Đầu năm, doanh nghiệp lại xếp hàng "khất nợ" trái phiếu

Hà Lâm

(Thị trường tài chính) - Hoạt động mua lại trước đáo hạn chứng kiến sự gia tăng, nhất là trong tháng cuối cùng của năm 2023. Tuy nhiên, số DN phải “khất nợ” trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn xếp hàng cùng với hơn 277.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 vẫn là những nỗi lo hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh một số quy định sau thời gian giãn, hoãn sẽ chính thức được triển khai đầy đủ trong năm nay.

Trái phiếu chậm trả lãi giảm

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 31/12/2023, có 55 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trong tháng 12/2023 với tổng giá trị 42.806 tỷ đồng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 7,06%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,97 năm.

 Đầu năm, doanh nghiệp lại xếp hàng
Ảnh minh họa (Ảnh: Phạm Hùng)

Tính cả năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng (chiếm 11.9% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng số). Ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng (tương đương 56,5% tổng giá trị phát hành), theo sau là nhóm Bất động sản với 73.202 tỷ đồng (chiếm 23,5%).

Hiện, số trái phiếu chậm trả lãi đã giảm so với đầu năm, chỉ có 6 mã trái phiếu mới công bố chậm trả lãi/gốc với tổng giá trị 545.7 tỷ đồng trong tháng 12.

Bản tin thị trường tháng 1/2024 của Tổ chức Xếp hạng FiinRatings cho biết, hoạt động mua lại trước đáo hạn cũng chứng kiến sự gia tăng với tổng giá trị trong tháng 12 đạt 32.690 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với tháng trước và tương đương 61,34% so với cùng kì năm 2022. Hai phần ba quy mô mua lại thuộc về nhóm ngành Tổ chức tín dụng, đến từ hoạt động có tính chu kì này của Ngân hàng vào thời điểm cuối năm.

Tính chung trong năm 2023, đã có 771 lô trái phiếu riêng lẻ được mua lại trước đáo hạn với tổng giá trị đạt 239.590 tỷ đồng, tăng 7,84% so với năm 2022. Hoạt động này tuy chứng kiến sự suy giảm đến từ các nhóm ngành phi tài chính, nhưng lại được các ngân hàng và tổ chức tài chính tích cực thực hiện trong năm qua với mức gia tăng đạt 27,06%.

Theo FiinRatings, trong môi trường lãi suất giảm của năm 2023, mua lại trái phiếu trước đáo hạn giúp ngân hàng giảm được chi phí vốn. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng tối ưu hóa cấu trúc nợ của ngân hàng nhằm thích ứng với yêu cầu hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 34% xuống còn 30% từ ngày 1/10/2023 theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN.

Năm 2024, thị trường TPDN được đánh giá là có một số điểm sáng. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, năm 2024, lãi suất của Mỹ, châu Âu… có thể sẽ giảm, kéo theo dòng vốn chảy về các nước đang phát triển có khả năng phục hồi như Việt Nam. Lãi suất trong nước năm 2024 cũng dự báo tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp, điều này sẽ hỗ trợ tốt cho kênh phát hành TPDN.

Bên cạnh thách thức, thị trường TPDN năm 2024 vẫn có nhiều điểm sáng. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, năm 2024, lãi suất của Mỹ, châu Âu… có thể sẽ giảm, kéo theo dòng vốn chảy về các nước đang phát triển có khả năng phục hồi như Việt Nam. Lãi suất trong nước năm 2024 cũng dự báo tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp, điều này sẽ hỗ trợ tốt cho kênh phát hành TPDN.

Ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc VIS Rating cho rằng, thị trường TPDN đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới bền vững hơn nhờ lãi suất giảm, các chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi, thị trường minh bạch hơn, các quy định chặt chẽ hơn, tâm lý nhà đầu tư cải thiện.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp phát hành TPDN chậm nghĩa vụ thanh toán vẫn còn khá nhiều, song có nhiều doanh nghiệp phát hành vẫn thanh toán đúng hạn, tạo được uy tín với thị trường. Nói cách khác, thông tin thị trường đang minh bạch, rõ ràng hơn, niềm tin với nhà đầu tư cũng đang dần quay lại. Đây là yếu tố quyết định với sự hồi phục của thị trường.

