Điều gì chi phối giá vàng năm 2024?
(Thị trường tài chính)- Giới chuyên gia nhận định việc giá vàng cao kỷ lục khó có thể làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này khi hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng ở châu Á sắp diễn ra năm 2024 và căng thẳng địa chính trị thế giới leo thang.
Tiếp tục rung lắc trước thềm các cuộc bầu cử lớn tại châu Á?
Giá vàng tăng liên tục suốt cả năm 2023 trong bối cảnh gia tăng bất ổn địa chính trị toàn cầu. Các chuyên gia nhận định, nhu cầu về vàng có thể tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024 khi các cuộc bầu cử sắp diễn ra trên khắp châu Á, và các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ đẩy mạnh mua tài sản trú ẩn an toàn.
Giá vàng leo dốc 15% trong năm 2023 và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.135,39 USD/ounce vào tháng 12, do cuộc xung đột ở Gaza và Ukraine cùng với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất.
Từ Indonesia đến Ấn Độ, các nền dân chủ đông dân nhất thế giới ở châu Á sẽ tiến hành bầu cử trong năm nay. Đây là khu vực có truyền thống tiêu thụ vàng lớn nhất trên thế giới. Mỹ cũng sẽ nằm trong số 70 quốc gia khác tổ chức bầu cử trong năm 2024.
“Tất cả các cuộc bầu cử đều quan trọng. Nhưng một số cuộc bầu cử tại châu Á có khả năng tác động đến thị trường hàng hóa thế giới nhiều hơn những cuộc bầu cử khác” - tờ South China Morning Post dẫn lời Shaokai Fan, Giám đốc toàn cầu các Ngân hàng Trung ương thuộc Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết.
Trước cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái, nhu cầu vàng ở nước này đã tăng đột biến do sự bất ổn chung khiến đồng nội tệ lira biến động và buộc giới chức Ankara phải can thiệp - ông Fan giải thích thêm việc các cuộc bầu cử có thể ảnh hưởng đến việc mua vàng như thế nào.
Hồi tháng 5/2023, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố các biện pháp nhằm hạn chế nhu cầu mua vàng của người dân và ngăn họ rút tiền mặt.
Căng thẳng địa chính trị sẽ chi phối giá vàng?
Ông Fan lưu ý thêm rằng bên cạnh các cuộc bầu cử quan trọng, giá vàng toàn cầu cũng chịu tác động từ các yếu tố khác như bất ổn địa chính trị, chính sách tiền tệ của các ngân hàng lớn và việc lựa chọn làm tài sản dự trữ quốc gia.
Căng thẳng địa chính trị đã “neo” giá vàng quanh mức 2.000 USD trong những tuần gần đây khi cuộc xung đột tại Trung Đông lan rộng sang Biển Đỏ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 18/1 vừa qua đã đưa lực lượng Houthi ở Yeme trở lại danh sách các nhóm khủng bố, khi lực lượng này tấn công tàu thứ hai của Mỹ chỉ trong vòng 1 tuần.
Chuyên gia Fan nhận định: “Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tác động mạnh đến giá vàng thế giới, xét về mức độ tăng đột biến trong ngắn hạn”.
Việc phương Tây đóng băng 300 tỷ USD dữ trữ ngoại hối của Nga đã gây ra làn sóng mua vàng của các ngân hàng trung ương để đa dạng hóa dự trữ.
Theo ông Fan, xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas có thể không ảnh hưởng đáng kể đến giá vàng trong ngắn hạn, nhưng nó có thể gây chấn động thị trường nếu căng thẳng lan rộng tại Trung Đông và diễn ra lâu hơn.
Bên cạnh đó, kỳ vọng rằng Fed sẽ sớm đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm nay có thể thúc đẩy nhu cầu vàng hơn nữa. Theo chuyên gia Fan, nhìn chung lãi suất thấp hơn sẽ loại bỏ những trở ngại đối với vàng, khiến vàng ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.
Vàng thường có mối tương quan nghịch với đồng USD, tuy nhiên, lãi suất cao hơn trong hơn 18 tháng qua không khiến giá vàng giảm, bởi căng thẳng địa chính trị đã thúc đẩy nhu cầu lựa chọn vàng làm kênh trú ẩn an toàn.
Quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới là Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh mua vàng dự trữ bất chấp sự phục hồi kinh tế chậm chạp. Nhu cầu vàng của người dân Trung Quốc trong năm ngoái vẫn khá cao.