[Đìu hiu chợ truyền thống] Kỳ 2: Dù ế khách nhưng không bán online vì ngại thay đổi
(Thị trường tài chính) - Không trụ nổi vì chợ ế ẩm, đã có nhiều tiểu thương rao bán hoặc cho thuê ki-ốt. Còn một số người cố trụ lại, mặc dù ngán ngẩm vì cảnh khách đìu hiu, lo buôn bán không đủ tiêu, nhưng khi để linh hoạt tham gia bán online, nhiều tiểu thương vẫn cố thủ và không chịu thay đổi.
Một Ki-ốt đóng cửa tại chợ Ninh Hiệp. Ảnh: Duy Linh |
Ki-ốt rao bán, cho thuê nhan nhản
Không chỉ ở chợ Hôm, chợ Đồng Xuân… ở nhiều các ngôi chợ khác ở Hà Nội, phóng viên tiếp tục ghi nhận sự vắng vẻ đìu hiu, người bán nhiều hơn người mua ở thời điểm đáng lẽ nhộn nhịp nhất. Nhiều những ngôi chợ, các ki-ốt được rao bán, rao cho thuê khá nhiều.
Trung tâm thương mại Hàng Da được cải tạo từ chợ Hàng Da cũ, kết hợp giữa cách kinh doanh hiện đại và buôn bán kiểu truyền thống. Các tiểu thương cho rằng, từ khi chuyển sang trung tâm hiện đại này, vốn đã vắng vẻ hơn rất nhiều so với ngôi chợ Hàng Da trước đó. Thế nhưng, so với 1 - 2 năm gần đây, hiện trạng còn thê thảm hơn.
Khu vực tầng 1 ngay sảnh vào trung tâm từng là một dãy ki-ốt bán rượu, bia, bánh kẹo, nhưng nay chỉ vài gian hàng còn hoạt động. Vài ki-ốt bị Ban quản lý (BQL) chợ dán niêm phong do quá thời hạn thanh toán mặt bằng.
Vốn là một cái “chợ trong làng” được mệnh danh là lớn nhất miền Bắc, nhiều tiểu thương chợ Ninh Hiệp cũng đã bỏ ki-ốt, tìm phương thức kinh doanh khác. Chị Nguyễn Phương, một tiểu thương ở chợ Ninh Hiệp cho biết, khác với những năm trước khi mà bất kể ki-ốt lớn, nhỏ… đều dễ dàng được hỏi thuê, thì gần 1 năm trở lại đây, nhiều ki-ốt đã bỏ trống.
“Có nhiều hộ kinh doanh đã rao cho thuê với giá giảm tương đối so với trước đó, nhưng cứ ngày nọ qua ngày kia không ai hỏi đến. Việc mua bán, trao đổi các ki-ốt giữa các tiểu thương cũng không còn sôi động” - chị Phương cho biết.
Những ki-ốt cách đây đáng giá cả một căn nhà thì đến giờ lạnh vắng, có rao cũng chẳng ai dám mua, theo chị Phương.
Cũng đồng ý kiến với chị Phương, cô Khánh - một tiểu thương bán hàng gia dụng tại chợ Đồng Xuân chia sẻ, vào thời “hoàng kim” của chợ truyền thống, khu chợ này chật kín các sạp kinh doanh đủ loại mặt hàng, một ki-ốt tại chợ có thể đem lại thu nhập đủ nuôi cả gia đình và chi phí cho con cái ăn học.
“Ngày trước, muốn thuê hay mua lại sạp ở chợ còn phải tranh nhau. Có lúc, 1 ki-ốt chợ vài mét vuông còn đắt đỏ hơn mua một căn nhà, nhưng ai buôn bán cũng phải dành dụm, gom góp để mua đứt. Thế nhưng, chợ bây giờ có nhiều sạp đóng cửa gần cả năm nay, cho thuê hay sang lại giá rẻ cũng không mấy ai quan tâm” - cô Khánh nói.
