Chính sách tiền tệ vượt cơn gió ngược

Thảo Nguyên

Thitruongtaichinh - Do gặp nhiều khó khăn từ trong và ngoài nước, năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng ở Việt Nam.

Do đó, năm 2024 sẽ là năm hành động quyết liệt hơn nữa của ngành ngân hàng để đạt được các mục tiêu điều hành đặt ra.

Một năm nhiều thăng trầm

Năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn hơn với nền kinh tế Việt Nam bởi các tác động vĩ mô cả trong và ngoài nước. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, đặc biệt là sức ép lạm phát tăng cao và sự lên giá của các đồng tiền chủ chốt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời và phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; góp phần tham mưu chuyển hướng chính sách kịp thời, từ "chặt chẽ" sang "nới lỏng, linh hoạt".

Động thái của NHNN là theo rất sát nguồn vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại để kịp thời hút về và bơm ra một cách nhịp nhàng. NHNN chủ động điều hành tỷ giá thông qua dự trữ ngoại hối cũng như giá bán USD trong năm 2023 khá nhịp nhàng cũng là một thành tựu giúp cho tỷ giá không biến động quá lớn trong một năm đầy thử thách này.

Thị trường tài chính - tiền tệ năm 2024 được dự báo tăng trưởng và phát triển. Ảnh: Phạm Hùng
Thị trường tài chính - tiền tệ năm 2024 được dự báo tăng trưởng và phát triển. Ảnh: Phạm Hùng

Khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và dự báo áp lực lạm phát không lớn, NHNN đã chủ động 4 lần giảm lãi suất điều hành (với mức giảm 0,5 – 2,0%/năm) và đưa mặt bằng lãi suất cho vay giảm so với cuối năm ngoái hơn 2%, đặc biệt mặt bằng lãi suất đã đưa về bằng thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Trong năm 2023 mặc dù đã 4 lần giảm lãi suất nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn khá ì ạch. Sự nguội lạnh về nhu cầu tín dụng trong năm 2023 đã minh chứng cho hệ quả của việc sụt giảm về cầu tiêu dùng và sụt giảm đầu tư.

Đây là sự khác biệt của năm 2023 so với những năm trước là hiện tượng “thừa tiền” của các ngân hàng thương mại Việt Nam, khi mà lượng vốn tồn đọng trong ngân hàng khá lớn và không thể đẩy ra nền kinh tế được nhiều.
NHNN cũng đã thực hiện cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm nợ và triển khai các gói tín dụng; phân bổ hết hạn mức tín dụng hàng năm từ giữa năm 2023 và phối hợp với nhiều địa phương tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối giữa ngân hàng và DN. Nhờ sự tháo gỡ khó khăn nêu trên, tín dụng đã được đẩy mạnh lưu thông vào cuối năm, đạt khoảng 13,71%, thấp hơn không đáng kể so với mức 14,18% của năm 2022.

Về tỷ giá, “dù mất giá khoảng 2,9% nhưng Việt Nam đồng được đánh giá là một trong những đồng tiền có tính ổn định cao và dự trữ ngoại hối Nhà nước cải thiện so với cuối năm ngoái. Đây là những điểm cộng để nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong năm 2023” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Nhìn lại diễn biến tài chính, tiền tệ năm 2023, giới phân tích quốc tế tiếp tục đánh giá cao khi Việt Nam kiểm soát lạm phát, tỷ giá thành công, tăng trưởng cao thuộc hàng đầu thế giới, dù bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế vô vàn khó khăn.

Kỳ vọng hấp thụ 2 triêụtỷ đồng vốn tín dụng

Bước sang năm 2024, tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn thách thức, các chuyên gia nhìn nhận áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn, vẫn nằm trong tầm kiểm soát, song vẫn cần chú ý rủi ro tiềm ẩn. Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ hết hiệu lực vào tháng 6/2024 sẽ gây áp lực rất lớn đến tình trạng tài chính của ngân hàng thương mại.

Trong khi đó, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, rất nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Điều này tạo ra những thách thức không nhỏ trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ cũng như quản lý giám sát thị trường tài chính tại Việt Nam.

Đại diện NHNN khẳng định, năm 2024 tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đưa nợ xấu về dưới 3%.

Lãnh đạo NHNN nhấn mạnh: “Năm 2024 sẽ là năm hành động quyết liệt hơn nữa của ngành ngân hàng để đạt được các mục tiêu điều hành đặt ra”.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN và toàn ngành ngân hàng, không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ, không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, DN thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, không để tiêu cực, tham nhũng, sơ hở trong quản lý hệ thống ngân hàng.