng năng lượng sạch được gửi đến EU và những sản phẩm được sản xuất bằng năng lượng truyền thống được xuất khẩu sang các nước nghèo hơn, với luật khí hậu ít nghiêm ngặt hơn.
Phản ứng của các nước
Trung Quốc đã lên tiếng phản đối nhiều biện pháp phòng vệ thương mại mà EU và Mỹ đang thực hiện, chẳng hạn như cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện của Trung Quốc - động thái mà Bắc Kinh coi là một hình thức “bảo hộ lén lút”. Đáp lại, Trung Quốc đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với rượu brandy nhập khẩu của Pháp.
Một số quốc gia khác lại đang lợi dụng sự bất mãn ngày càng tăng với CBAM như là cơ hội hiếm có. Mehmet Fatih Kacir, Bộ trưởng Công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng EU nên coi đất nước của ông là một sự thay thế đáng tin cậy cho Trung Quốc về các tấm pin mặt trời, xe điện và tua-bin gió có giá cạnh tranh.
“Nhưng do vị trí gần EU và việc gia nhập liên minh hải quan cho phép những hàng hóa đó vào thị trường chung mà không có thuế quan hoặc hạn ngạch, Thổ Nhĩ Kỳ nên được miễn CBAM” - ông Kacir lập luận - “Rõ ràng, chúng tôi nghĩ rằng biên giới của liên minh hải quan nên trùng với biên giới của hoạt động buôn bán carbon”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal đã gọi CBAM là một loại thuế “thiếu hiểu biết” và nói rằng ông hy vọng các công ty EU sẽ chuyển sản xuất sang Ấn Độ.
Ủy ban châu Âu (EC) đã phản đối mạnh mẽ bất kỳ tuyên bố nào cho rằng CBAM không tương thích với các tiêu chuẩn của WTO hoặc sẽ gây bất ổn cho thương mại toàn cầu.
Một quan chức EU cho biết: “Các luật sư của EU tạo ra CBAM tin chắc 100% rằng CBAM tuân thủ WTO vì chúng tôi đang áp dụng mức thuế tương tự đối với các nhà sản xuất trong nước cũng như các nhà sản xuất bên ngoài”.
Xa hơn nữa còn có một trở ngại khác đối với CBAM: từ năm 2025, chỉ phương pháp tính toán phát thải của EU mới được chấp nhận. Các nhà sản xuất thép Nhật Bản nằm trong số những công ty có vấn đề với Brussels về chi tiết báo cáo được yêu cầu và các khoản tiền phạt tiềm năng có thể phải chịu ngay cả trong thời gian áp dụng thử nghiệm. Ngay cả đánh giá tác động của chính ủy ban cũng ước tính rằng, việc tuân thủ CBAM có thể khiến các công ty phải trả tới 27 triệu euro mỗi năm.
Tuy nhiên, rủi ro lớn hơn cả là CBAM cuối cùng sẽ được hiện thực hóa trên toàn thế giới, nhưng lại không có tiêu chuẩn tối thiểu chung cho các sản phẩm như “thép xanh” hoặc hướng dẫn thực thi tốt nhất. Điều này, theo các chuyên gia tại Hội nghị bàn tròn châu Âu về biến đổi khí hậu và chuyển đổi bền vững, sẽ dẫn đến một chính sách khí hậu không hiệu quả, gây nhầm lẫn cho các nhà sản xuất.
Trước thềm hội nghị về khí hậu thường niên của Liên Hợp quốc COP28 hồi tháng 12 vừa qua, các quốc gia phương Tây đầy tham vọng đã tăng cường kêu gọi áp dụng định giá carbon toàn cầu, coi đây là một cách để khuyến khích các DN cắt giảm khí thải.
Nhưng thay vì nỗ lực toàn cầu, nhiều quốc gia khác bao gồm Canada và Vương quốc Anh lại đang theo dõi chặt chẽ CBAM của EU với mục đích giới thiệu một CBAM của riêng mình. Đánh giá của Canberra về việc có nên thực hiện thuế biên giới carbon hay không sẽ được công bố vào năm tới, trong khi Chính phủ London cho biết CBAM theo kế hoạch của họ cần được tư vấn thêm.
Mohammed Chahim, một nhà lập pháp Hà Lan, người dẫn đầu các cuộc đàm phán về đề xuất CBAM tại Brussels, gợi ý rằng có một giải pháp đơn giản: các nước khác chỉ cần liên kết với EU.
“Chúng ta có thể điều chỉnh chính sách của mình một chút, nhưng ít nhất chúng ta cần phối hợp về cách áp dụng nó, vì nếu không nó sẽ phân mảnh thương mại toàn cầu” - ông nói.