Huy động vàng trong dân có dễ?
Thitruongtaichinh - Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn tiền trong dân còn rất nhiều và thường được dự trữ qua vàng. Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm sao huy động được vàng trong dân để đưa vào sản xuất kinh doanh, thay vì để vốn chết?
Hút hơn 400 tấn vàng trong dân bằng chứng chỉ vàng
Nhiều năm trước, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) từng kiến nghị huy động vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh. Đại diện VGTA cho biết, người Việt luôn xem vàng là tài sản để dành và tích trữ, mang lại sự may mắn và an tâm lâu dài cho cuộc sống. Một lượng lớn vàng, tương đương nhiều tỷ USD, của người dân đang nằm “bất động” là sự lãng phí rất lớn.
Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ về lượng vàng tích trữ trong dân. Chỉ biết rằng theo con số ước tính của nhiều chuyên gia kinh tế, có thể lên tới 500 tấn vàng, thậm chí còn có ước tính lên tới hàng nghìn tấn. Có một nguồn lực tiềm năng như vậy nhưng làm thế nào để có thể huy động nguồn vốn đó? Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có thể sử dụng số vàng đó để thế chấp với các tổ chức tài chính thế giới và vay tiền của họ. Bởi Việt Nam vẫn cần phải vay nợ nước ngoài. Ông Hiếu đề xuất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ là cơ quan chủ trì để huy động nguồn vốn từ nhân dân qua việc phát hành chứng chỉ vàng. Theo đó, NHNN sẽ đứng ra huy động số vàng từ nhân dân thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại và số vàng đó sẽ được lưu trữ tại các NHTM dưới sự ủy quyền của NHNN. Đồng thời, NHNN cũng cam kết với người dân sẽ trả lại đúng với số vàng mà đã vay từ nhân dân.
Cũng có ý kiến cho rằng, nên thành lập sàn giao dịch vàng để quản lý thị trường vàng minh bạch, theo đúng xu hướng của thế giới. “Số lượng vàng trong rất lớn cần huy động thành nguồn lực tài chính trong sự phát triển kinh tế xã hội. Nhưng để huy động được, NHNN cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với thị trường vàng mà chúng ta đề xuất là Sở giao dịch vàng”- TS. Trần Thọ Đạt đề xuất.
TS Trần Thọ Đạt cho rằng thời gian tới cần sớm tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước để cho phép Sở Giao dịch Hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua các loại hợp đồng, như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn. Các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ và được phép xuất nhập khẩu vàng căn cứ vào các điều kiện hợp đồng do Sở giao dịch ban hành.
Bên cạnh đó, ông đề xuất thành lập quỹ tín thác (ETF) vàng như công cụ tài chính quốc tế và chứng chỉ quỹ này cũng có thể được mua bán trên Sở giao dịch để khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, thay vì nắm giữ vàng miếng.
Nếu quỹ tín thác này có thể tham gia mua bán các sản phẩm phái sinh hiện đại giống các sàn giao dịch trên thế giới thì quỹ tín thác bằng vàng sẽ có vai trò như quỹ bình ổn, giảm bớt áp lực đối với cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ, cơ quan quản lý và khi giá vàng xảy ra hiện tượng sụt giá, góp phần tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho hay, việc phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng đã thông dụng ở một số nước. Thay vì giữ vàng vật chất thì chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ giúp người dân chỉ cần giữ “vàng giấy” đó và có thể trao đổi trên sàn giao dịch.
Phó Chủ tịch VGTA cũng bày tỏ, khi có chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ bớt lệ thuộc vào vàng vật chất, người dân hay nhà đầu tư có nơi để gửi vàng vào sử dụng mua bán, giao dịch. Trong khi đó, có thể đưa được số vàng tích trữ đó của dân vào nền kinh tế, để lưu thông.
“Nhìn nhận quyền sở hữu vàng nhưng không tạo điều kiện đưa vàng vào lưu thông thì mỗi nhà đầu tư, mỗi người dân chỉ biết mua vàng vật chất về cất trữ. Nếu tạo điều kiện cho họ cất trữ, lại có lợi cho nền kinh tế thì người dân hay nhà đầu tư sẽ sẵn sàng, lãi suất không cần quá cao”- ông Khánh nói thêm.
Quá trình lâu dài
Câu chuyện huy động vàng trong dân được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay và ngày càng nóng. Trước đây, giai đoạn từ năm 2001 – 2008, NHNN cũng đã từng cho các ngân hàng thương mại huy động vàng, trong điều kiện giá vàng tương đối ổn định, hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã huy động được nguồn vốn nhất định đóng góp cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, từ năm 2008-2011, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, giá vàng thế giới biến động tăng, giảm mạnh (có thời điểm tăng đến 300% so với năm 2008) khiến giá vàng trong nước cũng biến động mạnh theo gây rủi ro lớn cho cả TCTD và người đi vay.
