HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Mở lối cho vay tiêu dùng

Thảo Nguyên

Thitruongtaichinh - Theo thông lệ cứ vào giai đoạn 3 tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao, nhưng năm nay với tình hình kinh tế khó khăn, khách hàng cắt giảm chi tiêu khiến thị trường vay tiêu dùng cũng chịu cảnh ảm đạm.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản số 9668/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Vay tiêu dùng ảm đạm, nợ xấu tăng

Văn bản của NHNN nêu rõ, triển khai Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen".

Cụ thể, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, đặc biệt là nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.

Trước đó, thống kê của NHNN cho biết, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống hết tháng 9 chỉ tăng khoảng 1,53% so với đầu năm, đây là mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Người tiêu dùng thanh toán tiền hàng qua thẻ ngân hàng tại trung tâm thương mại trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng
Người tiêu dùng thanh toán tiền hàng qua thẻ ngân hàng tại trung tâm thương mại trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng

Theo các chuyên gia kinh tế, khi các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ kích cầu sản xuất và là động lực quan trọng kích thích tăng trưởng kinh tế hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh sản xuất trong nước bắt đầu phục hồi thì việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng không chỉ giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng mà còn kích thích sản xuất phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, việc mở rộng tín dụng cho vay tiêu dùng sẽ hạn chế và đẩy lùi được tín dụng đen.

Tuy nhiên, theo NHNN, do kinh tế khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Một phần nữa là do các TCTD, nhất là các công ty tài chính cũng thu hẹp cho vay trước lo ngại rủi ro nợ xấu và tỷ lệ bùng nợ cao. Tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng đã lên gần 3,7%, cao hơn nhiều so với mức trên dưới 2% của giai đoạn từ 2018 - 2022.

NHNN đã nhiều lần chỉ đạo các TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cho vay với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức. NHNN yêu cầu, tăng cường chuyển đổi số, quyết liệt triển khai, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ vay vốn của khách hàng, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng vay vốn.

Trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nhấn mạnh tới việc phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý.

Dư địa cho vay tiêu dùng còn lớn

Theo nhận định của các NHTM, tín dụng tiêu dùng trong thời gian qua phát triển khá nhanh và được đánh giá còn nhiều tiềm năng, bởi đây là thị trường mà các NHTM hướng đến để hỗ trợ kích cầu trong bối cảnh sức mua trầm lắng hiện nay.

Các ngân hàng cho hay, cùng với việc giảm lãi suất, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi cho DN và các lĩnh vực ưu tiên, các tổ chức tín dụng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng giúp người dân giảm bớt các khó khăn, tạo thêm cơ hội việc làm…

Trong năm 2023, SeABank có chương trình cho vay tiêu dùng mua nhà, mua ô tô với lãi suất ưu đãi từ 9,29%/năm; Vietcombank hợp tác với Công ty ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam triển khai chương trình cho vay mua xe với lãi suất từ 0 - 9,5%/năm; VPBank kết hợp Mitsubishi Motor Vietnam triển khai cho vay mua xe lãi suất ưu đãi 8,8%/năm với thời gian duyệt vay nhanh chóng. Sacombank cũng có gói cho vay mua xe lãi suất 8,5%/năm và vay đến 100% giá trị xe, thời gian vay kéo dài đến 10 năm…

Agribank cho hay, tập trung cung cấp các sản phẩm tín dụng tiêu dùng và các dịch vụ đối với người dân, trong đó cơ cấu tín dụng của Agribank, cho vay tiêu dùng chiếm khoảng hơn 30% dư nợ cho vay khách hàng cá nhân. Đối tượng mà chi nhánh hướng tới là cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương ngân sách, khách hàng cá nhân vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống ở khu vực đô thị và nông thôn.

Hiện, ngoài kênh vay vốn tiêu dùng ở ngân hàng, các tổ chức tín dụng không phải ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng như: công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức cho vay khác… Ngoài ra, thị trường tài chính tiêu dùng còn được đa dạng hóa với sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính và hoạt động cấp tín dụng thông qua bán hàng trả chậm của những công ty bán lẻ.

Tháo gỡ khó khăn từ hai phía

Bà Nguyễn Thị Nga (ở Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi là công chức, lương bổng không cao nên rất khó dành dụm các khoản tiền lớn. Vì thế khi có nhu cầu mua sắm lớn hay cần vốn để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là dù lãi cho vay tiêu dùng đã giảm đáng kể nhưng chỉ được hưởng lãi vay ưu đãi trong giai đoạn đầu trong khi lãi suất thả nổi vẫn neo ở mức cao. Lãi vay tiêu dùng tại các ngân hàng đã cao, lãi vay tiêu dùng tại các công ty tài chính còn cao hơn do các khoản vay tín chấp. Mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến mà các công ty tài chính áp dụng là từ 40 - 50%/năm, cá biệt, có trường hợp lên tới 70%/năm".

Một mặt người dân "rụt rè" đi vay, mặt khác, nhiều ngân hàng và công ty tài chính cũng "chùn tay" cho vay vì lo ngại rủi ro nợ xấu từ mảng cho vay tiêu dùng đang ở mức đáng báo động.

Chỉ trong 10 tháng năm 2023, tổng dư nợ cho vay của 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép đã giảm tới 70.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Nợ xấu của các công ty tài chính tăng từ mức 10,7% trong cuối năm 2022 lên 12,5% tính đến cuối tháng 6/2023, theo thống kê của Fiingroup. Khi nợ xấu gia tăng, các công ty tài chính buộc phải siết chặt điều kiện cho vay và đẩy lãi suất vay lên cao. Điều này vô hình trung lại khiến những người có nhu cầu vay tiêu dùng chính đáng khó tiếp cập nguồn vốn hơn, kéo theo lượng khách hàng của các công ty tài chính tư lại tiếp tục bị thu hẹp.

Theo các chuyên gia, hiện dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính mới chỉ đạt khoảng 220.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,87% tổng dư nợ toàn nền kinh tế nên dư địa còn rất lớn, đặc biệt trong thời điểm cuối năm.

Các công ty tài chính cũng cần thực hiện tốt khuyến nghị của NHNN về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ thống chấm điểm tín dụng, đánh giá chính xác điểm tín dụng của khách hàng; tăng hiệu quả và tốc độ xử lý tín dụng, thực thi các nguyên tắc của một tổ chức tài chính bền vững, đẩy mạnh cho vay có trách nhiệm. Đồng thời, cần phải có hàng lang pháp lý chặt chẽ hơn, bảo đảm khoản vay, giúp thị trường ổn định, lành mạnh…
 
Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tima Trần Thế Vĩnh

Trong khi đó, hiện nay thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn đang thiếu một hành lang pháp lý đủ sức vừa chế tài, quản lý được việc các DN cho vay sai quy định cũng như vừa bảo vệ được những DN làm đúng, tạo ra sự phát triển lành mạnh của thị trường tài chính tiêu dùng.

Do đó, việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, có cơ chế quản lý riêng biệt theo đặc thù ngành là cần thiết. Về phía khách hàng, khi vay vốn tại các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng này cần phải tìm hiểu kỹ về các điều khoản, lãi suất... để tránh các trường hợp lãi suất quá cao, mất khả năng thanh toán.

Ý kiến bạn đọc