Khách mua hàng trực tiếp có thể chọn và thử hàng tại chỗ tại chợ Hôm. Ảnh: Duy Linh |
Tiểu thương ngại thay đổi
Ế ẩm là vậy, người bán leo lắt từng ngày, nhưng khi nhắc đến việc thay đổi thể thức kinh doanh như lên các sàn thương mại điện tử, bán trên mạng xã hội hoặc livestream trên các nền tảng mạng xã hội nổi tiếng như TikTok, Facebook… thì chị Hương, tiểu thương chợ Hôm cho rằng, việc đó không giải quyết gì nhiều.
“Hàng bán trên mạng xã hội thường không chất lượng như hàng bán trực tiếp ở chợ của chúng tôi. Mua bán ở chợ, khách hàng có thể được xem xét, sờ mó và kiểm tra chất liệu sản phẩm, đồng thời dễ dàng đổi trả sản phẩm nếu không vừa size” - chị cho biết.
Để giải thích về việc giá cùng một sản phẩm trên sàn thương mại hoặc trên mạng xã hội thường rẻ hơn ngoài chợ, chị Hương cho rằng: “Cùng một sản phẩm nhưng có nhiều chất liệu, nhiều chỗ sản xuất. Chỉ qua hình ảnh thì làm sao khẳng định được chất lượng”.
Cũng giống như chị Hương, dù biết việc buôn bán ế ẩm một phần do suy thoái kinh tế, phần khác do sự cạnh tranh khốc liệt của các sàn thương mại điện tử, tuy nhiên nhiều các tiểu thương khác ở khi được hỏi đều nói không có ý định "bán online".
Cô Hằng, tiểu thương bán đồng hồ, kính mắt ở chợ Đồng Xuân cho biết, nhiều người ra chợ mua hàng nói trên mạng bán giá thế này thế kia. Cô cho biết, “tiền nào của nấy”, hàng ở trên mạng không thể chất lượng như hàng của các cô bán tại chợ được.
Trả lời về việc tại sao không bắt xu hướng bán online để tăng thêm lượng khách, cô cho biết, bán online… “mất thời gian”.
"Chúng tôi bán đã mấy chục năm nay ở chợ rồi, giờ nói chuyển sang bán hàng online thì sẽ có con cái hỗ trợ, nhưng chúng tôi không thích, lười thay đổi lắm" - cô nói.
Hoặc như cô Lan, tiểu thương chợ Đồng Xuân, cô cho biết, mặc dù buôn bán ế ẩm nhưng cô vẫn bám chợ với hình thức kinh doanh truyền thống. Với cô, sạp hàng vừa là việc kinh doanh vừa là kỷ niệm.
Nói về việc ngoài ngồi sạp ở chợ truyền thống, có thể kết hợp bán online để bắt kịp xu thế, cũng như có cơ hội có thêm khách. Cô cho biết, việc bán hàng online không phải là thế mạnh của cô. Bởi lẽ, ngồi chợ đã vài chục năm nay, quen với lối bán mua truyền thống, giờ đã ngoài 60, mắt đã không còn tinh tường, việc cập nhật công nghệ rất hạn chế.
“Thấy nhiều các cô, các chị trẻ có tham gia bán online, livestream, cũng thấy có đơn hàng đi, khác với việc ế ẩm của chúng tôi. Nhìn thấy thế cũng sốt ruột, cũng muốn thử. Nhưng một phần vì không rành về công nghệ, một phần vì cũng không rành ăn nói hoặc đủ kiên nhẫn ngồi bấm trả lời tin nhắn của khách hàng lại nhớ trước quên sau, nên cũng đành chấp nhận tiếp tục buôn bán bám chợ” - cô Lan cho biết.
(Còn nữa)
Kỳ 1: Tiểu thương lo buôn bán không đủ tiền… ăn