Gấp rút khơi thông tín dụng cuối năm
(Thị trường tài chính) - Khoảng 700.000 tỷ đồng đang nằm trong hệ thống ngân hàng và số tiền này cần phải đưa vào nền kinh tế từ nay đến cuối năm nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14% như mục tiêu đã đề ra.
Vốn dư thừa, lãi suất huy động liên tục giảm
Trong ngày đầu tháng 12/2023, lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND thông thường tại quầy của các ngân hàng tiếp tục giảm thêm 0,1 - 1,35%/năm, tùy kỳ hạn so với cùng kỳ tháng 11. Lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn 12 tháng chỉ còn ở mức 5,7%/năm.
Đơn cử như Vietcombank, dù có mức lãi suất tiết kiệm tiền đồng ở mức thấp nhất trên thị trường nhưng mới đây, Vietcombank vừa hạ thêm 0,3 - 0,5%/năm so với đầu tháng 11. Đối với kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất huy động của nhà băng này còn 0,2%/năm. Lãi suất 1 - 2 tháng còn 2,4%/năm; 3 tháng còn 2,7%; 6 - 9 tháng còn 3,7%; trên 12 tháng còn 4,8%… Hiện 3 ngân hàng có vốn Nhà nước lớn như BIDV, VietinBank, Agribank giữ lãi suất huy động ở mức từ 0,5 - 0,8%/năm ở các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 3,2%/năm, 3 tháng 3,5 - 3,6%, 6 tháng 4,5%, 12 tháng 5,3%.
Đối với các ngân hàng cổ phần, lãi huy động tiền đồng cũng liên tục đi xuống. Techcombank giảm khoảng 0,1%/năm, lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn 1 tháng còn 3,4%/năm, 3 tháng 3,7%, 6 tháng 4,8%, 12 tháng trở lên 5,2%… Sacombank giảm 0,35%/năm lãi suất huy động ở những kỳ hạn dài, xuống còn 4,75%/năm ở kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng còn 4,8%/năm, mức cao nhất là 5%/năm ở kỳ hạn 36 tháng…
Lãi suất huy động liên tục giảm nhưng điều này không khiến kênh gửi tiết kiệm ngân hàng “mất giá”. Trái lại, lượng tiền gửi đổ vào ngân hàng liên tục tăng. Nền kinh tế thế giới nhiều bất ổn, trong khi trong nước, thị trường bất động sản chưa khởi sắc, thị trường chứng khoán chưa thực sự sôi động trở lại… là những lý do khiến kênh gửi tiết kiệm được ưu ái nhất hiện nay. Ở một khía cạnh khác, lãi suất tiền gửi liên tục giảm do ngân hàng thương mại đang quá “dư dả” tiền, trong khi lượng vốn cho vay ở mức thấp, tín dụng tăng trưởng ở mức thấp so với nhiều năm trở lại đây.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, tín dụng đến ngày 21/11 đã tăng 8,09%, dù đã có sự tăng trưởng nhưng vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu tăng 14% của cả năm. Dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn khoảng 6,2%, tương đương khoảng 735.000 tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế.
Lãi suất giảm, doanh nghiệp vẫn kêu khó
Từ đầu tháng 11 đến nay, các ngân hàng thương mại không chỉ đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2%/năm, mà còn đưa ra nhiều gói ưu đãi lãi suất dành cho DN, hộ kinh doanh và cả cho cá nhân vay tiêu dùng để kích cầu tín dụng. "Trong 6 - 9 tháng vừa qua, Techcombank đã 4 - 5 lần hạ lãi suất cho vay. Tổng lãi suất cho vay Techcombank đã ưu đãi DN lên đến 2 - 3% tùy tình trạng của các DN" - Phó Tổng Giám đốc Techcombank Phùng Quang Hưng cho biết.
Trong khi đó, Agribank cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, ngân hàng đã có 7 lần giảm lãi suất cho vay. Theo đó, sàn lãi suất cho vay ngắn hạn giảm 1,3 - 4%/năm, sàn lãi suất cho vay trung và dài hạn giảm từ 0,3 - 1,5%/năm, tùy từng lĩnh vực.
Mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện đã giảm khoảng 1,5 - 2%/năm so với cuối năm ngoái nhưng tốc độ giảm này được nhận định là chưa tương xứng với mức giảm 3 - 4% của lãi suất huy động. Vì vậy, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới để kích cầu tín dụng.