Vẫn còn nhiều doanh nghiệp xếp hàng “khất nợ”

Dù có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy, thị trường TPDN đang có dấu hiệu ấm lên. Tuy nhiên, năm 2024, kênh huy động vốn này vẫn còn không ít những nỗi lo để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Cụ thể, dù hoạt động mua lại TPDN tăng đột biến trong tháng 12/2023 nhưng lại giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong tháng này, các DN đã mua lại 32.677 tỷ đồng, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2024, lượng TPDN đáo hạn vẫn rất lớn. Ước tính, sẽ có khoảng 277.065 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong tháng 12, có 8 mã trái phiếu được gia hạn với thời gian đáo hạn được kéo dài chủ yếu từ 1 đến 2 năm.

Số lượng “khất nợ” dù có thời điểm giảm, tuy nhiên, chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, hàng loạt những cái tên vẫn xếp hàng đàm phán với trái chủ giãn, gia hạn thời điểm thanh toán lãi/gốc trái phiếu, trong đó có những DN “khất nợ” nhiều lần. Có thể kể đến các DN gồm: Công ty TNHH đầu tư và phát triển năng lượng Thành Nguyên chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tuần từ ngày 18/01/2024 đến ngày 24/01/2024; CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova chậm thanh toán nhiều lô trái phiếu; Công ty TNHH đầu tư và phát triển năng lượng Thành Nguyên công bố thông tin bất thường tình hình chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tuần từ ngày 11/01/2024 đến ngày 17/01/2024; Công ty TNHH đầu tư và phát triển năng lượng Thành Nguyên chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tuần từ ngày 04/01/2024 đến ngày 10/01/2024; Công ty cổ phần bất động sản thế kỷ chậm thanh toán lãi trái phiếu CRE202001; Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức chậm thanh toán lãi trái phiếu GDUCH2131001; Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Đất xanh Miền Nam chậm thanh toán gốc lãi trái phiếu MNRCH2123001….

Mặt khác, nếu không có gì thay đổi, năm nay các quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) chính thức triển khai đầy đủ sau một thời gian giãn, hoãn theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08). Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép hoãn thi hành quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và bắt buộc xếp hạng tín nhiệm để tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Sang năm 2024, những quy định này sẽ bắt đầu được áp dụng. Việc áp dụng các quy định này chắc chắn sẽ có tác động tới thị trường TPDN.

Yêu cầu các DN phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ về việc có tiếp tục kéo dài một số quy định của Nghị định 08 hay không, đồng thời cần có giải pháp đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức. Bộ Tài chính cần rà soát khả năng chi trả của doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn thanh toán năm 2024. Từ đó, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thị trường tài chính tiền tệ, tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, việc quay lại thực hiện Nghị định 65 sẽ gây áp lực nhất định cho doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, về lâu dài, thực hiện đầy đủ nghị định này sẽ tốt hơn cho thị trường, giúp lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đến nay, sau hơn 8 tháng triển khai Nghị định số 08, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân đã tích lũy đủ thời gian 180 ngày để đáp ứng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nên không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định này. Ngoài ra, pháp luật chứng khoán còn quy định các cách khác để xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân đang được thực hiện như: có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng. Việc thực hiện quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65 sẽ giảm thiểu rủi ro phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu, tăng cường tính an toàn và bền vững của thị trường TPDN. “Về quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm, hiện nay, Bộ Tài chính đã cấp phép kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho 3 DN đáp ứng đủ điều kiện và năng lực theo quy định của pháp luật, trong đó có 1 DN có cổ đông góp vốn thành lập là tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới là Moody’s, 2 DN còn lại đang có sự tham gia hỗ trợ kỹ thuật từ S&P và Fitch. Hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp DN công khai thông tin về tình hình tài chính, khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp, bổ sung thêm công cụ cho nhà đầu tư đánh giá mức độ rủi ro và lựa chọn các sản phẩm tài chính phù hợp”- ông Chi thông tin.

Năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi, yêu cầu các DN phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Yêu cầu các DN trường hợp có khó khăn trong thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu.

Thứ năm, đối với hoạt động kiểm tra, giám sát, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo UBCKNN và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các DN phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ để nâng cao chất lượng phát hành của DN phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sau kiểm tra sẽ có công bố công khai rộng rãi ra thị trường về các sai phạm (nếu có).