Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp Việt ảnh hưởng ra sao?
(Thị trường tài chính) - Ngày 28/9, Ấn Độ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, kèm theo điều kiện áp dụng giá sàn 490 USD/tấn. Đồng thời, giảm thuế xuất khẩu gạo đồ từ 20% xuống còn 10%.
Được biết, lệnh cấm xuất khẩu gạo được Ấn Độ ban hành ngày 20/7/2023, nhằm kiểm soát giá cả lúa gạo trong nước trong bối cảnh thời tiết khô hạn do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino làm dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung gạo.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau hơn 1 năm thực hiện hàng loạt chính sách hạn chế xuất khẩu, tính đến đầu tháng 9/2024, lượng gạo tồn kho của Ấn Độ lên tới trên 32 triệu tấn, cao hơn 38,6% so với năm ngoái.
Việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo không phải là thông tin quá bất ngờ vì đã xuất hiện nhiều đồn đoán trước đó và nhiều động thái thăm dò thị trường từ phía chính quyền New Delhi. Đơn cử như giảm thuế xuất khẩu gạo đồ từ 20% xuống 10% hay hồi đầu tháng 9, Ấn Độ cũng bỏ cơ chế giá sàn với gạo basmati. Việc Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati có thể thúc đẩy nguồn cung toàn cầu buộc các nước xuất khẩu gạo chính như Pakistan, Thái Lan và Việt Nam phải giảm giá để cạnh tranh. Điều này làm giảm nhiệt giá gạo trên thị trường toàn cầu.
Cũng theo VFA, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện còn 560 USD/tấn, giảm 20 USD so với tuần trước. Tương tự, giá gạo của Thái Lan cũng giảm về mức 550 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn một năm qua.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, đến ngày 15/9/2024, tổng khối lượng gạo Việt Nam đã xuất khẩu được 6,49 triệu tấn, mang về 4,06 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,14% về lượng và tăng 21,12% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, Việt Nam hoàn thành hơn 80% kế hoạch xuất khẩu năm và dự kiến đạt mục tiêu 7,6 triệu tấn gạo trong năm nay.