Quyết định hạ lãi suất của Fed có thể 'giáng đòn' lên hàng loạt NHTW trên toàn cầu như thế nào?
(Thị trường tài chính) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm rúng động thị trường sau khi nâng dự báo lạm phát và phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất ít hơn vào năm sau. Điều này khiến các nhà đầu tư phải gấp rút đánh giá xem nó có thể ảnh hưởng đến lãi suất toàn cầu như thế nào trong tương lai.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết lạm phát năm nay đang có xu hướng đi ngang và gợi ý rằng Ngân hàng Trung ương nước này chỉ có thể cắt giảm lãi suất hai lần vào năm 2025 - ít hơn hai lần so với dự kiến hồi tháng 9.
Các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới vẫn khẳng định sự độc lập trong các quyết định chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, việc đồng USD mạnh hơn do lãi suất cao hơn, cộng với khả năng Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể đưa ra các chính sách thuế quan làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu đã khiến triển vọng nới lỏng chính sách trên toàn cầu trở nên không chắc chắn.
“Khi Fed trở nên cứng rắn hơn, điều này sẽ khiến đồng USD mạnh hơn và thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu”, Qian Wang, Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Vanguard nhận định.
Điều này đặc biệt đúng ở thị trường mới nổi. “Tôi cho rằng các Ngân hàng Trung ương ở châu Á đa phần đang hướng tới việc nới lỏng, nhưng với việc Fed duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn, dư địa để nới lỏng sẽ bị thu hẹp”, bà bổ sung.
CNBC sẽ điểm qua triển vọng chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương toàn cầu trong năm 2025.
1. Khu vực Châu Á
Lập trường thận trọng của Fed đối với việc cắt giảm lãi suất trong tương lai đã khiến hầu hết các đồng tiền châu Á sụt giảm vào ngày 19/12. Đồng yên Nhật giảm 0,74% xuống mức 155,94 yên/USD, chạm mức thấp nhất trong một tháng.
Đồng won Hàn Quốc cũng dao động gần mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2009, trong khi đồng rupee Ấn Độ giảm xuống mức thấp kỷ lục dưới mốc 85 so với đồng USD.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ)
Ngày 19/12, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 0,25%, với mục đích có thêm thời gian đánh giá tác động của thị trường tài chính và ngoại hối đối với hoạt động kinh tế và giá cả của Nhật Bản.
Theo Shigeto Nagai, người đứng đầu bộ phận Kinh tế Nhật Bản tại Oxford Economics, triển vọng thận trọng hơn của Fed đối với việc cắt giảm lãi suất vào năm 2025 sẽ làm gia tăng nguy cơ đồng USD tiếp tục mạnh lên.
Đồng yên yếu hơn có thể buộc BOJ phải xem xét điều chỉnh chính sách lãi suất. Nếu các chính sách của ông Trump trở nên rõ ràng và khiến đồng USD mạnh, điều này có thể khiến BOJ phải hành động để bảo vệ giá trị của đồng yên hoặc cân bằng các tác động kinh tế khác.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC)
Lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc gần đây đã khiến thị trường bất ngờ khi phát tín hiệu thay đổi lập trường chính sách tiền tệ sau 14 năm. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có kế hoạch chuyển lập trường chính sách sang "nới lỏng vừa phải" vào năm sau.
Các nhà phân tích nhận định rằng việc Fed điều chỉnh triển vọng cắt giảm lãi suất trong tương lai có khả năng không ảnh hưởng lớn đến chính sách nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), dù áp lực có thể gia tăng đối với đồng nhân dân tệ.
“PBOC cần tập trung vào việc chống giảm phát. Chúng tôi không cho rằng chính sách lãi suất trong nước sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi quyết định lãi suất của Fed, dù là trong ngắn hạn hay dài hạn”, ông Edmund Goh, Trưởng bộ phận Thu nhập Cố định Trung Quốc tại Abrdn, cho biết.
“Họ sẽ lo ngại về sự suy yếu của đồng nhân dân tệ, nhưng nếu đó là một quá trình mất giá có kiểm soát so với USD và các loại tiền tệ khác, PBOC có thể sẽ để đồng nhân dân tệ giảm từ từ”, ông nói thêm.
Hao Zhou, Kinh tế trưởng tại Guotai Junan International, nhấn mạnh rằng PBOC có khả năng tập trung vào các yếu tố trong nước. “Nếu Fed cắt giảm mạnh hơn, PBOC sẽ có thêm dư địa để cắt giảm lãi suất. Do đó, tôi không nghĩ Fed sẽ là vấn đề lớn đối với PBOC. Tuy nhiên, điều này có thể đồng nghĩa với việc đồng nhân dân tệ sẽ chịu áp lực mất giá”, ông nhận định.
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI)
Trong cuộc họp chính sách gần nhất, RBI đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 6,50%. Dự kiến, ngân hàng này có thể giảm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 2, mặc dù đồng rupee giảm mạnh có thể gây thêm áp lực lạm phát.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK)
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc gần đây đã giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Giống như nhiều nước châu Á, BOK đang cố gắng cân bằng giữa việc hỗ trợ đồng tiền của mình trong khi thúc đẩy tăng trưởng.
