Lộ trình áp dụng thí điểm và cách tính giá điện 2 thành phần cho khách hàng sản xuất, kinh doanh
Cơ quan chức năng vừa thông tin về lộ trình áp dụng thí điểm đối với khách hàng theo cơ chế giá điện hai (2) thành phần gồm giá công suất và giá điện năng
Vì sao cần áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần?
Theo các chuyên gia, biểu giá bán lẻ điện hiện nay chỉ áp dụng một thành phần giá điện năng (đ/kWh) chưa tạo ra tín hiệu giá bán điện phản ánh đúng chi phí bởi hành vi sử dụng điện gây ra cho hệ thống điện, đồng thời chưa khuyến khích khách hàng nâng cao hệ số phụ tải điện. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước trong khu vực và trên thế gới đều áp dụng giá điện 2 thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý.
Theo đó, với việc áp dụng thêm thành phần giá công suất (đ/kW hoặc đ/kVA) mục tiêu là làm cho khách hàng phải luôn quan tâm đến chế độ sử dụng điện của mình để giảm hóa đơn tiền điện mà họ phải trả và điều đó vô hình chung cũng giúp ngành điện giảm được Pmax (công suất mang tải cực đại của hệ thống điện), tăng khả năng huy động các nguồn phát nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị ngành điện của khách hàng thông qua chỉ số Tmax (thời gian sử dụng công suất cực đại). Như vậy, sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được hóa đơn tiền điện đồng thời giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện (giảm chi phí tránh được) để đáp ứng nhu cầu điện cho khách hàng và thu hồi được chi phí đầu tư đối với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng khách hàng sử dụng ít hơn so với mức công suất đã đăng ký.
Kinh nghiệm cho thấy, việc áp dụng giá điện 2 thành phần gồm giá công suất và giá điện năng đem lại lợi ích cho cả khách hàng và đảm bảo thu hồi được chi phí đầu tư của ngành điện nên cơ chế giá điện 2 thành phần được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên, không ngừng nâng cao khả năng sử dụng tài sản cố định nhằm giảm giá thành sản xuất nâng cao hiệu quả chung của xã hội.
Cơ chế giá điện 2 thành phần sẽ áp dụng cho khách hàng sản xuất kinh doanh và thí điểm trên giấy |
Cách tính giá điện 2 thành phần
Nói tóm lại, với giá điện 2 thành phần, khách hàng sẽ trả khoản tiền trả cho giá công suất sử dụng và khoản phải trả cho phần giá điện năng (số kWh tiêu thụ thực tế).
Để có cái nhìn trực quan, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Cục Điều tiết Điện lực đưa ra một ví dụ minh họa cho 1 trường hợp với đối tượng cụ thể (phương án giá điện 2 thành phần sau này sẽ có thể bao gồm nhiều lựa chọn)
Theo đó, giá giá điện 2 thành phần được tính theo công thức như sau: TC = Cp*Pmax + Ca*A = Cp*Pmax + Ca*P max*T max
Trong đó: TC: Tổng giá trị hóa đơn tiền điện khách hàng phải trả; Pmax là công suất lớn nhất mà khách hàng sử dụng; Cp là đơn giá công suất đ/kW; Cp*Pmax là phần trả cho công suất; Tmax là thời gian sử dụng công suất lớn nhất.
A là lượng điện năng tiêu thụ thực tế (A = Pmax * Tmax); Ca là đơn giá điện năng tiêu thụ đ/kWh. Ca *A là khoản trả cho điện năng tiêu thụ thực tế.
Giá điện bình quân cho 1 kWh (GT (1 kWh)) sẽ được tính theo công thức GT (1 kWh) = Cp /Tmax + Ca.
Kết quả tính toán giá điện bình quân cho 1 kWh như trên cho thấy: nếu Tmax càng lớn (tương ứng với hệ số sử dụng nguồn điện, hệ số phụ tải) thì giá điện bình quân mà người tiêu dùng phải trả sẽ càng giảm và ngược lại. Đây chính là động lực thúc đẩy khách hàng luôn quan tâm đến chế độ sử dụng điện của mình để có chi phí sử dụng điện thấp nhất.
Với khách hàng có mức sử dụng điện lớn khi tăng Tmax sẽ làm cho giá sử dụng điện bình quân phải trả hạ xuống. Phía ngành điện, tăng Tmax cũng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định của ngành điện giúp ngành có thể giảm Pmax của cả hệ thống điện và do đó giảm chi phí đầu tư, thu hồi được chi phí cố định.