Theo NHNN, việc TCTD huy động, cho vay vàng đã gây hệ lụy cho nền kinh tế, gia tăng nhu cầu nắm giữ vàng để đầu cơ, tích trữ và gửi tại các TCTD để hưởng lãi suất. Điều này càng làm trầm trọng hơn tình trạng vàng hóa, gây bất ổn thị trường vàng, cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn này. Trước tình hình đó, cuối tháng 11/2012, hoạt động huy động vàng của các ngân hàng đã bị chấm dứt, thay vào đó là chỉ giữ hộ vàng có thu phí. NHNN cũng cho rằng, việc chuyển hóa nguồn lực vàng là một quá trình lâu dài, các giải pháp để chuyển hóa nguồn lực vàng cần thực hiện nhất quán, đồng bộ và từng bước.
Dù lập sàn vàng quốc gia hay các ngân hàng thương mại lại được phép huy động vàng, các chuyên gia kinh tế đều đưa ra nhiều ý kiến, lập luận khác nhau. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, huy động vàng, dù ở bất kỳ hình thức nào, cũng khiến tình trạng vàng hóa gia tăng và kích thích tâm lý tích trữ vàng. Vay vốn bằng vàng, dù đã bớt rủi ro vì bảo hiểm trượt giá, thì vẫn làm tăng gánh nặng nợ quốc gia trong tương lai. Chưa kể, trong bối cảnh vốn ngân hàng đang ứ thừa hiện nay, việc đặt vấn đề huy động vàng là chưa cần thiết. Rủi ro huy động vàng có thể lớn hay nhỏ, tùy vào tình hình thị trường.
Câu chuyện thành lập sàn giao dịch vàng đã được đề cập từ nhiều năm trở lại đây nhưng vẫn còn “bỏ ngỏ” nên người mua vàng mang về nhà cất giữ thay vì gửi vào ngân hàng như trước đây. Cũng vì thế, một nguồn vốn trong xã hội chưa được khai thác, nằm im trong dân. Chưa kể, thị trường vàng có những diễn biến khó hiểu.
Do vậy, các chuyên gia có chung nhận định, trước mắt, việc điều chỉnh, sửa đổi một số quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng cho phù hợp với hoàn cảnh mới là cần thiết.
“Một trong những nội dung doanh nghiệp rất quan tâm là chênh lệch giá vàng SJC. Tôi cho rằng, nếu ngay cả sàn vàng chỉ kinh doanh vàng SJC mà không gắn với việc điều chỉnh nguồn cung thì cũng chưa giải quyết được việc chênh lệch giá. Cho nên, khi điều hành phần này, cần sự hài hòa để cân đối cung - cầu, nếu không sẽ không xử lý được vấn đề chênh lệch giá" - Phó Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Việt Anh nói.
Theo các chuyên gia, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cần sửa đổi theo hướng về sát với bối cảnh thị trường. Từ đó, thiết lập cân bằng quan hệ cung cầu trên thị trường hiện nay. “Về doanh nghiệp nhập khẩu vàng, có thể quy định cấp phép nhiều hơn, song vẫn phải đáp ứng tiêu chí mà Chính phủ, NHNN quy định và đương nhiên phải chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên”- TS Cấn Văn Lực nêu ý kiến.
TS Cấn Văn Lực chia sẻ thêm, xu hướng chung của thế giới hiện nay cũng không theo hướng lập sàn giao dịch vàng nữa. Trước kia, Ấn Độ, Trung Quốc cũng lập sàn giao dịch vàng và hiện vẫn đang duy trì, nhưng họ cũng chuyển dịch theo hướng khuyến khích giao dịch bằng vàng tài khoản nhiều hơn, cái này đưa đến hiệu ứng tích cực là khuyến khích giao dịch không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.
Thay vì nhà nước huy động vàng trong dân để sản xuất, sao không có cách thức để cho dân không muốn giữ vàng nữa. Mấu chốt của việc huy động vốn là nằm ở lòng tin của người dân. Khi đó người dân thấy hành động để vốn “chôn” trong vàng không có lợi bằng đem tiền ra đầu tư vào nền kinh tế, những thứ ít “nằm chết” hơn. Quan trọng hơn cả vẫn là các giải pháp xây dựng, bảo đảm được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, sôi động nhưng ổn định, bền vững để người dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh thay vì tích trữ vàng, đô la Mỹ; để nguồn lực rất lớn này luôn tuần hoàn, mang lại lợi ích to lớn cho cả nền kinh tế và cho các gia đình. (TS. Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng- NHNN)