Quý 2/2024, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng cao nhất trong 9 quý
(Thị trường tài chính) - Quý 2/2024, tổng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ của 1.111 doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn tính đến ngày 7/8 tăng 19,2% so với cùng kỳ và tăng 7,5% so với quý gần nhất, đưa mặt bằng lợi nhuận lên mức cao nhất 9 quý và gần về mức đỉnh của quý 1/2022.
Nhóm Thép dẫn dắt thị trường
Công ty Chứng khoán SSI nhận định, kết thúc quý 2/2024, xu hướng phục hồi của các doanh nghiệp ngày càng rõ nét hơn, đặc biệt ở nhóm ngành phi tài chính. “Nếu loại trừ Ngân hàng và Bất động sản, các ngành còn lại đạt mức lợi nhuận cao gấp 2,12 lần so với mức đáy lợi nhuận rơi vào quý 4/2022. Tuy nhiên vẫn có sự phân hóa giữa các nhóm ngành”.
Theo phân tích của SSI, các nhóm ngành tiêu dùng và sản xuất tăng tốc phục hồi và đạt mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 2 năm. Trong đó, ngành Tài nguyên tăng 314%, Hàng & dịch vụ công nghiệp tăng +10,9%, Hàng cá nhân & gia dụng tăng 45,8%, Xây dựng & vật liệu tăng 39,8%,…
Nhóm ngành duy trì tăng trưởng ổn định và tiếp tục lập đỉnh lợi nhuận bao gồm: Ngân hàng tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước, Công nghệ thông tin tăng 26,6%. Trong đó, riêng ngành Ngân hàng đóng góp tới 45,6% tổng lợi nhuận toàn thị trường và đóng góp 48,4% tổng mức lợi nhuận tăng thêm so với cùng kỳ.
Cũng theo SSI, một số nhóm ngành chậm lại sau khi tăng mạnh trong quý trước có thể kể đến như: Dịch vụ tài chính tăng 15,2% so với cùng kỳ nhưng giảm 9,1% sv quý trước, Du lịch và giải trí giảm 61,7% so với quý trước.
Quý 2/2024, nhóm Cổ phiếu chưa quay lại quỹ đạo tăng trưởng; Bất động sản giảm 17,1% so với cùng kỳ; Điện, nước, xăng dầu & khí đốt giảm 21,7%; Dầu khí giảm 9,6%, Truyền thông giảm 150%;…
Quy mô lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ chia theo nhóm ngành (tỷ VND) như: Ngành Tài nguyên tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh 314% so với cùng kỳ mặc dù doanh thu chỉ tăng 22%. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 7,5% trong quý 2/2023 lên 9,1% trong quý 2/2024.
Dẫn dắt tăng trưởng là nhóm Thép (HPG, HSG), KSV và TVN từ lỗ thành lãi, và MSR tiếp tục giảm lỗ.
Nhóm Thép dẫn dắt thị trường
Ngành Hóa chất tăng mạnh 63% so với cùng kỳ và 24,2% so với quý trước. Phần lớn công ty đều có mức lợi nhuận tăng tốt như: GVR (+54,7% svck), DCM (+82,5%), DPM (+128%), BFC (+218%), AAA (+182%). Biên lợi nhuận gộp trung bình tăng từ 13,1% trong quý 2/2023 lên 16,3% trong quý 2/2024. Nhóm ngành tiêu dùng tăng tốc phục hồi
Lợi nhuận ngành Hàng và Dịch vụ công nghiệp tăng 10,9% svck và 40,3% so với quý trước, ghi nhận mức lợi nhuận theo quý kỷ lục. Đóng góp lớn nhất nhờ các mã ACV (+23,8% svck), GEX (+165%) nhờ khoản lãi tài chính từ bán khoản đầu tư), MVN (+138%) và VOS (+262x) tăng mạnh nhờ lãi từ bán tài sản và xóa lãi vay.
