Mắt xích quan trọng trong đại án Vạn Thịnh Phát - Dầu khí Đông Phương nợ thuế gần 800 tỷ đồng
(Thị trường tài chính) - Đứng đầu danh sách nợ thuế tại Cần Thơ là Công ty CP Dầu khí Đông Phương, với số tiền nợ hơn 760 tỷ đồng. Đây là một trong những mắt xích quan trọng trong đại án Vạn Thịnh Phát.
Cục Thuế TP. Cần Thơ vừa có thông báo công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.
Danh sách trên có 163 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước tính đến ngày 31/5/2024, với tổng số tiền hơn 2.130 tỷ đồng.
Đứng đầu danh sách là Công ty CP Dầu khí Đông Phương, với số tiền nợ thuế hơn 760 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận đứng thứ 2 với số nợ thuế hơn 625 tỷ đồng; Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam S.W.P - Chi nhánh Cần Thơ nợ thuế hơn 238 tỷ đồng…
Chân dung Công ty CP Dầu khí Đông Phương
Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương thành lập ngày 20/12/2010, trụ sở chính tại Khu công nghiệp Hưng Phú 2A, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ. Ngành nghề chính là sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế.
Tại thay đổi 19/9/2018, Công ty tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng, lên 250 tỷ đồng. Tại thời điểm này, ông Nguyễn Thanh Tùng giữ vai trò đại diện kiêm Tổng giám đốc Công ty.
Đến 20/3/2019, Dầu khí Đông Phương tiếp tục tăng vốn lên 310 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập không được tiết lộ. Chỉ sau một tháng tiếp theo, Công ty tăng vốn lên 430 tỷ đồng.
Đến tháng 11/2021, Dầu Khí Đông Phương tăng vốn thêm 200 tỷ đồng lên 630 tỷ đồng.
Năm 2012, Nhà máy Pha chế xăng dầu Đông Phương được khởi công với tổng số vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, công xuất thiết kế 130.000 MT/năm sản xuất ra các sản phẩm xăng, dầu, LPG, dung môi …
Từ năm 2018, Dầu khí Đông Phương ghi nhận nợ 108 tỷ đồng tiền thuế, sang năm 2019 số nợ tăng lên 115 tỷ đồng. Đến năm 2020, Công ty nợ thuế lên tới 630 tỷ đồng và đến thời điểm tháng 6/2021 số tiền nợ thuế tăng lên gần 1.000 tỷ đồng.
Vào tháng 11/2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID) đã có loạt thông báo về việc bàn giao tài sản nhà máy của Dầu khí Đông Phương.
Theo BIDV, trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, Dầu khí Đông Phương vi phạm nghĩa vụ trả nợ. BIDV đã nhiều lần đôn đốc, tạo điều kiện trả nợ, tuy nhiên Dầu khí Đông Phương vẫn không thực hiện đúng nghĩa vụ và khoản vay đã bị quá hạn từ năm 2019.
Tính đến ngày 7/11/2023, dư nợ của khoản vay của Dầu khí Đông Phương lên tới 1.190 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 783,67 tỷ và nợ lãi 406,6 tỷ đồng.
Vì vậy, BIDV quyết định thu hồi loạt tài sản bảo đảm cho khoản nợ trên của Dầu khí Đông Phương gồm: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với 11.207 m2 đất tại Lô BB1, Khu công nghiệp BMC – Hưng Phú 2A, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ; Xe ô tô Toyota Fortuner; Toàn bộ tài sản là Nhà máy pha chế xăng dầu Đông Phương tại Khu công nghiệp BMC – Hưng Phú 2A, Phường Phú Thứ, Quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
BIDV cũng xử lý tài sản bảo đảm của ông Nguyễn Thanh Tùng để xử lý thu hồi cho khoản nợ của Dầu khí Đông Phương gồm: Quyền sử dụng 1.635 m2 đất và tài sản gắn liền với đất của ông Nguyễn Thanh Tùng tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM; Quyền sử dụng 6.259 m2 đất và tài sản gắn liền với đất của ông Nguyễn Thanh Tùng tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM.
Đại gia dầu khí Nguyễn Thanh Tùng, người gây thiệt hại cho SCB hơn 850 tỷ trong vụ Vạn Thịnh Phát
Trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, bị cáo Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT và Đào Chí Kiên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí Đông Phương bị cáo buộc có hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Hai bị cáo nêu trên bị cáo buộc giúp sức bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, rút tiền của Ngân hàng SCB trái pháp luật.
Theo cơ quan tố tụng, Công ty Dầu khí Đông Phương có quan hệ vay vốn tại SCB. Quá trình đó, thông qua Trương Khánh Hoàng - quyền Tổng Giám đốc SCB, Nguyễn Thanh Tùng có quen biết với Trương Mỹ Lan.
Tháng 5/2022, để tiếp tục rút tiền từ SCB, Trương Mỹ Lan đã thỏa thuận với Nguyễn Thanh Tùng về việc sử dụng các công ty trong nhóm của ông này đứng tên, tạo lập hồ sơ vay vốn của ngân hàng này, để cùng sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo Trần Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Giám đốc SCB phối hợp với Nguyễn Thanh Tùng lập hồ sơ vay vốn và tài sản đảm bảo do mình đưa vào. Thực hiện thỏa thuận, Nguyễn Thanh Tùng chỉ đạo Đào Chí Kiên và các đối tượng khác trong nhóm đưa thông tin 35 công ty cho nhân viên SCB lập 37 hồ sơ vay vốn, với tổng số tiền hơn 1.720 tỷ đồng.
Trong đó Nguyễn Thanh Tùng và Đào Chí Kiên trực tiếp quản lý và chuyển thông tin 11 công ty cho nhân viên SCB lập 11 hồ sơ vay vốn, giải ngân 443,6 tỷ đồng cho Tùng sử dụng vào việc nộp thuế của Công ty Phương Đông. Đến ngày 17/10/2022, 11 khoản vay này còn tổng dư nợ là hơn 446 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát cáo buộc, Nguyễn Thanh Tùng gây thiệt hại cho SCB hơn 850 tỷ đồng; Đào Chí Kiên là hơn 356 tỷ đồng.