Theo Chong Hoon Park của Ngân hàng Standard Chartered Hàn Quốc, triển vọng lãi suất mới nhất của Fed và đồng USD tăng giá có thể gây ra áp lực ngắn hạn nhưng chúng không có khả năng làm trật bánh “quỹ đạo ôn hòa” của BOK.
Ông cho biết: “BOK dường như kiên quyết trong việc ưu tiên tăng trưởng, đặt cược vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ để thu hút dòng vốn và củng cố đồng won trong trung hạn”.
2. Khu vực Châu Âu
Thị trường châu Âu đã biến động vào ngày 19/12 sau thông báo của Fed, mặc dù “nhẹ nhàng” hơn so với khu vực châu Á. Đồng euro tăng khoảng 0,5% so với đồng USD, trong khi đồng bảng Anh nhích lên 0,1% so với đồng bạc xanh. Trong khi đó, đồng USD giảm khoảng 0,4% so với đồng franc Thụy Sĩ.
Các Ngân hàng Trung ương tại châu Âu thường không chịu tác động lớn từ các quyết định chính sách của Fed hoặc sự tăng giá của đồng USD.
Điều này là do các nền kinh tế châu Âu thường có hệ thống tài chính ổn định hơn và ít phụ thuộc vào các nguồn vốn đầu tư nước ngoài hoặc các khoản nợ được định giá bằng đồng USD so với các thị trường mới nổi.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB)
Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã cắt giảm lãi suất lần thứ tư trong năm nay và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm vào năm 2025.
Matthew Ryan, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Ebury, một công ty dịch vụ tài chính toàn cầu, nhận định rằng các bình luận của ông Powell có thể chỉ có tác động "tương đối khiêm tốn nhưng không phải là không đáng kể" đối với ECB, đồng thời nhấn mạnh rằng các chính sách của ông Donald Trump có khả năng gây ảnh hưởng lớn hơn.
Phát biểu với CNBC, Ryan cho biết: "Triển vọng kinh tế của Mỹ và khu vực đồng euro trong năm tới sẽ khá tương phản", chỉ ra rằng tăng trưởng tại khu vực đồng euro vẫn mong manh và dễ bị tác động bởi các chính sách thương mại khắc nghiệt.
"Tác động lớn nhất của Trump 2.0 sẽ là sự tăng trưởng yếu hơn", ông bổ sung. Hiện tại, ECB đang theo đuổi chính sách ôn hòa với dự báo cắt giảm lãi suất hơn nữa trong năm tới. Theo dự đoán của thị trường tiền tệ, lãi suất chính của ECB có thể giảm xuống 1,75% vào tháng 10 năm sau, từ mức 3% hiện tại.
Tuy nhiên, Ryan lưu ý rằng nếu đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh và đạt mức ngang bằng với đồng euro, ECB có thể phải giảm tốc độ nới lỏng chính sách của mình để đối phó với áp lực này.
Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB)
Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ gần đây đã giảm lãi suất mạnh hơn dự kiến, đưa lãi suất xuống còn 0,5%.
Tại Thụy Sĩ, chính sách của Fed có thể mang lại ảnh hưởng lớn hơn đôi chút. Theo Matthew Ryan, đồng USD mạnh hơn và sự suy yếu của đồng franc Thụy Sĩ - vốn được coi là một loại tiền tệ trú ẩn an toàn - có thể thúc đẩy SNB duy trì lập trường diều hâu hơn. Tuy nhiên, đây không hẳn là điều tiêu cực.
“SNB không có quá nhiều dư địa để tiếp tục giảm lãi suất, và việc quay trở lại mức lãi suất âm là điều họ muốn tránh. Một đồng USD mạnh hơn có thể hỗ trợ phần nào cho họ”, Ryan nhận định.
Chủ tịch mới của SNB, Martin Schlegel nhấn mạnh rằng ngân hàng không loại trừ khả năng tái áp dụng lãi suất âm trong trường hợp cần thiết để duy trì lạm phát trong phạm vi phù hợp với ổn định giá cả.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE)
Ngân hàng Trung ương Anh đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp cuối năm, và thị trường dự đoán ngân hàng này sẽ giảm lãi suất khoảng 50 điểm cơ bản vào năm sau.
Lindsay James, Chiến lược gia đầu tư tại Quilter Investors nhận định rằng tác động từ các bình luận của Fed đối với BOE có thể là rất nhỏ, đồng thời lưu ý thị trường hiện đang không đặt nhiều kỳ vọng vào việc thay đổi đáng kể chính sách sau đó.
Tuy nhiên, bà cho rằng đồng USD mạnh hơn có thể gây áp lực lên đồng bảng Anh, khiến giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng cao và cuối cùng làm chậm lại tốc độ cắt giảm lãi suất của BOE.
“Có khả năng xảy ra tình huống cả đồng bảng Anh và đồng euro tiếp tục suy yếu so với đồng USD, điều này sẽ làm gia tăng lạm phát nhập khẩu, đặc biệt là đối với nhiên liệu và thực phẩm (ở mức độ thấp hơn). Điều này sẽ hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng”, bà James giải thích.
Theo CNBC