Như vậy, việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên: ngành điện - Bên cung ứng điện và người tiêu dùng - các khách hàng tiêu thụ điện.
Ví dụ minh họa cho khách hàng 110 kV áp dụng giá công suất |
Qua ví dụ trên ta thấy: Khách hàng A có tổng điện năng tiêu thụ 2,7 MWh, khách hàng B tổng tiêu thụ 7,5 MWh cùng có mức giá bán bình quân 1.364 đ/kWh và sử dụng Pmax = 2MW. Tuy nhiên, khách hàng B có tổng thời gian sử dụng lớn hơn thể hiện (hệ số phụ tải cao hơn) và kết quả giá bình quân sử dụng điện của khách hàng B thấp hơn khách hàng A do tính chất (hành vi) và đặc điểm sử dụng điện của khách hàng B. Bổ sung thêm thành phần Giá công suất (đồng/kW cao nhất mỗi tháng hoặc chu kỳ) áp dụng cho những khách hàng lớn để khuyến khích họ giảm thiểu phụ tải vào giờ cao điểm và có thể giảm nhu cầu đầu tư của ngành điện để phục vụ công suất nguồn và lưới vào thời kỳ cao điểm của hệ thống.
Điều kiện, lộ trình áp dụng giá điện 2 thành phần cho khách hàng sản xuất
Giá bán điện 2 thành phần với nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Tuy nhiên, để áp dụng cơ chế giá này đòi hỏi hệ thống đo đếm được 2 thành phần điện năng (kWh) và công suất (Pmax/Imax). Như vậy, việc áp dụng và triển khai hệ thống giá bán cần phải đảm bảo sự sẵn sàng của hạ tầng điện lực như công tơ đo đếm và truyền dữ liệu.
Hiện nay, các Tổng công ty Điện lực đã triển khai áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng đối với hầu hết các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh (những khách hàng thuộc đối tượng áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày - TOU). Tính đến năm 2019, toàn quốc đã lắp đặt hơn 523 nghìn công tơ TOU cho tất cả các khách hàng đủ điều kiện áp dụng Biểu giá TOU như khách hàng sản xuất và kinh doanh dịch vụ.
Như vậy, về hạ tầng ngành điện (công nghệ thông tin, hệ thống đo đếm) đã sẵn sàng cho phép việc áp dụng biểu giá 2 thành phần. Tuy nhiên, việc áp dụng biểu giá này sẽ làm thay đổi hành vi cơ bản về tính chất sử dụng điện, tác động trực tiếp đến chế độ sử dụng điện của khách hàng, hóa đơn tiền điện và cả hệ thống điện. Do đó, cần phải có lộ trình thử nghiệm trên giấy, công tác tuyên truyền để khách hàng hiểu rõ áp dụng và giai đoạn thí điểm thật, nhằm tổng kết đánh giá ưu nhược điểm, rút ra bài học của cơ chế mới trước khi áp dụng cơ chế/chính sách mới rộng rãi vào cuộc sống.
Việc áp dụng thí điểm cơ chế giá bán điện 2 thành phần bước đầu chỉ mang tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện (do khách hàng tiếp tục trả tiền điện theo biểu giá điện hiện hành). Do áp dụng thí điểm thông qua dữ liệu đo đếm từ công tơ điện nên sẽ chưa có tác động điều chỉnh được hành vi sử dụng điện trực tiếp tới khách hàng để sử dụng điện tiết kiệm và đem lại hiệu quả cho khách hàng, tuy nhiên, đây là bước thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện hai thành phần nhằm giúp cơ quan quản lý xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần khi áp dụng phù hợp với thực tế.
Đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, ở thời điểm hiện tại, việc áp dụng giá điện 2 thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm trên giấy đối với nhóm khách hàng sản xuất kinh doanh, chưa áp dụng với khách hàng sinh hoạt. Sau khi thí điểm, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc triển khai áp dụng phù hợp.
Giá điện 2 thành phần đã được đề cập và nghiên cứu khá lâu, tuy nhiên do một số yếu tố chưa triển khai áp dụng. Đầu năm 2024, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu, đề xuất lộ trình, những khách hàng áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần. |