Nhật Bản thử nghiệm hệ thống thanh toán tức thời: Thời gian xử lý chưa đến 1 giây nhờ ứng dụng blockchain và SWIFT
(Thị trường tài chính) - Các ngân hàng lớn của Nhật Bản ứng dụng công nghệ blockchain và SWIFT nhằm cắt giảm chi phí giao dịch và rút ngắn thời gian xử lý trong các giao dịch thanh toán quốc tế.
Mitsubishi UFJ Financial Group, Mizuho Financial Group và Sumitomo Mitsui Financial Group dự kiến bắt đầu thử nghiệm hệ thống thanh toán quốc tế tức thời, ứng dụng công nghệ blockchain vào mùa thu năm nay với sự tham gia của hơn 10 ngân hàng tại Nhật Bản và quốc tế, hướng tới thương mại hóa vào năm 2025.
Hệ thống mới sẽ áp dụng cho các giao dịch giữa các doanh nghiệp, như thanh toán thương mại, với tiềm năng mở rộng cho người tiêu dùng trong tương lai. Hiện nay, các giao dịch quốc tế qua hệ thống SWIFT thường phải thông qua nhiều ngân hàng đại lý, có thể mất từ vài giờ đến một tháng tùy theo điều kiện giao dịch. Tuy nhiên, với hệ thống mới, thời gian xử lý giao dịch có thể rút ngắn xuống dưới một giây nhờ việc sử dụng stablecoin trên blockchain, được liên kết với giá trị của các loại tiền tệ khác nhau.
Các ngân hàng sẽ tiếp tục tận dụng cơ sở hạ tầng của SWIFT, giúp hạn chế chi phí đầu tư vào hệ thống mới. Khách hàng sẽ chỉ phải chịu chi phí liên quan đến ngoại hối và blockchain.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhật Bản, phí chuyển khoản quốc tế trung bình cho khoản tiền 200 USD trong giai đoạn 2013-2019 là 17,5%, và hệ thống mới có thể giảm mức phí này xuống dưới 10%, đặc biệt tại các thị trường mới nổi.
Dự án sử dụng nền tảng blockchain Progmat, do ba ngân hàng lớn của Nhật Bản phát triển, kết hợp với Datachain – một công ty blockchain có trụ sở tại Tokyo – và SWIFT. SWIFT lựa chọn hợp tác với Nhật Bản do quốc gia này có khung pháp lý tiên tiến về thanh toán điện tử.
Theo Allied Market Research, quy mô thị trường thanh toán xuyên biên giới toàn cầu đã đạt 182 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, nhóm G20 đã kêu gọi tăng cường nỗ lực cải thiện chi phí và tốc độ chuyển tiền quốc tế.
Cùng lúc, các tập đoàn lớn như JPMorgan, Standard Chartered và DBS Group Holdings (Singapore) đã ra mắt mạng lưới thanh toán quốc tế dựa trên blockchain, có khả năng xử lý các loại tiền tệ như USD, EUR và SGD. Ngoài ra, một nhóm gồm 7 Ngân hàng Trung ương đang chuẩn bị thử nghiệm sổ cái kỹ thuật số cho các giao dịch xuyên biên giới.
Với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong việc xây dựng hệ thống thanh toán quốc tế nhanh hơn, rẻ hơn, hệ thống nào dễ sử dụng nhất có thể sẽ trở thành tiêu chuẩn toàn cầu. Mức đầu tư thấp của dự án từ ba siêu ngân hàng Nhật Bản có thể mang lại lợi thế. Tuy nhiên, để hệ thống hoạt động, cả ngân hàng gửi và ngân hàng nhận phải có khả năng hỗ trợ stablecoin. Do đó, sự chấp nhận rộng rãi của công nghệ này là yếu tố then chốt.
Theo Nikkei Asia