Tọa đàm: "Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó"
(Thị trường tài chính) - Sáng 15/8, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) tổ chức Tọa đàm: Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng lo ngại, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5.
Để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia cho rằng, việc quan trọng nhất mà Hà Nội cần làm ngay là giảm phương tiện tham gia giao thông tại nội đô. Song, đây vẫn đang là bài toán khó, khi lượng phương tiện cơ giới hoạt động trên địa bàn thành phố quá lớn với gần 7 triệu mô tô xe máy, 1,1 triệu ô tô và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác hằng ngày đổ về Hà Nội.
Cùng với việc khuyến khích người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện và hạn chế xe cá nhân, Hà Nội đang nỗ lực gia tăng phương tiện công cộng chạy bằng điện, thân thiện với môi trường như xe buýt, tàu đường sắt trên cao... và bước đầu đã mang đến những tín hiệu khả quan cho môi trường. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốt, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Vì vậy, thành phố cần có giải pháp về chính sách và cả biện pháp hành chính để giảm thiểu phương tiện cá nhân, chuyển đổi phương tiện "xanh", khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Thực hiện Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 15/04/2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc tổ chức Chương trình truyền thông về Bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội năm 2024, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”. Tọa đàm này nhằm góp phần tìm ra giải pháp hiệu quả, lan tỏa tinh thần, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức và cá nhân về bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng không khí, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hướng tới sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Buổi tọa đàm hôm nay sẽ tập trung thảo luận về chủ đề: “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”. Đây là xu thế chung của các nước phát triển trên thế giới, bằng việc giảm thiểu phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng, giảm phương tiện sử dụng nguyên liệu hóa thạch thay bằng phương tiện xanh thân thiện với môi trường. Vì vậy, đây không phải là câu chuyện dễ hay khó mà là ý thức chung tay của cộng đồng, từng gia đình, cá nhân với môi trường sống, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP 26 đưa phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050 thì không thể không chuyển đổi phương tiện xanh, nhất là giao thông công cộng xanh. Vậy làm thế nào để lan tỏa được mục tiêu đó, chính là vấn đề mà tọa đàm sẽ cùng bàn thảo.
Tham dự sự kiện, về phía các sở, ban ngành có bà Nguyễn Thị Mai Hương – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; ông Kiều Thanh Hùng – Phó Chủ tịch Hội nhà báo TP Hà Nội; ông Hoàng Đức Vĩnh – Trưởng phòng Khoa giáo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Cao Minh – Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội; ông Thái Hồ Phương – Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông công cộng; ông Trần Vũ Quang – Phó Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư, đại diện các quận, huyện…
Về phía đơn vị phối hợp chủ trì có TS Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro
Về phía chuyên gia có: PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng Trường Đại học GTVT;
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội
Về phía Báo Kinh tế & Đô thị có PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Trưởng ban Tổ chức Chương trình truyền thông về Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị; Các đồng chí trong Ban Biên tập và lãnh đạo phòng, ban chuyên môn của Báo Kinh tế & Đô thị;
Về phía đơn vị tài trợ, đồng hành cùng Chương trình Truyền thông về Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024 có: Đại diện Ban Truyền thông tập đoàn Vingroup; Đại diện Công ty TNHH quốc tế UNILEVER Việt Nam; Đại diện Công ty CP chuỗi thực phẩm TH; Đại diện Công ty CP Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội; Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Hà Nội; Đại diện Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội; Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng đô thị Hà Nội...
Tham dự sự kiện còn có đại diện của các cơ quan, ban ngành của Hà Nội; các cơ quan Báo, đài Trung ương và Hà Nội; các độc giả của báo Kinh tế & Đô thị.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết: Hướng tới Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Báo Kinh tế & Đô thị rất cảm ơn Hà Nội Metro nói chung và TS Vũ Hồng Trường – Tổng Giám đốc Hanoi Metro nói riêng đã quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ với anh em báo chí Thủ đô nói chung, đặc biệt là với báo Kinh tế &Đô thị nói riêng để cùng bàn thảo một vấn đề hết sức quan trọng của đô thị hiện đại hiện nay. Hai bên đã có nhiều chương trình ký kết hợp tác và buổi tọa đàm hôm nay đã thể hiện tinh thần và kết quả hợp tác giữa báo Kinh tế & Đô thị và Hà Nội Metro.
Trong thời gian qua, Báo Kinh tế & Đô thị đã có rất nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân đối với sự phát triển chung của Thủ đô như Chương trình truyền thông Vì an toàn giao thông, Chương trình truyền thông Những cống hiến thầm lặng, Chương trình truyền thông Bảo vệ môi trường…
Những hoạt động đó đã đóng góp tích cực vào sự phát triển Thủ đô, bên cạnh đó cũng khẳng định vai trò, vị thế, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, vừa tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước vừa phản ánh những vấn đề thực tiễn đặt ra ở Thủ đô.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình truyền thông Bảo vệ môi trường, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức cuộc Tọa đàm này và đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo Thành phố. Thay mặt báo Kinh tế & Đô thị, tôi xin tuyên bố khai mạc Tọa đàm “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó” với sự góp mặt của các chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực giao thông và môi trường....
Qua tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ đưa ra những góc nhìn và ý kiến đóng góp với cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan hoạch định chính sách từng bước chuyển đổi phương tiện xanh cho đô thị, qua đó, tăng cường khích lệ người dân tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng, bảo vệ môi trường.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, Hà Nội Metro được thành lập sau 30 năm Hà Nội không có công ty mới ra đời. Hà Nội Metro là một công ty đặc biệt với nhân sự trẻ: 95% nhân sự của công ty dưới 40 tuổi, đây là ưu thế để xây dựng những mục tiêu đặt ra.
Hà Nội Metro rất tâm huyết với chủ đề tọa đàm “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”. Đây là vấn đề chúng ta đang phải làm, buộc phải làm để cho môi trường sống tốt đẹp hơn. Mới đây, vào 8 giờ ngày 8/8, tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội được vận hành.
Sau một tuần đi vào khai thác thương mại, tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội đã chạy 1.370 chuyến tàu vận chuyển an toàn 393.168 hành khách. Ngày đạt kỷ lục đã vận chuyển 100.515 hành khách. Đối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có 20% hành khách có ô tô, nhưng bỏ ô tô để đi tàu điện. Từ những số liệu này cho thấy sự quan tâm của người dân đối với loại hình phương tiện xanh.
Khi chúng tôi tiếp nhận depot tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông rộng 19ha, mất gần 2 năm để cải tạo, biến cỏ dại thành cây xanh. Chúng tôi có trạm xử lý nước thải đạt chuẩn và quan trắc môi trường. Nhân viên của chúng tôi đi trong khuôn viên đường sắt nhìn thấy rác không nhặt là bị phê bình. Từ đó cho thấy, để thực hiện mục tiêu xanh hóa phương tiện cần có sự quyết tâm của nhiều người.