Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát nhập khẩu thép cán nóng sau phản ánh của Báo Kinh tế & Đô thị
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp.
Công văn số 2684/VPCP-TH ngày 23/4/2024 nêu: Văn phòng Chính phủ có Báo cáo số 1309/BC-VPCP ngày 14/4/2024, trong đó tóm tắt bài viết về việc lượng nhập khẩu thép cán nóng (HRC) tăng mạnh lên hơn 9,6 triệu tấn, chủ yếu là từ Trung Quốc và Ấn Độ, đăng trên Báo Kinh tế & Đô thị ngày 9/4/2024.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Trước đó, trong bài viết "Báo động thực trạng gia tăng nhập khẩu thép cán nóng", Báo Kinh tế & Đô thị thông tin, năm 2023, lượng nhập khẩu thép cán nóng (HRC) tăng mạnh lên hơn 9,6 triệu tấn, chủ yếu là từ Trung Quốc và Ấn Độ. Đáng chú ý là giá nhập khẩu đã giảm mạnh từ 613 USD vào đầu năm 2023 xuống còn 541 USD trong quý 4/2023.
Bất thường hơn khi quý 1/2024, lượng nhập khẩu thép HRC giá rẻ vẫn ồ ạt tràn về Việt Nam với 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần so lượng sản xuất trong nước. Chưa hết, giá nhập khẩu sản phẩm từ một số nước còn giảm 20 - 26% so với năm 2022, quanh mức 550 USD/tấn. Thực trạng này có thể thấy đây rõ ràng là hành vi bán phá giá, bán dưới giá thành.
Trong khi đó, hai đơn vị sản xuất thép HRC trong nước là Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh mỗi năm sản xuất khoảng 8,5 triệu tấn. Đây là lần đầu tiên trên thế giới xảy ra hiện tượng hàng nhập khẩu còn lớn hơn cả ngành sản xuất trong nước, gây tác động rõ rệt đến những DN đang sản xuất thép cán nóng dạng tấm và dạng cuộn như Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh do phải cạnh tranh thiếu công bằng với hàng nhập khẩu bán dưới giá thành khi mà thị phần bán hàng nội địa của 2 nhà sản xuất HRC trong nước giảm mạnh từ 45% của năm 2021 xuống còn 30% năm 2023. Trong khi thị phần của hàng nhập khẩu tăng từ 32% lên gần 46% và dự kiến đà nhập khẩu mặt hàng này năm 2024 sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ.
PGS.TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, nêu quan điểm: “Ngành thép là ngành thượng nguồn của các ngành công nghiệp rất cần phải bảo vệ. Tôi đồng tình với việc mở một cuộc điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu bởi đây là ngành xương sống của một nền kinh tế”. Phân tích chi tiết hơn, PGS.TS Phan Đăng Tuất cho rằng, thép HRC là nguồn nguyên liệu của rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ sản xuất vỏ tàu, vỏ xe ô tô hay đầu vào của hàng loạt ngành sản xuất tiêu dùng.
Việc đầu tư sản xuất HRC đòi hỏi nguồn vốn rất lớn bởi cần phải có quy mô và công nghệ cao. Chính vì là ngành sản xuất đầu nguồn rất quan trọng nên nếu Việt Nam mãi phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu nguyên liệu thì sản xuất trong nước cũng không ổn định, không thể phát triển mạnh hơn. Đồng thời còn gây mất cân bằng ngoại tệ nếu phải phụ thuộc vào nhập khẩu lớn mặt hàng thép.