Ngành Xây dựng và vật liệu tăng 39,8% so với cùng kỳ và 47,9% so với quý trước, một phần do các khoản thu nhập đột biến của HBC. Nếu loại trừ các khoản thu nhập tài chính và thu nhập khác, tổng lợi nhuận của ngành tăng +19,3% so với cùng kỳ và chỉ thấp hơn 3% so với mức đỉnh vào quý 1/2022.
Tín dụng ngân hàng tăng trưởng mạnh
Ngành Ngân hàng duy trì tăng trưởng khả quan với tín hiệu tích cực từ tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng phục hồi hơn 5,8% so với quý trước, 7,9% so với đầu năm ở tất cả các ngân hàng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ quý 2/2024 của các ngân hàng niêm yết tăng 20,1% so với cùng kỳ, và tăng 5% so với quý trước. Kết quả này đến từ sự phục hồi của NIM (+11 điểm cơ bản so với quý trước), thu nhập ròng từ phí dịch vụ (+14% so với quý trước) và thu từ nợ xấu đã xóa (+133% so với quý trước).
Tuy nhiên, tỷ lệ hình thành nợ xấu và chi phí tín dụng cao hơn dự kiến, chủ yếu tại BID, CTG, VPB và OCB.
“Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy một số tín hiệu tích cực từ nhu cầu tín dụng và điều này dự kiến sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm 2024. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số rủi ro tín dụng tiềm ẩn liên quan đến ngành năng lượng tái tạo, bất động sản (từ chủ đầu tư và người vay mua nhà) trong khi NIM phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ phục hồi nhu cầu tín dụng trong những tháng cuối năm”, SSI chia sẻ.
Các ngân hàng tư nhân lớn duy trì tăng trưởng lợi nhuận khả quan nhờ mở rộng NIM như TCB (+39% svck), HDB (+44,3%), MBB (+23,2%), VPB (+16,2%). Các ngân hàng nhà nước gồm VCB (+9,4% svck), BID (+17,4%), CTG (+3,1%), và ACB (+15,6%) cũng đều tăng trưởng khá.
Tín dụng ngân hàng tăng trưởng mạnh
Các nhóm ngành tiêu dùng xuất khẩu cải thiện tích cực nhưng vẫn chưa về đỉnh lợi nhuận như: Ngành Dệt may tăng +98% so với cùng kỳ, ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất kể từ Q4/2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2021 - 2022. Ngành Thủy sản cũng có tín hiệu phục hồi trong vài quý gần đây từ mức đáy lợi nhuận ghi nhận trong quý 4/2023, tuy nhiên lợi nhuận ngành vẫn giảm 8,4% so với cùng kỳ. Nhìn chung các nhóm xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu còn yếu.
Ngành Bất động sản ghi nhận phục hồi về doanh thu khá tốt, với mức tăng 78% so với quý trước, chỉ thấp hơn 9% so với mức đỉnh vào quý 2/2023. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ngành Bất động sản giảm 17,1% so với cùng kỳ, chủ yếu do khoản lỗ 3,4 nghìn tỷ của VIC liên quan đến mảng xe điện. Nếu không tính VIC, lợi nhuận của ngành đạt mức tăng 17,6% và đạt mức cao nhất kể từ quý 4/2022. Tuy nhiên, nếu loại trừ các khoản thu nhập tài chính và thu nhập khác, lợi nhuận của ngành giảm 16%.
Tổng doanh thu nhóm ngành Phi tài chính tăng 14% svck và 13,2% so với quý trước, vượt 0,9% so với mức đỉnh vào quý 2/2022. Nếu loại trừ các khoản thu nhập tài chính và thu nhập khác, lợi nhuận sau thuế nhóm ngành Phi tài chính tăng mạnh 36% svck và 15,4% so với quý trước, đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm.
“Nhìn chung, mặc dù một số ngành như Bất động sản và Điện, nước, xăng dầu & khí đốt vẫn chưa quay lại xu hướng tăng, phần lớn các ngành khác đang từng bước phục hồi với sức khỏe tài chính cải thiện rõ rệt. Với tín hiệu tích cực hơn ở các ngành hàng tiêu dùng, có thể kỳ vọng lợi nhuận sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm 2024”, SSI nhận định.