Giá vé máy bay Tết tăng cao, du lịch nội địa khó hút khách
(Thị trường tài chính) - Chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân được nghỉ 7 ngày nên nhu cầu du lịch tăng cao. Tuy nhiên, việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé kéo theo giá tour nội địa tăng mạnh khiến thị trường trong nước khó hút khách.
Vé máy bay giá cao ngất ngưởng
Đặt vé máy bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh từ 26 - 29 tháng Chạp, chị Quỳnh Chi ở ngõ 85 đường Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) "toát mồ hôi" vì giá cao, dao động từ hơn 3 - 9,5 triệu đồng/lượt. Theo chị Quỳnh Chi, dù đã tìm hiểu nhiều hãng bay nhưng mức giá trên quả thực là quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân.
Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trên trang bán vé trực tuyến Abay các chuyến bay từ Hà Nội đến các điểm du lịch như Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn trong giai đoạn cao điểm Tết đang khan hiếm vé giá rẻ.
Hiện nay, Vietnam Airlines đã hết vé phổ thông từ Hà Nội tới Nha Trang vào ngày 11/2/2024, tức mồng 2 Tết Âm lịch. Đối với hạng vé thương gia, giá khứ hồi cho chuyến 4 ngày hiện đang dao động trong khoảng 10-14,528 triệu đồng. Trong khoảng thời gian trên, giá vé bay Vietjet chặng Hà Nội - Nha Trang khoảng 4,6 triệu/vé khứ hồi hạng phổ thông và hơn 5 triệu khứ hồi hạng phổ thông đặc biệt. Với Bamboo Airways, giá vé khứ hồi cho đường bay này là 6-7 triệu đồng/vé.
Là một trong những điểm đến "hot" nhất các kỳ nghỉ, đường bay từ Hà Nội đi Phú Quốc trong dịp nghỉ Tết Giáp Thìn không hiếm chuyến bay nhưng giá khá "chát". Hiện, mức vé khứ hồi của Vietnam Airlines của tuyến Hà Nội-Phú Quốc lên tới 10-13 triệu đồng/vé khứ hồi, chỉ có một số chuyến bay giờ sớm hoặc đêm khuya giá 7-8 triệu đồng/vé khứ hồi. Trong khi đó, giá vé bay Vietjet chặng Hà Nội - Phú Quốc từ 6-6,8 triệu đồng/vé khứ hồi, với Bamboo Airways, là 7,6 - 9,5 triệu đồng/vé.
Tương tự, giá vé máy bay từ Hà Nội đi Đà Lạt ngày 11/2 (mùng 2 Tết), ngày về 17/2 (mùng 8 Tết) của VietJet Air có giá 4,6 triệu đồng; Bamboo Airways 7,1 triệu đồng. Cá biệt giá vé của hãng hàng không Vietnam Airlines, cao nhất lên tới 9,9 triệu đồng. Cũng trong thời điểm này chặng Hà Nội - Đà Nẵng của VietJet Air là 3,3 triệu đồng; Vietravel Airlines 3,2 triệu đồng, Bamboo Airways 5,1 triệu đồng và Vietnam Airlines 4,975 triệu đồng.
Nhìn chung, vé máy bay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay không thiếu hụt như những năm trước nhưng giá tăng gần 30% so với ngày thường.
Khách hàng ngại đi du lịch nội địa
Theo các chuyên gia, giá vé máy bay tăng cao sẽ ảnh hưởng đến du lịch nội địa trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết, vé máy bay thường chiếm khoảng 30-40% trong giá tour, nhưng trong dịp Tết Nguyên đán đã lên tới 50-55%. Điều này buộc các công ty lữ hành phải điều chỉnh tăng giá tour nội địa 10 - 20% làm sức hút của thị trường này giảm mạnh, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt trong việc thu hút khách quốc tế.
Đại diện một số công ty du lịch cũng thừa nhận, đang đau đầu trước việc vé máy bay tăng cao khiến doanh nghiệp không thể đưa ra tour giá rẻ. Đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan này, một số công ty đã giảm lợi nhuận để giữ chân khách hàng, nhưng không phải đơn vị nào cũng đủ tiềm lực thực hiện và việc bù giá cũng chỉ là biện pháp tạm thời.
Giá tour nội địa trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tăng đang khiến người tiêu dùng chuyển sang đi tour nước ngoài như Thái Lan, Singapore. Tổng giám đốc Tràng An Travel Nguyễn Hữu Cường thông tin, giá vé khứ hồi bay nội địa của các hãng hàng không trên một số đường bay trong dịp Tết bằng, thậm chí cao hơn giá tour du lịch trọn gói đến Thái Lan, Campuchia cùng thời điểm khiến du khách chuyển hướng du lịch nước ngoài thay vì du lịch nội địa.
“Hiện, tour 5 ngày 4 đêm khởi hành từ TP Hồ Chí Minh đi Đài Loan vào mùng 1, mùng 2 và mùng 8 Tết được bán với giá 12 triệu đồng mỗi khách. Trong khi đó, một tour TP Hồ Chí Minh đi Quy Nhơn và Phú Yên cùng thời điểm có giá khoảng 9,5 triệu đồng nên khách chọn đi nước ngoài thay vì du lịch trong nước”-ông Cường dẫn chứng.
Để giải bài toán giá vé máy bay, qua đó thu hút du khách đặt tour nội địa trong các kỳ nghỉ lễ, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng cần có sự hợp tác liên kết giữa ngành hàng không với du lịch. Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt đề xuất, cơ quan chức năng, đơn vị liên quan cần dự đoán tổng lượng khách có nhu cầu sử dụng máy bay trong các dịp lễ tết là bao nhiêu, từ đó đó có kế hoạch tăng cường chuyến để có lượng cung đầy đủ, bù chi phí bán lệch đầu cho ngành hàng không.
“Nếu có phương án sớm về vận tải hành khách mùa cao điểm, ngành hàng không sẽ tạo môi trường lành mạnh, hành khách không phải mua vé giá quá cao. Doanh nghiệp du lịch có thể bán được nhiều tour hơn vì tiếp cận vé giá rẻ ngay từ sớm, qua đó tránh tình trạng “chảy máu ngoại tệ”, khi du khách chuyển hướng đi nước ngoài thay vì du lịch trong nước”-ông Đạt khẳng định.
Dưới góc độ chuyên gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, ngành hàng không và du lịch nên tính chuyện làm ăn lâu dài với nhau từ đó tránh tình trạng tăng giá vận chuyển dịp cao điểm. Để làm được điều này cần có sự tham gia của Chính phủ với tư cách điều phối giá vé làm sao không quá thấp so với giá sàn hoặc có thể bù lỗ. “Du lịch Thái Lan nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ “nhạc trưởng” là Tổng cục Du lịch làm đầu mối liên kết giữa hàng không với du lịch từ đó giúp giảm giá vé máy bay và tour. Họ thu lại từ việc chi tiêu của du khách khi đến Thái Lan du lịch. Cách làm này ngành du lịch Việt Nam cũng nên học hỏi. Có như vậy mới kích cầu, thúc đẩy người dân đi du lịch dịp Tết, xa hơn là các năm tiếp theo ”-ông Tuấn nêu ví dụ.