Vững tâm vun đắp, mạnh mẽ vươn mình
(Thị trường tài chính) - Năm 2024, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Từ ảnh hưởng của thiên tai đến sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng, những trở ngại ấy đòi hỏi bản lĩnh và sự linh hoạt của các doanh nghiệp. Nhờ sự kiên trì và chiến lược đúng đắn, họ không chỉ trụ vững mà còn xây dựng nền tảng vững chắc để vươn mình mạnh mẽ hơn trong năm 2025.
Nỗ lực vượt khó
Không ít doanh nghiệp đã phải đối mặt với những trở ngại trong năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát là một ví dụ điển hình. Với vai trò là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thép, Hòa Phát chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc giá thép trên thế giới biến động khó lường. Thêm vào đó, thị trường bất động sản trong nước chững lại cũng làm giảm nhu cầu thép xây dựng, gây áp lực lớn đến doanh thu và lợi nhuận.
Mặc dù vậy, doanh nghiệp này cũng đã có những bước điều chỉnh linh hoạt để thích nghi với tình hình. Họ mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa sản phẩm đến gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp xuất khẩu đóng góp 31% doanh thu. Đồng thời, tập trung sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khắt khe của các ngành công nghiệp như ô tô, đóng tàu và xây dựng, đã giúp Hòa Phát giảm phụ thuộc vào thị trường nội địa.
Ngân hàng ACB cũng không nằm ngoài vòng xoáy thách thức. Với lĩnh vực ngân hàng, năm 2024 chứng kiến những khó khăn về tăng trưởng tín dụng do sức mua yếu, lãi suất tăng cao và nợ xấu tiềm ẩn từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, ACB chịu áp lực lớn từ việc cân đối giữa tăng trưởng tín dụng và kiểm soát rủi ro.
Tuy nhiên, nhờ chiến lược quản trị thận trọng và tập trung vào phân khúc khách hàng bán lẻ – một mảng có rủi ro thấp, ngân hàng đã duy trì được sự ổn định. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,39%, thấp hơn đáng kể so với trung bình ngành.
Trong khi đó, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) phải đối mặt với nhiều thách thức từ thiên tai và biến động kinh tế. Thiệt hại từ cơn bão Yagi cùng với sự suy giảm lòng tin của khách hàng do dư âm các vụ việc tiêu cực trong ngành bảo hiểm năm 2023 đã gây áp lực không nhỏ đến hoạt động kinh doanh.
Tuy vậy, BIC không chỉ trụ vững mà còn đạt được tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng gần 10% nhờ vào chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện quản trị rủi ro. Đặc biệt, công ty này vẫn duy trì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thành tựu đáng tự hào trong bối cảnh khó khăn chung của ngành.
Mạnh mẽ vươn mình
Dẫu gặp phải không ít khó khăn, các doanh nghiệp đã tận dụng những bài học kinh nghiệm từ năm 2024 để đặt nền móng cho sự phát triển dài hạn. Chảng hạn như Hòa Phát tiếp tục tập trung vào các dự án chiến lược lớn. Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đang được triển khai đúng tiến độ, với phân kỳ 1 dự kiến vận hành trong năm 2025.
Dự án này sẽ cung cấp các sản phẩm thép đặc biệt, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp ô tô, đường sắt và đóng tàu. Đồng thời, Hòa Phát cũng đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp mới nhằm thu hút dòng vốn đầu tư FDI, tạo quỹ đất sạch và mở rộng hệ sinh thái sản xuất.
ACB đặt mục tiêu tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu, hướng tới các giải pháp chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Ngân hàng này cho biết sẽ tập trung cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua các ứng dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một phân khúc tiềm năng trong bối cảnh kinh tế hồi phục. Chiến lược quản trị rủi ro của ACB cũng được nâng cấp theo các chuẩn mực quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển an toàn và ổn định.
Đối với BIC, năm 2025 mang ý nghĩa đặc biệt khi doanh nghiệp này bước vào cột mốc 20 năm thành lập. BIC đặt mục tiêu duy trì vị trí trong TOP 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ có tỷ suất sinh lời cao nhất, đồng thời mở rộng mạnh mẽ hệ thống bán lẻ để tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Việc đầu tư vào công nghệ thông tin không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giúp công ty cải thiện dịch vụ và xây dựng lòng tin vững chắc với khách hàng.
Nhìn lại năm 2024, khó khăn không chỉ là thử thách mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp như Hòa Phát, ACB hay BIC khẳng định nội lực và sức bền. Đối mặt với giá thép biến động, thị trường tín dụng chững lại hay thiệt hại từ thiên tai, họ đã không ngừng đổi mới, cải tiến và tái định vị để vượt qua. Các kết quả tích cực, từ doanh thu, lợi nhuận đến vị thế trên thị trường là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực không mệt mỏi ấy.
Với phương châm “Vững tâm vun đắp, mạnh mẽ vươn mình,” năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm bứt phá không chỉ của các doanh nghiệp lớn mà còn của cả nền kinh tế Việt Nam. Những nỗ lực ấy không chỉ vì sự phát triển riêng của từng doanh nghiệp mà còn góp phần xây dựng một đất nước thịnh vượng và bền vững hơn.