Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi): Công khai, minh bạch hơn
Thitruongtaichinh - Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) 2024 đưa ra nhiều nội dung mới, phản ánh sự cập nhật kịp thời giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh trong thời gian qua.
Luật mới sẽ tạo nên những cú hích hiệu quả để cải thiện và nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới.
Chặn sở hữu chéo
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 18/1, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi) và một số văn kiện khác. Đây là các văn kiện quan trọng đối với sự phát triển ổn định của nền kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Đối với Luật Các TCTD, đây là lần sửa đổi thứ 2, sau lần sửa đổi năm 2017. Mặc dù đạo luật này được coi là có tuổi thọ khá cao so với nhiều đạo luật khác của Việt Nam, nhưng sau 13 năm ban hành, việc sửa đổi là hết sức cần thiết để kịp thời cập nhật và điều chỉnh một số quan hệ trong thị trường tài chính phát sinh các hệ lụy xấu với nền kinh tế, đặc biệt là sau một số diễn biến có tính thời sự như tại Ngân hàng SCB, vấn đề bán bảo hiểm chéo vừa qua.
Một trong các nội dung được quan tâm nhiều nhất là các nội dung về hạn chế sở hữu chéo, thao túng, chi phối TCTD. Theo đó, Luật bổ sung thêm quy định các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của TCTD phải cung cấp thông tin, đồng thời các TCTD phải thực hiện công bố công khai minh bạch thông tin của các cổ đông này. Giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Cổ đông lớn và người có liên quan xuống còn 5% vốn điều lệ của TCTD. Giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần nêu trên bao gồm cả số cổ phần sở hữu gián tiếp.
Thực tiễn thời gian qua đã cho thấy, xuất phát từ vấn đề sở hữu chéo diễn biến hết sức phức tạp, gây ra những hệ lụy rất lớn tới sự an toàn, an ninh của thị trường tín dụng. Vấn đề sở hữu chéo biến các TCTD thành các TCTD sân sau, điểm huy động vốn cho các dự án của riêng một số DN, tạo nên sự lũng đoạn thị trường và tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ có tính hệ thống.
Thực tế, từ sau lần sửa đổi năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều động thái ngăn chặn vấn đề sở hữu chéo, nhưng ông chủ thật sự của ngân hàng vẫn tìm cách lách luật thông qua người quen biết để tìm cách sở hữu gián tiếp.
Tăng thanh tra, kiểm tra
Một số điều chỉnh trong Luật Các TCTD sửa đổi có ảnh hưởng trực tiếp tới những vấn đề về kiểm soát sở hữu chéo, chi phối TCTD, hoạt động kinh doanh đại lý bảo hiểm, can thiệp sớm tổ chức yếu kém, xử lý tài sản bảo đảm... Do đó, sẽ có tác động trực tiếp tới cơ cấu sở hữu, quyền điều hành và quản trị DN, cũng như các hoạt động tài trợ vốn của DN.
Luật Các TCTD sửa đổi 2024 quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ sở hữu nêu trên áp dụng đối với cả hình thức trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận thì việc đưa ra các quy định về giới hạn tỷ lệ như vậy có thể điều chỉnh hành vi của người ngoài ánh sáng, nhưng khó chi phối người trong bóng tối. Do đó, cần thêm các giải pháp có tính đồng bộ khác, như nâng cao hiệu quả và chất lượng thanh kiểm tra, giám sát thị trường và xử lý vi phạm ngay từ đầu một cách triệt để.
Về hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD, Điều 15 quy định một trong các hành bị cấm là “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
Cùng với quy định về bán chéo bảo hiểm, Luật mới quy định riêng Điều 15 về các hành vi bị nghiêm cấm, thể hiện một cách rõ ràng các quan điểm của Nhà nước về những nguyên tắc căn bản trong hoạt động của TCTD mà Nhà nước không cho phép; như quy định nghiêm cấm “Tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” là sự thể hiện rõ ràng về việc ngăn ngừa TCTD bị chi phối, điều hành ngầm mới một hoặc một số cá nhân ở sân sau.
Các quy định cấm này thể hiện rất rõ sự cập nhật các giải pháp “vá lỗ hổng” thông qua một số diễn biến thời gian như việc bán chéo bảo hiểm bắt buộc ở một số ngân hàng, hiện tượng SCB bị bà Trương Mỹ Lan kiểm soát tuyệt đối dẫn tới nhiều rủi ro mang tính hệ thống cho thị trường, buộc Nhà nước phải can thiệp. Các quy định về nghiêm cấm nêu trên là sự bổ sung kịp thời, nhưng cần thiết phải có sự hướng dẫn thi hành một cách chi tiết trong các văn bản dưới luật, đặc biệt cần làm rõ nội hàm khái niệm “can thiệp trái pháp luật” để từ đó hướng dẫn cụ thể các biện pháp ngăn chặn.