Báo Kinh tế & Đô thị: Chân dung thu nhỏ của đô thị Hà Nội
Thitruongtaichinh - 25 năm qua Báo Kinh tế & Đô thị đã là một người bạn đồng hành đáng tin cậy của Nhân dân Thủ đô, là kênh thông tin chính thống, chính xác, truyền tải những chính sách quản lý đô thị đến người dân.
Đồng thời Báo cũng chính là bức chân dung thu nhỏ của đô thị Hà Nội, phản ánh thực tế xã hội đến các cấp chính quyền.
Cái tên có một không hai
Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên chia sẻ: “Những năm cuối thế kỷ XX, Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển đô thị rất mạnh mẽ. Với mong muốn tạo nên một kênh thông tin, một cầu nối giữa Nhân dân và Chính quyền Thành phố, chúng tôi đã quyết định thành lập một tờ báo. Cái tên Kinh tế & Đô thị xuất phát từ sự chú trọng đến hai vấn đề chính của Hà Nội lúc bấy giờ, đó là phát triển kinh tế và xây dựng, quản lý đô thị”.
Ông Hoàng Văn Nghiên cho rằng nhiệm vụ lớn nhất của Báo Kinh tế & Đô thị là tìm hiểu, thông tin một cách chính xác, truyền tải tâm tư, nguyện vọng, thực tế cuộc sống của người dân đến Chính quyền Thành phố và cả các cấp, ngành chức năng khác; trở thành tai, mắt giúp lãnh đạo Thành phố thấy rõ, nghe rõ thực tế xã hội.
Với cái tên có một không hai, Kinh tế & Đô thị, ngay từ khi ra đời Báo đã được giao sứ mệnh bám sát, đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội, khắc họa chân dung đô thị Hà Nội với những biến thiên hàng ngày. Cụ thể, Báo được kỳ vọng sẽ truyền tải đầy đủ thông tin về đời sống, khó khăn, mong muốn của người dân đến Chính quyền TP. Đồng thời đưa tới cho người dân những thông tin thiết thực, quan trọng nhất về chính sách, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị của Thành phố Hà Nội.
Nguyên Chủ tịch Hoàng Văn Nghiên đánh giá, không dễ dàng gì để một tờ báo như Kinh tế & Đô thị tồn tại, duy trì và trưởng thành trong 25 năm qua. Giữa một nền báo chí phát triển, có thể nói là “trăm hoa đua nở”, Hà Nội cũng đã có nhiều tờ báo khác, nhưng Kinh tế & Đô thị, với bản sắc riêng đã khẳng định được mình, là nhịp cầu nối giữa Chính quyền và Nhân dân Thủ đô. Ban Biên tập và anh chị em phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Báo đã luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ để đưa Kinh tế & Đô thị trở thành một kênh thông tin, tuyên truyền quan trọng của TP Hà Nội.
Báo Kinh tế & Đô thị không được quên nhiệm vụ lớn nhất của mình là tìm hiểu, thông tin một cách chính xác, truyền tải tâm tư, nguyện vọng, thực tế cuộc sống của người dân đến Chính quyền Thành phố và cả các cấp, ngành chức năng khác. “Theo tôi, đó là nhiệm vụ quan trọng nhất. Báo phải trở thành tai, mắt giúp lãnh đạo Thành phố thấy rõ, nghe rõ thực tế xã hội. Hơn nữa, Báo còn phải làm tốt vai trò tham mưu, góp phần để chính quyền Thành phố đưa ra những quyết sách, chiến lược đúng đắn, sắc sảo, phù hợp và kịp thời với những vấn đề về kinh tế - đô thị, xã hội của Hà Nội” - ông Hoàng Văn Nghiên bày tỏ.
Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn nhiều thử thách. Cần nhớ, Hà Nội là TP mang hai vai trò, vừa là đô thị lớn, vừa là Thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước. Tờ báo của một TP như thế phải có bản sắc riêng vừa mạnh mẽ, vừa uyển chuyển; vừa phải phản ánh chân thực bức tranh đô thị Hà Nội, vừa là cầu nối tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền TP.
Nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng chia sẻ, việc có một tờ báo là cơ quan ngôn luận của UBND Thành phố, đặc biệt lại chú trọng các vấn đề về Kinh tế và Đô thị là lợi thế rất quan trọng. Hà Nội vốn là đô thị lớn, phát triển đổi thay từng ngày. Các vấn đề về đô thị như: giao thông, xây dựng, cấp thoát nước, môi trường… đều thu hút sự quan tâm, chú ý của hàng triệu người dân Thủ đô.
Có nhiều vấn đề, qua thông tin không chính thống gây hiểu lầm, tác động xấu đến dư luận, khiến công tác quản lý của Thành phố gặp không ít khó khăn. Khi đó Kinh tế & Đô thị sẽ là nơi đăng tải thông tin chính xác nhất, phát ngôn chuẩn mực nhất của chính quyền Thành phố để người dân hiểu và ủng hộ. Cũng có những chính sách khi đưa vào cuộc sống còn có bất cập, chưa phù hợp, thông tin trái chiều dễ làm “nóng” vấn đề. Khi đó người dân có thể thông qua tiếng nói của Báo Kinh tế & Đô thị để đề xuất lên cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết.
“Hà Nội không chỉ là một đô thị lớn, mà còn là Thủ đô - trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước. Việc có một tờ báo phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, một cơ quan ngôn luận chính thống, chính xác của Thành phố là vô cùng cần thiết và đem đến hiệu quả về nhiều mặt” - Nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng nói.
Những dấu ấn đậm nét
Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ, trong suốt nhiều năm, khu vực bán đảo Linh Đàm là một trong những điểm “nóng” về ùn tắc giao thông, gây khó khăn, bức xúc cho người dân. Năm 2016, Báo Kinh tế & Đô thị đăng tải loạt bài “Nhức nhối điểm nghẽn bán đảo Linh Đàm”, nêu rõ thực trạng đó; đồng thời kiến nghị giải pháp đầu tư cầu qua hồ Linh Đàm kết nối với Vành đai 3 trên cao để tháo gỡ nút thắt giao thông nêu trên.
Loạt bài có sự tham gia góp ý, kiến giải của các chuyên gia, nhà quản lý đầu ngành về giao thông đã có tác động tích cực, góp phần để chính quyền TP đưa ra quyết sách sử dụng ngân sách đầu tư cho dự án xây dựng cầu qua hồ Linh Đàm, và nhánh lên xuống đường Vành đai 3 trên cao. Đến nay việc xóa bỏ điểm “nghẽn” bán đảo Linh Đàm vẫn là một trong những dấu ấn đậm nét, hiệu quả của giao thông đô thị Hà Nội.
Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội Lê Trung Hiếu chia sẻ: “Báo Kinh tế & Đô thị đã đồng hành cùng Ban, cùng các dự án ĐSĐT của Hà Nội từ những ngày đầu khởi động, kiên trì công tác tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ ĐSĐT, đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc thực tế đến lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành T.Ư cũng như Thành phố”.
Ông Lê Trung Hiếu lấy ví dụ với Dự án tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Năm 2018, Dự án được quyết định tách thành hai giai đoạn xây dựng và vận hành. Đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy sẽ được tập trung đẩy tiến độ và đưa vào vận hành trước để nâng cao hiệu quả đầu tư.
“Đây là một bước ngoặt quan trọng của dự án, nhưng tại thời điểm đó vẫn có nhiều đồn đoán, ý kiến trái chiều. Báo Kinh tế & Đô thị đã đồng hành với dự án trên từng bước chân, tuyên truyền đậm đặc để Nhân dân Thủ đô cũng như các cấp chức năng hiểu và ủng hộ chủ trương đó. Thông tin về việc tách dự án thành hai giai đoạn dần được dư luận đón nhận một cách tích cực, tiếp sức cho những nỗ lực của Ban và chính quyền Thành phố” - ông Lê Trung Hiếu kể.
