Chuyện đua ngựa thời Pháp (1)

Phan Nhân
Chia sẻ

(Thị trường tài chính) -Ngày 24/01/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Trước đó, năm 1864, người Pháp đã đưa môn đua ngựa du nhập vào Việt Nam, ban đầu chỉ là hình thức giải trí của giới sĩ quan Pháp ở Sài Gòn, sau đó dân mê đỏ đen đặt cược, quá đà có nhiều kẻ tán gia, bại sản.

Chuyện ghi lại năm 1864, khi đến xem đua ngựa các quan lại người Pháp đến dự với xe song mã hoặc ngồi cáng có lính khiêng. Những người Việt vào trường đua xem, chia nhau ngồi trên các đám mồ vô chủ của Mả Ngụy, góc ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám và Điện Biên phủ. Đây vốn là trường bắn tập của pháo binh, không có nhà dân, thi thoảng mới được quan quân nhà Nguyễn sử dụng.

Chuyện đua ngựa thời Pháp (1) - ảnh 1
Nài và ngựa. Ảnh tư liệu.

Trường đua ngựa lúc đó được người Pháp gọi là Champ de Courrses, có hình bầu dục, hai đầu bằng nhau, nằm theo hướng Bắc-Nam, cửa nằm phía đường Thuận Kiều (nay là CMT8). Trong cuốn Bến Nghé Xưa, nhà văn Sơn Nam kể rằng lúc này các nài ngựa người Việt mặc áo dài đen, đầu chít khăn đen, cưỡi loại ngựa nhỏ con.

Chuyện đua ngựa thời Pháp (1) - ảnh 2
Quang cảnh trước trận đua. Ảnh tư liệu

Không thể để cá độ phát triển một cách tự do, môn đua ngựa chính thức được người Pháp hợp thức hóa bằng Luật đua ngựa ban hành ngày 2/6/1891. Sau đó, bằng Nghị định ngày 19/4/1906 của Toàn quyền Đông Dương cho phép luật này trên toàn cõi Đông Dương.

Chuyện đua ngựa thời Pháp (1) - ảnh 3
Trường đua ngựa. Ảnh tư liệu.

Năm 1906, thương gia người Pháp Jean Duclos đem loại hình đua ngựa từ quê nhà sang kinh doanh. Ông mang 8 con ngựa giống Ả-rập tốt mã, lớn con, chạy đua giỏi đến vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn, tổ chức đua. Giới ăn chơi thượng lưu ở Sài Gòn bắt đầu làm quen với môn chơi quý tộc này rồi say mê theo kiểu cờ bạc. Trò đua ngựa của Duclos đã tạo cơn sốt khi có gần 200 cuộc đua chỉ trong vòng nửa năm, mang về cho thương gia này rất nhiều tiền.