Các trường hợp hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được hoàn thuế
(Thị trường tài chính) - Theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu.
Thuế nhập khẩu là một loại thuế mà Nhà nước đánh vào hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài trong quá trình nhập khẩu. Nói cách khác, đây là khoản tiền mà cá nhân, tổ chức phải nộp cho Nhà nước khi có hành vi dịch chuyển hàng hóa qua biên giới quốc gia vào Việt Nam đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật nhằm bảo hộ nền sản xuất trong nước, đồng thời tạo nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu, gồm:
(1) Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan để sử dụng trong khu phi thuế quan.
(2) Việc tái xuất hàng hóa phải được thực hiện bởi người nhập khẩu ban đầu hoặc người được người nhập khẩu ban đầu ủy quyền, ủy thác xuất khẩu;
(3) Hàng hóa nhập khẩu do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài gửi cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam thông qua dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế đã nộp thuế nhưng không giao được cho người nhận hàng hóa, phải tái xuất;
(4) Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế sau đó bán cho các phương tiện của các hãng nước ngoài trên các tuyến đường quốc tế qua cảng Việt Nam và các phương tiện của Việt Nam trên các tuyến đường quốc tế theo quy định;
(5) Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan hải quan được tái xuất ra nước ngoài.
Thủ tục không thu thuế đối với trường hợp không phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 06/2021/TT-BTC ngày 22/01/2021 của Bộ Tài chính.