Khởi nghiệp là hành trình chấp nhận thách thức, không mệt mỏi
(Thị trường tài chính) - Khởi nghiệp phải được hiểu là một hành trình không biết mệt mỏi của sự đón nhận cơ hội, tập trung nguồn lực, chấp nhận thách thức và tạo nên thành quả cho mình, cho gia đình và cho toàn xã hội.
Đó là nhận định được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam lần 4 do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức chiều 10/12 tại Hà Nội.
Khởi nghiệp không cho phép dậm chân tại chỗ
Năm 2023 đến với nhiều dấu ấn đặc biệt, khi các doanh nghiệp khởi nghiệp đang có tốc độ phát triển ấn tượng, với 3.800 doanh nghiệp trên toàn quốc, trong đó đã có những doanh nghiệp được định giá tỷ USD và có những đóng góp đáng ghi nhận cho bức tranh kinh tế Việt Nam. Đồng thời, diễn đàn cũng chia sẻ những vấn đề phát triển những thế mạnh địa phương, trong đó đặc biệt thế mạnh khởi nghiệp nông dân trong thời đại chuyển đổi số.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, khởi nghiệp không phải hiểu là những ai mới thành lập doanh nghiệp mà khởi nghiệp phải được hiểu là một hành trình không biết mệt mỏi của sự đón nhận cơ hội, tập trung nguồn lực, chấp nhận thách thức và tạo nên thành quả cho mình, cho gia đình và cho toàn xã hội.
Thêm vào đó, doanh nhân khởi nghiệp chính là động lực và là nhân tố quyết định cho phát triển kinh tế, xã hội, đất nước. Bởi họ là người tạo ra việc làm và tạo ra của cải cho xã hội. "Đầu tư 1 đồng cho khởi nghiệp có thể tạo ra hàng trăm đồng cho xã hội. Do đó, doanh nghiệp nên đưa vào kế hoạch của mình là nguồn đầu tư cho khởi nghiệp là cho sự phát triển đất nước. Nếu thực hiện được sẽ tạo bước phát triển đột phá cho khởi nghiệp thời gian tới.” - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
TS Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc Gia (VINEN) cho biết, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia thực hiện sứ mệnh là “Nơi ươm mầm và nâng tầm doanh nhân Việt” tất cả chỉ để “Phục sự dân tộc - Hưng thịnh Quốc gia. “Các doanh nghiệp hãy cứ mạnh dạn khởi nghiệp, phát huy hết khả năng, chất xám, trí tuệ một cách triệt để, thành công đến từ trải nghiệm và sự nỗ lực. Xã hội ngày càng phát triển đồng nghĩa với tư duy của các bạn trẻ phải phát triển, cuộc sống không cho phép dậm chân tại chỗ thì không có lý do gì phải lùi lại phía sau. Hãy cứ khởi nghiệp từ việc đơn giản nhất các bạn sẽ thấy thú vị và ý nghĩa vô cùng” - ông Hòa nói.
Cần quy định ngày hội khởi nghiệp Quốc gia
Theo TS Vũ Tiến Lộc, năm 2024, dự báo kinh tế phục hồi theo hướng đổi mới, sáng tạo gắn tinh thần khởi nghiệp với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Và con số gần 2 tỉ USD được rót vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn 2020 - 2022 từ số liệu của Bộ KH&CN vẫn còn khiêm tốn.
Về lâu dài, Chính phủ cần quy định Ngày Khởi nghiệp Quốc gia, giao Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia phối hợp với các cơ quan liên quan bình chọn và trao giải thưởng cho các địa phương, doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu.
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia bày tỏ các doanh nghiệp nông nghiệp cần đổi mới, đầu tư thật đẹp cho vỏ, bao bì sản phẩm, nhận diện thương hiệu bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm. Một ví dụ là trà Việt Nam dù rất ngon nhưng giá bán chưa cao do bao bì chưa đẹp như các nước bạn.
“Cho đến nay, dù có nhiều lợi thế, có thứ hạng cao trên thế giới về xuất khẩu những mặt hàng chủ lực nhưng việc nông nghiệp Việt Nam về căn bản là nông nghiệp gia công, giá trị gia tăng thấp, giống cây trồng, vật tư, phân bón … chủ yếu dựa vào nguồn nhập khẩu. Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít trong hơn 900.000 doanh nghiệp mới có 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Người nông dân một nắng hai sương, đã không thể giàu lên từ nông nghiệp. Điều mà tất cả chúng ta càng day dứt” - TS Vũ Tiến Lộc nhận định.
Do đó, đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đang là khúc quân hành cho người nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam trên con đường tiến tới khát vọng hùng cường. Phải chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phải biến mỗi người nông dân thành một nhà khởi nghiệp.
Có ý kiến cho rằng chủ doanh nghiệp khởi nghiệp phải quan tâm marketing, tuyển dụng nhân sự chuyên nghiệp. Ví dụ, chuỗi siêu thị phải chú trọng huấn luyện nhân viên từ cúi chào, niềm nở khi mua sắm.