Tổng cục Thuế: Cưỡng chế gần 4.000 tỷ đồng nợ thuế
(Thị trường tài chính) - Năm 2023, toàn ngành thuế đã thu hồi được 41.557 tỷ đồng, trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 37.605 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 3.952 tỷ đồng.
Theo đó, năm 2023, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế cũng đã đẩy mạnh công tác đôn đốc thu nợ. Tiến hành rà soát, phân tích, phân loại nợ, xác định rõ nguyên nhân từng khoản nợ để áp dụng biện pháp thu nợ, đồng thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế để xử lý gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền nợ.
Bên cạnh đó, với doanh nghiệp có khả năng nộp thuế nhưng chây ỳ thì cơ quan thuế kiên quyết áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế thu nợ theo quy định pháp luật về thuế.
Về công tác thanh tra kiểm tra thuế, trong năm 2023, công tác thanh tra, kiểm tra thuế tiếp tục được Tổng cục Thuế triển khai có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng tập trung vào các ngành, lĩnh vực có rủi ro cao, có khả năng thất thu như bất động sản, giao dịch liên kết, thương mại điện tử. Đồng thời áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro và ban hành Quy trình kiểm tra thuế với mục tiêu tăng cường công tác thanh kiểm tra thuế, ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế.
Kết quả, năm 2023, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 66.241 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 90,8% kế hoạch năm 2023. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là hơn 61.583 tỷ đồng bằng 97,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2024, ngành thuế tập trung một số nhiệm vụ lớn, trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ thuế, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội giao là 1.486.413 tỷ đồng. Trong đó: Thu dầu thô là 46.000 tỷ đồng; Thu nội địa là 1.440.413 tỷ đồng.
Thứ hai, thực hiện tốt chương trình xây dựng chính sách pháp luật về thuế, hoàn thiện quy trình quản lý thuế theo thông lệ quốc tế để bảo đảm công bằng, chú trọng hiệu quả thu thuế. Kịp thời triển khai áp dụng các văn bản, chính sách pháp luật vào cuộc sống. Đồng thời, xây dựng, nâng cấp kịp thời các ứng dụng quản lý phục vụ cho công tác quản lý thuế, đảm bảo việc triển khai các quy định mới được thông suốt, hiệu quả.
Thứ ba, tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế, để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian tới; đồng thời tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp này nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.
Thứ tư, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả và giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 với 13 Đề án thành phần theo các lĩnh vực quản lý thuế.
Thứ năm, tiếp tục triển khai các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình của Chính phủ với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ với mục tiêu tiến tới tài chính số.
Thứ sáu, tiếp tục kiện toàn, tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thuế, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Thứ bảy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí.