VND lao dốc sau tin Trung Nam lỗ lớn, Chủ tịch Phạm Minh Hương từng nói: 'Nếu Trung Nam gặp vấn đề, thiệt hại với VNDirect là không lớn'
(Thị trường tài chính) - Cổ phiếu VND liên tục giảm mạnh về mức giá thấp nhất kể từ tháng 5/2023.
CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2023 với khoản lỗ hợp nhất sau thuế lên tới 2.878 tỷ đồng. Con số này sụt giảm mạnh so với mức lãi 252 tỷ đồng năm 2022 và 1.635 tỷ đồng năm 2021.
Tính đến ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Trung Nam đạt 24.290 tỷ đồng, giảm 3.624 tỷ đồng so với năm trước. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 2,68 lần, tương ứng khoản nợ 65.097 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu chiếm 18.218 tỷ đồng.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu VND của CTCP Chứng khoán VNDirect đã giảm mạnh trong hai phiên liên tiếp, xuống mức giá dưới 13.000 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên sáng ngày 5/12, thiết lập mức giá thấp nhất kể từ tháng 5/2023, thanh khoản giao dịch cũng tăng vọt gấp đôi mức trung bình.
Được biết, VNDirect đang nắm giữ nhiều trái phiếu của nhóm Trung Nam. Tại thời điểm cuối quý III, danh mục trái phiếu của VNDirect có giá trị 13.100 tỷ đồng, tăng khoảng 3.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2023. VNDirect cũng ghi nhận gần 184 tỷ đồng giá trị phải thu khó đòi từ nhóm Trung Nam, công ty phải trích lập dự phòng hơn 55 tỷ đồng.
Trái phiếu Trung Nam từng là vấn đề nóng tại ĐHĐCĐ VNDirect
Tại Đại hội cổ đông VNDirect hồi tháng 6/2024, trái phiếu Trung Nam là vấn đề "nóng" được nhiều cổ đông quan tâm. Theo Chủ tịch Phạm Minh Hương, VNDirect đang có số dư trái phiếu Trung Nam với giá trị lớn. Đây là các lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản và không phải khoản nợ thứ cấp của doanh nghiệp. Có 4 loại tài sản đảm bảo gồm: Cổ phần, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, toàn bộ số dư tiền và chứng khoán trên tài khoản chứng khoán của tổ chức phát hành mở tại VNDirect.
Bà Hương khẳng định: "VNDirect đã xây dựng các phương án phòng vệ an toàn trong trường hợp xấu nhất là Trung Nam phá sản. Trường hợp rủi ro xảy ra, công ty vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng đến dòng tiền".
Cũng theo bà Hương, trạng thái nắm giữ trái phiếu Trung Nam hiện nay chủ yếu nằm ở dự án điện đã đưa vào phát điện. Do vậy, rủi ro của Trung Nam chủ yếu nằm ở các tin đồn pháp lý, khó khăn của các dự án, chính sách thay đổi của Chính phủ và các khó khăn chung của ngành.
Bà Hương cho biết thường xuyên cập nhật với lãnh đạo Trung nam và liên tục xây dựng kịch bản nếu rủi ro xảy ra. Thậm chí, các rủi ro này đã được chuẩn bị từ cách đây 2 năm, sẵn sàng các phương án dự phòng.
"Trong trường hợp Trung Nam gặp vấn đề, VNDirect chắc chắn sẽ có thiệt hại, nhưng sẽ không lớn. Những việc chúng tôi làm đều có hạn mức đủ để tính đến trường hợp xấu nhất", Chủ tịch VNDirect cho hay.
Lý giải về việc chọn ngành điện để đầu tư, lãnh đạo VNDirect xác định đây là ngành cần vốn và có dòng tiền phát hành và dòng tiền sản xuất để trả lãi. Động lực của nền kinh tế là FDI, đều là lĩnh vực tiêu thụ điện lớn.
“Khi đầu tư vào Trung Nam, chúng tôi tin vào nhu cầu phát triển ngành điện, năng lực đầu tư hạ tầng, năng lực triển khai của Trung Nam. Thời điểm đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm ngành điện", đại diện VNDirect chia sẻ.
Mặc dù có các biện pháp quản lý rủi ro, thực tế cho thấy cổ phiếu VND vẫn chịu nhiều áp lực từ những thông tin liên quan đến Trung Nam. Nhiều nhà đầu tư đang lo lắng trước diễn biến liên tục lao dốc của giá cổ phiếu. VND đang giao dịch với hệ số P/E và P/B lần lượt là 9,2 và 1,1 lần, thấp hơn đang kể so với mức trung bình ngành chứng khoán.