Trong khi đó, các DN cho hay, dù lãi suất giảm, việc tiếp cận vốn tín dụng còn nhiều khó khăn. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Kim Hùng, hiện nay nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp được các ngân hàng tung ra để hỗ trợ DN cho mùa kinh doanh cuối năm. Bản thân DN cũng rất muốn vay vốn ngân hàng, tuy nhiên do không còn tài sản bảo đảm nên việc tiếp cận rất khó. "Tài sản bảo đảm nhưng có cơ chế kèm theo chứng minh, trong giai đoạn này cũng mong ngân hàng có cơ chế linh động hơn" - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP H-Holding Phạm Khắc Học cho biết.
Giám đốc Công ty CP Sản xuất công nghiệp và Thương mại Vít Việt Văn Nguyên Vũ chia sẻ, do đặc thù của ngành cơ khí là đầu tư lâu dài, máy móc thiết bị mua phải trả liền, trong khi dòng xoay vốn lại quá chậm. Điều này dẫn đến nhiều thời điểm các DN cơ khí gặp khó khăn về dòng tiền, nhất là trong bối cảnh thị trường tiêu thụ chưa phục hồi mạnh như hiện nay.
Chuyển room từ nơi thừa sang nơi thiếu
Để đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống, từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các đơn vị cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, bổ sung hạn mức tín dụng (room) tăng thêm cho các ngân hàng dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022. Đồng thời ưu tiên thêm cho những nhà băng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt từ 80% chỉ tiêu tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.
Trên thực tế, dù tăng trưởng tín dụng chung còn chậm, chỉ hơn 8% nhưng nhiều ngân hàng cổ phần đã có mức dư nợ tăng khá tích cực. Như ngân hàng OCB, tín dụng đã tăng gần 12% và khả năng có thể cán đích 18% tăng trưởng trong năm nay. "Chúng tôi cũng triệt để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, liên tục giảm lãi suất. Việc giảm lãi suất như vậy rất thiết thực để hạ chi phí tài chính cho khách hàng. Ngân hàng cần tháo gỡ hơn tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản bảo đảm, trong bối cảnh giá trị tài sản bảo đảm giảm" - Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB Nguyễn Đình Tùng thông tin.
Hết quý III, Ngân hàng Techcombank đã đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng hơn 11%, nằm trong nhóm ít nhà băng có tốc độ tăng tín dụng cao nhất hệ thống. Ngân hàng đã chủ động đa dạng hóa cách làm tín dụng, thiết kế những sản phẩm tín dụng theo chuỗi để đẩy nhanh tốc độ giải ngân. "Chúng tôi làm tín dụng dựa trên sự am hiểu sâu về đặc thù của từng ngành. Do đó các giải pháp tín dụng mà Techcombank đưa ra cũng may đo cho từng ngành để bảo đảm cấu trúc tín dụng hay điều kiện mình đưa ra là phù hợp với khách hàng" - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank Phùng Quang Hưng cho hay.
Dịp cuối năm, nhu cầu tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, đi lại, du lịch và các hoạt động kinh tế của dịp Tết cổ truyền sẽ tăng trưởng. Điều này sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng, nhưng đòi hỏi mỗi ngân hàng phải có cách làm riêng.
“Năm 2024, NHNN sẽ xây dựng cơ chế phân bổ hạn mức tín dụng một cách hợp lý nhất, trên cơ sở tính toán xác định lượng tiền cần thiết bơm ra, lượng tín dụng cần tăng bao nhiêu bảo đảm được kiểm soát lạm phát, an toàn của các tổ chức tín dụng… NHNN sẽ chủ động triển khai từ đầu năm và giám sát theo dõi thường xuyên. Nếu ngân hàng nào chạm trần tín dụng nhưng xu thế có thể cho vay ra thêm được mà vẫn bảo đảm an toàn hoạt động NHNN lập tức mở tín dụng” - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ.
NHNN đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% nhưng cần linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong bối cảnh thực tế, nếu GDP chỉ tăng 4,7 - 5% thì tín dụng chỉ cần đạt 11 - 12% là đủ. Mặt bằng lãi suất đã giảm là điều kiện cần, điều kiện đủ là sự phục hồi mạnh hơn của hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng.
TS Võ Trí Thành
Từ nay tới hết năm, SHB đang triển khai các chương trình hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho khách hiện hữu, đặc biệt là ưu tiên cho DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa, dự án xanh.
Phó Giám đốc phụ trách Khối khách hàng DN SHB Đinh Ngọc Dũng