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ: “Trong mọi lĩnh vực đô thị của Hà Nội cũng như cả nước, Kinh tế & Đô thị là một trong những kênh thông tin có tính chính xác cao nhất, đặc biệt là thông tin về quy hoạch”. Ông Phan Trường Thành cho biết, từ những thông tin vĩ mô về quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch GTVT, cho đến quy hoạch chi tiết từng khu vực đã được Báo đưa kịp thời, đầy đủ, chính xác. Qua những thông tin Báo đăng có thể thấy, Kinh tế & Đô thị đã trở thành một kênh thông tin chính thức trong lĩnh vực quy hoạch của Hà Nội” - ông Phan Trường Thành nói.
Một lĩnh vực khác có ảnh hưởng rất lớn, rất nhanh đến đời sống đô thị Hà Nội, đó là vệ sinh môi trường (VSMT). Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến cho biết, trong giai đoạn phát triển “nóng” của Thủ đô, nhiều chủ trương, chính sách đối với lĩnh vực môi trường đã được TP đưa ra. Ví dụ như việc: đấu thầu cung cấp dịch vụ VSMT tại các quận, huyện; hay nâng công suất các khu xử lý rác; ứng dụng công nghệ mới trong VSMT… Những chính sách đó được Báo Kinh tế & Đô thị truyền tải đầy đủ, cụ thể, chi tiết để người dân nắm được và ủng hộ TP.
Ở chiều ngược lại, Báo cũng phản ánh đến chính quyền TP những bất cập, khó khăn về VSMT mà người dân gặp phải. Báo cũng đồng hành cùng những người công nhân VMST, ghi nhận những vất vả, gian nan, nêu gương điển hình tốt, phản ánh những điều chưa được hiểu một cách công tâm, khách quan. “Báo đã phối hợp với đơn vị và các sở, ngành, địa phương tổ chức Cuộc thi viết bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, là kênh tuyên truyền gần gũi, hiệu quả đối với cán bộ, Nhân dân Thủ đô trong lĩnh vực môi trường” - ông Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ.
Bạn đồng hành đáng tin cậy
Đối với Nhân dân Thủ đô, Báo Kinh tế & Đô thị từ lâu đã trở thành một người bạn đồng hành cần mẫn, nhiệt huyết và đáng tin cậy. Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 12, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai Trần Văn Bính cho hay, mỗi khi người dân có vấn đề bức xúc, muốn thông qua Báo, kiến nghị đến các cấp chính quyền đều nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả.
Ông Trần Văn Bính kể, năm 2018, cộng đồng cư dân Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp 2 đã đề nghị Báo Kinh tế & Đô thị vào cuộc phản ánh, làm rõ những vi phạm của bãi xe “chui” tại ô đất bờ Bắc sông Tô Lịch của DN Quân Trung. “Báo Kinh tế & Đô thị đã đứng về phía người dân một cách mạnh mẽ, kiên định lập trường dù có sự đe dọa, có cả đề nghị thỏa thuận từ nhiều cá nhân. Từ thời điểm đó, người dân Tổ 12 có vấn đề lớn nhỏ đều tìm đến sự đồng hành của Báo”.
Là một chuyên gia gắn bó nhiều năm với Báo Kinh tế & Đô thị, Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, Báo đã làm rất tốt vai trò của một kênh thông tin khách quan, đề cao tính hiệu quả trong sự tương tác giữa chính quyền và Nhân dân Thủ đô. Từ những vấn đề đô thị nóng bỏng hay nhức nhối cho đến những quyết sách quan trọng của TP đều có thể tìm thấy trên mặt Báo Kinh tế & Đô thị. “Đây thực sự là bức chân dung thu nhỏ của đô thị Hà Nội với tất cả các chiều cạnh từ phồn thịnh, phát triển cho đến khó khăn, vướng mắc. Kinh tế & Đô thị đã luôn giữ vững tính chiến đấu và tư thế của một tờ báo chính thống, kiên định lập trường khách quan, xây dựng tích cực”.
Sau 25 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, lần lượt trải qua mọi khó khăn, thách thức, đến hôm nay đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị vẫn luôn vững vàng lập trường, kiên định mục tiêu phấn đấu vì một Hà Nội văn minh, hiện đại, phát triên toàn diện; là người bạn đồng hành đáng tin cậy của các cấp chính quyền và Nhân dân Thủ đô.