Trẻ em, quà và ông già Noel
(Thị trường tài chính) - Vài năm gần đây, Noel đã trở thành một ngày lễ quen thuộc với trẻ em và giới trẻ, dù gia đình có theo đạo Thiên Chúa hay không. Trẻ em háo hức nhận quà từ các “ông già Noel”. Có quà của “ông già Noel” ở lớp học, và có cả quà của “ông già Noel” trong khu phố hay chung cư.
Trẻ con nào cũng mong chờ được gặp người mặc bộ đồ đỏ từ đầu đến chân, với chòm râu trắng và đôi khi mái tóc đen. Hình ảnh ông già Noel ở Việt Nam rất đa dạng: có thể gầy hoặc béo, cao hoặc thấp, da đen hay da trắng, đeo kính cận hoặc không. Đặc biệt, những ông già Noel phi xe máy đầy đường đã trở thành một cảnh tượng quen thuộc mỗi dịp lễ.
Khác với truyền thuyết, nơi ông già Noel chỉ có một dáng hình duy nhất, xuất hiện vào đêm 24/12 để tặng quà khi trẻ em đang ngủ. Trẻ nhỏ trong câu chuyện thần tiên ấy không bao giờ trực tiếp gặp ông già Noel; quà thường được để lại trong chiếc tất treo bên lò sưởi hoặc dưới gốc cây thông. Những đứa trẻ sẽ viết thư cho ông già Noel từ nhiều ngày trước, kể rằng chúng đã ngoan ngoãn ra sao, làm được những việc tốt gì để được ông đưa vào “danh sách kỳ diệu”. Vào đêm Giáng sinh, trẻ em thường để lại bánh, sữa hay vài củ cà rốt cho tuần lộc, như một lời cảm ơn đến ông già Noel.
Vì vậy, trong trí tưởng tượng, hình ảnh ông già Noel luôn gần gũi nhưng đầy kỳ ảo và thiêng liêng.
Đó là những gì truyền thuyết kể lại. Còn ở Việt Nam, với mong muốn mang đến cho con những trải nghiệm vui vẻ, nhiều bậc phụ huynh và nhà trường đã tổ chức hoạt động ông già Noel phát quà.
Cô con gái của một đồng nghiệp tôi, năm nay học lớp 2, cũng háo hức như bao đứa trẻ khác, chờ đợi giây phút nhận quà. Nhưng một sự cố nhỏ đã phá vỡ kế hoạch. Cô bé vô tình đọc được đoạn chat của bố mẹ về việc chuẩn bị món quà để gửi chú bảo vệ tòa nhà, người sẽ đóng giả ông già Noel trao quà vào tối 24/12.
“Sao người lớn lại đi lừa một đứa trẻ con như thế? Ông già Noel là ông bảo vệ”, cô bé hét lên đầy thất vọng.
Dù bố mẹ đã cố gắng giải thích, cô bé vẫn bán tín bán nghi. Đến lúc nhận quà, cô không còn hứng thú với món quà nữa mà chỉ chăm chăm quan sát ông già Noel. “Ông ấy quen lắm. Chiều nay con vừa gặp ông ấy sửa cây thông ở dưới nhà. Chắc chắn là ông bảo vệ rồi”.
Không dừng lại ở đó, cô bé tiếp tục thất vọng khi gặp “ông già Noel giả” khác – lần này là mẹ của bạn lớp trưởng trong lớp. “Ông già Noel gì mà tóc nâu vàng, lại còn dài”.
Khi những ông già Noel chạy đầy đường với trang phục cosplay không đủ che khuôn mặt hay dáng hình, trẻ em ở Việt Nam khó có thể tin vào sự tồn tại của một ông già Noel thật. Nếu có, hình tượng này cũng không còn đủ kỳ diệu và thiêng liêng. Trẻ em dần mặc định rằng đây là dịp đương nhiên được nhận quà, dù chúng có làm được nhiều việc tốt hay không, có chia sẻ về mong ước của mình hay không. Trong khi đó, ý nghĩa thiêng liêng của lễ Giáng sinh lại là cơ hội để trẻ nhìn lại bản thân, đặt mục tiêu và nỗ lực hoàn thành, rồi hồi hộp chờ đợi sự ghi nhận. Giáng sinh không nên chỉ dừng lại ở những món quà “cho vui”, “cho có kỷ niệm”.
Người lớn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn niềm tin kỳ diệu của trẻ nhỏ. Ở nhiều nơi trên thế giới, các gia đình thường bí mật tổ chức những bất ngờ nhỏ, tạo điều kiện để trẻ thực sự cảm nhận được sự hiện diện của ông già Noel. Đó không chỉ là niềm vui trong khoảnh khắc, mà còn là cách gieo mầm hy vọng, niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chúng ta cũng có thể học hỏi điều này, bằng cách chuẩn bị các hoạt động ý nghĩa, khơi gợi trí tưởng tượng của trẻ thay vì chỉ đơn giản trao món quà.
Giáng sinh cũng là dịp để mọi người gắn kết và sẻ chia. Thay vì tập trung hoàn toàn vào việc tặng quà, chúng ta có thể hướng trẻ đến các hoạt động cộng đồng ý nghĩa hơn, như tặng quà cho những trẻ em kém may mắn, cùng gia đình tham gia các buổi thiện nguyện, hoặc tổ chức buổi tiệc nhỏ mời hàng xóm, bạn bè. Những trải nghiệm này sẽ giúp trẻ hiểu rằng niềm vui Giáng sinh không chỉ đến từ việc nhận quà, mà còn từ việc lan tỏa tình yêu thương.
Niềm tin vào ông già Noel không chỉ là câu chuyện về món quà, mà còn là cách trẻ nhỏ học cách mơ ước và tưởng tượng. Trí tưởng tượng ấy giúp trẻ sáng tạo và nuôi dưỡng một tâm hồn trong sáng, lạc quan. Dù sự thật có được tiết lộ khi lớn lên, nhưng những ký ức đẹp đẽ về ông già Noel vẫn sẽ mãi là một phần ký ức tuổi thơ không thể thay thế.
Giáng sinh, với hình ảnh ông già Noel và những món quà, không chỉ là niềm vui của trẻ em mà còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Tuy nhiên, khi biến ngày lễ này thành một sự kiện giải trí thuần túy với những “ông già Noel giả”, chúng ta đã phần nào làm phai nhạt niềm tin vào điều kỳ diệu. Trẻ em cần được khơi dậy lòng tin vào những điều tốt đẹp và ý thức tự hoàn thiện bản thân qua những mục tiêu nhỏ trong năm.
Thay vì chỉ chăm chú vào món quà, chúng ta – những người lớn – cần giúp trẻ hiểu rằng Giáng sinh là dịp để suy ngẫm, biết ơn và sẻ chia. Đó là cách mà ý nghĩa thực sự của lễ hội này sẽ được giữ gìn, để lại những ký ức đẹp đẽ trong tuổi thơ của mỗi người.