Cẩn thận mất tiền oan vì thói quen lưu ảnh Căn cước công dân trong điện thoại
(Thị trường tài chính) - Để thuận lợi mỗi khi sử dụng, nhiều người thường có thói quen lưu hình ảnh Căn cước công dân và giấy tờ tùy thân trong điện thoại. Tuy nhiên, điều này sẽ vô tình tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng.
Trước diễn biến mới của tình trạng lừa đảo công nghệ ngày một gia tăng, các ngân hàng liên tục phải cập nhật và đưa ra những cảnh báo mới.
Ngân hàng BIDV cho hay, gần đây, xuất hiện các đối tượng giả danh là cán bộ của các cơ quan Nhà nước, Chính phủ (đặc biệt là cơ quan công an, thuế) gọi điện thoại thông báo khách hàng cần khai báo/cập nhật thông tin tại các ứng dụng của cơ quan Nhà nước (như VNEID, VSSID, eTax,..) và sẽ gửi/đọc các đường link tải ứng dụng giả mạo cho khách hàng.
Sau khi ứng dụng giả mạo được cài đặt vào điện thoại, các đối tượng sẽ tạo ra một số tình huống để người dùng thực hiện các giao dịch như đổi mật khẩu, chuyển khoản lệ phí công,…
Khi khách hàng thực hiện, các ứng dụng giả mạo này sẽ theo dõi và đọc trộm các thông tin mà khách hàng nhập vào toàn bộ các ứng dụng trên điện thoại cũng như các thao tác mà khách hàng thực hiện trên thiết bị (bao gồm cả nguy cơ đánh cắp thông tin trên smartbanking), từ đó cướp quyền điều khiển thiết bị di động cũng như tài khoản của khách hàng. Hiện tượng được ghi nhận chủ yếu xảy ra với khách hàng sử dụng hệ điều hành Android.
Ngân hàng này khuyến cáo khách hàng chỉ cài đặt các ứng dụng chính thức trên Appstore và CH Play, không cài đặt qua các web/link lạ, tuyệt đối không cung cấp/ để lộ thông tin (mật khẩu, mã xác thực,...) cho bất kỳ ai để tránh bị lợi dụng.
Trước đó, các ngân hàng khác như Techcombank, Vietinbank cũng thường xuyên đưa ra các cảnh báo tương tự cho khách hàng trước các hành vi lừa đảo của tội phạm mạng như: các cuộc gọi/tin nhắn giả mạo cơ quan chức năng, cán bộ ngân hàng mời phát hành, nâng hạn mức thẻ tín dụng hoặc các dịch vụ tài chính khác,...
Theo các ngân hàng, việc lưu trữ giấy tờ tùy thân trong điện thoại như: Ảnh chụp chứng minh thư nhân dân (CMTND), căn cước công dân (CCCD), hộ chiếu cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu truy cập ứng dụng ngân hàng,… trên thiết bị di động sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật và đánh cắp thông tin cá nhân của các khách hàng.
Đối với việc lưu trữ này, khi các tội phạm chiếm được quyền truy cập điện thoại, chúng sẽ dễ dàng truy cập và sử dụng thông tin này cho các mục đích bất chính, như: Đăng ký tài khoản ngân hàng hoặc vay tiền trên app, dùng để đăng ký mã số thuế ảo, đăng ký số điện thoại trả sau, chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng, cùng với nhiều thủ đoạn khác để trục lợi trái pháp luật.
Các ngân hàng cũng khuyến cáo người dân cần thường xuyên cập nhật ứng dụng ngân hàng lên phiên bản mới nhất.